Kịch bản thị trường: Biến động ngắn hạn và triển vọng tích cực dài hạn
Trong ngắn hạn, SSI Research cho rằng thị trường có thể chứng kiến mức độ biến động mạnh trong giai đoạn tháng 7 – đầu tháng 8 do ba yếu tố: áp lực chốt lời trong mùa công bố kết quả kinh doanh cuối tháng 7.
Bên dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ bị hạn chế khi tỷ giá đã tăng hơn 3% trong 6 tháng đầu năm; và tác động từ thuế quan bắt đầu thể hiện rõ hơn qua số liệu xuất khẩu và lợi nhuận quý III của một số nhóm ngành như dệt may, thủy sản và khu công nghiệp.
Dù vậy, nhóm phân tích duy trì quan điểm tích cực về triển vọng thị trường trong dài hạn.
Trong báo cáo, SSI Research đặt mục tiêu chỉ số VN-Index có thể đạt 1.500 điểm vào cuối năm. Mức định giá dự phóng của thị trường đã tăng từ 8,8 lần (ngày 9/4) lên 11,9 lần (ngày 9/7), nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 5 năm là 12,8 lần.
Các yếu tố hỗ trợ chính bao gồm nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, rủi ro thuế quan giảm bớt và môi trường lãi suất duy trì ở mức thấp.

Tăng trưởng lợi nhuận dự báo tích cực, định giá còn dư địa
SSI Research ước tính tổng lợi nhuận ròng của hơn 79 cổ phiếu trong phạm vi nghiên cứu sẽ tăng 14% so với cùng kỳ trong năm 2025 và tiếp tục tăng 15% trong năm 2026. Các lĩnh vực đóng góp chính bao gồm ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng.
So với các thị trường trong khu vực, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là hấp dẫn, với lợi suất thu nhập trên thị trường (8,4%) cao hơn đáng kể so với lãi suất huy động bình quân (khoảng 4,6%). Điều này có thể thu hút một phần dòng tiền gửi dân cư quay lại thị trường trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp được duy trì.

Chiến lược đầu tư: Ưu tiên nhóm có lợi nhuận tăng trưởng và hưởng lợi chính sách
Dựa trên triển vọng thị trường và phân tích định lượng, SSI Research đề xuất nhà đầu tư nên ưu tiên các ngành có lợi nhuận tăng trưởng tích cực, được hỗ trợ bởi chính sách và dòng tiền.
Cụ thể, nhóm ngành bất động sản và xây dựng được kỳ vọng sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong nước, nhờ vào giải ngân đầu tư công tăng mạnh và nỗ lực tháo gỡ pháp lý.
Ngành ngân hàng cũng được đánh giá tích cực, nhờ hưởng lợi từ thị trường bất động sản hồi phục, đầu tư công đẩy mạnh và tiến trình cải cách trong xử lý nợ xấu. SSI dự báo lợi nhuận hệ thống ngân hàng sẽ tăng 14% trong năm 2025 và 16% trong năm 2026.
Bên cạnh đó, ngành bán lẻ vẫn có thể duy trì tăng trưởng nhờ mở rộng thị phần trong bối cảnh cơ quan quản lý siết chặt quản lý hộ kinh doanh và hàng hóa không rõ nguồn gốc. Ngành chứng khoán cũng là điểm nhấn, được hỗ trợ bởi đà phục hồi thanh khoản, khả năng nâng hạng thị trường FTSE vào tháng 10 và việc triển khai hệ thống giao dịch KRX.
Khi thị trường điều chỉnh, các ngành có thể được xem xét thêm bao gồm công nghệ thông tin, phân bón và hàng tiêu dùng thiết yếu – đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành có tỷ suất cổ tức cao.