Doanh nghiệp

"Shark" Thủy chuyển quyền điều hành Egroup cho em gái

Ngay sau khi 'Shark' Thủy bị bắt, sáng nay Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup đã phát đi thông cáo cho biết ông Thủy đã ủy quyền điều hành và toàn bộ quyền sở hữu cổ phần, quyền cổ đông tập đoàn và công ty con Egame cho bà Nguyễn Thị Dung. Bà này là em gái ruột của ông Thủy, đang đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị Egame và thành viên ban lãnh đạo Egroup.

"Ông Thủy đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra làm rõ các vấn đề có liên quan", bà Dung nêu trong thông cáo.

Hiện tại, ban lãnh đạo Tập đoàn Egroup tiến hành họp để đưa ra các biện pháp, kế hoạch nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh. Tập đoàn cho biết sẽ ưu tiên hoạt động ổn định tại các đơn vị thành viên để đảm bảo quyền lợi học tập của các học viên, quyền lợi của khách hàng, đối tác và cổ đông.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy sinh năm 1982, vừa bị bắt với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau khi nhiều nhà đầu tư tố giác ông lừa đảo thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Egroup. Bà Dung nói sự việc này là "điều không ai mong muốn".

Với Tập đoàn Egroup là công ty mẹ, hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm. Từ năm 2017, Egroup và công ty con Egame, Ecapital kêu gọi nhà đầu tư cá nhân rót vốn thông qua các "thỏa thuận hợp tác chiến lược" để đổi lấy cổ phần. Nhưng từ đầu năm 2020, Egroup chậm trả lãi cho nhà đầu tư tham gia thỏa thuận trên và cả nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu.

Song song đó, hệ sinh thái của ông Thủy liên tục nợ lương và bảo hiểm nhân viên. Chuỗi trung tâm Anh ngữ nổi tiếng Apax Leaders cũng bị nhiều phụ huynh tại TP HCM, Hà Nội, Đăk Lăk, Đà Nẵng khiếu nại vì chất lượng giảng dạy không như cam kết, "ôm tiền bỏ rơi khách hàng" và yêu cầu hoàn trả học phí.

Nói với VnExpress hồi cuối năm 2022, ông Nguyễn Ngọc Thủy thừa nhận hệ sinh thái này "gặp khó khăn, bất lợi trên nhiều mặt", lớn nhất là dòng tiền do các hệ thống giáo dục bị đóng cửa vì dịch bệnh, tạo áp lực tài chính nặng nề, làm đứt gãy dòng tiền.

Nhưng nhiều nhà đầu tư lại có ý kiến khác, họ nghi vấn Egroup dùng vốn kêu gọi để rót vào các hoạt động đầu tư chứng khoán, tiền số, bất động sản... thay vì hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Sau đó, Egroup lập kế hoạch tái cấu trúc và mở lại một số trung tâm Apax Leaders chủ yếu ở miền Bắc. Ông Thủy xin khất nợ đến 3-5 năm và đưa ra các biện pháp để hoán đổi nợ gồm đổi lấy bất động sản, gói đầu tư vào các trung tâm tiếng Anh, gói học tiếng Anh và đồ gia dụng.

Về phía phụ huynh, trải qua nhiều lần thương lượng, Apax Leaders hứa hoàn trả lại học phí theo lộ trình kéo dài tới cuối năm 2025. Sau đó, công ty thông báo mất khả năng thanh toán và đề xuất trả nợ học phí muộn nhất từ tháng 10 năm nay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm