Quản trị

Sếp làm sao khi nhân viên nhận thường rồi lũ lượt bỏ đi? Chuyên gia hiến kế giúp người cũ ra đi vui vẻ, người ở lại ổn định thân tâm, người mới ùn ùn tiến tới trong năm mới

Gắn kết Nhân sự – "Từ khóa của 2022’

Sếp làm sao khi nhân viên nhận thường rồi lũ lượt bỏ đi? Chuyên gia hiến kế giúp người cũ ra đi vui vẻ, người ở lại ổn định thân tâm, người mới ùn ùn tiến tới trong năm mới - Ảnh 1.

Cuối năm là thời điểm nhân viên dễ dao động trước hai lựa chọn "chia tay" hay ở lại công ty. Đặc biệt là sau một năm 2021 khó khăn, mức thưởng của các công ty không được như các năm trước. Dẫu biết ơn vì có công việc giữa đại dịch, song nhiều người vẫn "chạnh lòng" trước mức thưởng không như mong đợi.

Theo bà Tiêu Yến Trinh, CEO Công ty Cổ phần Kết nối nhân tài Talentnet, dù không gây hại ngay ở hiện tại, song tâm lý này giống "quả bom nổ chậm", có thể làm lung lay tinh thần cống hiến và mức độ gắn kết của người lao động với doanh nghiệp. Bởi, theo khảo sát của Talentnet, 94% người lao động cho rằng chế độ lương - thưởng quyết định hạnh phúc công việc. Nếu HR không có giải pháp kịp thời, công ty có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng "chảy máu nhân sự" hoặc đánh mất hiệu suất lao động của nhân viên ở lại.

"Sự tương tác và gắn kết của nhân viên (Employee Engagement) sẽ là một trong những ‘từ khóa’ không mới nhưng rất quan trọng, mà HR cần đầu tư hơn trong 2022. Sự tương tác - kết nối này mô tả mức độ nhiệt tình và cống hiến của nhân sự đối với công việc. Xa hơn một loại cảm giác, đó là mong muốn được đóng góp và đồng hành cùng doanh nghiệp, song hành cùng trách nhiệm và nỗ lực hành động", bà Trinh nhấn mạnh.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu ADP cho thấy 84% người lao động trên toàn cầu chỉ đang "đến làm việc", thay vì đóng góp tất cả những gì họ có cho doanh nghiệp. Trong khi đó, nếu xây dựng được niềm tin và sự kết nối với đồng đội, nhân viên có thể tăng động lực làm việc đến 14 lần, và hiệu suất làm việc cũng được thúc đẩy đáng kể. Một báo cáo khác của Gallup cũng chỉ ra, nhân viên gắn kết tốt sẽ giúp công ty tăng lợi nhuận thêm 21%. Đặc biệt, giảm 59% nhân sự rời đi ở các doanh nghiệp có tỷ lệ nghỉ việc cao và giảm 24% ở các công ty có tỷ lệ thay thế nhân sự thấp.

Việc này hoàn toàn có thể thực hiện được thông qua những giải pháp gia cố niềm tin cho nhân viên, trước khi các con "sóng ngầm" trở nên dữ dội.

3 giải pháp gia cố niềm tin

Để nâng cao niềm tin, gia tăng tương tác và kết nối của nhân viên trước cơn "sóng ngầm" hậu thưởng Tết, chuyên gia Talentnet gợi ý 3 giải pháp mà nhà quản trị có thể áp dụng.

Sếp làm sao khi nhân viên nhận thường rồi lũ lượt bỏ đi? Chuyên gia hiến kế giúp người cũ ra đi vui vẻ, người ở lại ổn định thân tâm, người mới ùn ùn tiến tới trong năm mới - Ảnh 2.

Chia sẻ thẳng thắn về quyền lợi đi đôi với trách nhiệm: Quyết định rời bỏ công ty hay ở lại làm việc cầm chừng, có thể đến từ cảm giác "hụt hẫng" khi bất ngờ nhận thưởng Tết thấp hơn kỳ vọng hoặc thấp hơn bạn bè. Lường trước vấn đề này, nhiều sếp doanh nghiệp chọn cách chia sẻ rõ ràng về KPI và các mức lương thưởng ngay từ đầu năm. HR cũng cần liên tục cập nhật chính sách mới trong năm để nhân viên dự đoán trước được thưởng cuối năm, tránh cảnh hụt hẫng khi nhận về kết quả không như ý.

Việc chia sẻ thẳng thắn và minh bạch về quyền lợi đi liền với trách nhiệm cũng giúp nhân viên có mục tiêu phấn đấu rõ ràng hơn trong công việc. Sếp nên cùng ngồi lại trao đổi với nhân viên, lắng nghe nguyện vọng, đưa cho họ ý kiến đóng góp vào lộ trình phát triển và tiến thân trong năm mới.

Tạo cảm giác an toàn cho nhân viên bằng phúc lợi khác: Theo Liên đoàn Lao động TP.HCM, mặc dù mức lương cả năm 2021 có giảm, song thưởng Tết Nhâm Dần vẫn đảm bảo ở mức trung bình 8,8 triệu đồng. Bù lại, các doanh nghiệp đưa ra nhiều phúc lợi bổ sung về "vật chất" để hỗ trợ người lao động như: tặng quà, phiếu mua hàng, phong bao lì xì, tiệc tất niên, xe đưa đón về quê ăn Tết…

"Phúc lợi vật chất thể hiện sự cố gắng của công ty sau một năm kinh doanh khó khăn, song phúc lợi tinh thần mới tạo cảm giác quan tâm và an toàn cho người lao động. ‘Phúc lợi tinh thần’ cũng là từ khóa quan trọng của 2021 và vẫn nguyên giá trị đến 2022", bà Trinh lưu ý thêm.

CEO Talennet gợi ý doanh nghiệp có thể tăng số ngày nghỉ ốm, chính sách khám chữa bệnh cho gia đình, xây phòng thể thao và giải trí riêng, mời đầu bếp nấu ăn ngon hơn cho nhân viên, mở các khóa học về thiền, cung cấp cafe miễn phí trong giờ làm, chu cấp gói giải trí Netflix hoặc Spotify tại gia… Đồng thời, mỗi cuối quý hoặc cuối năm, nên tổ chức các cuộc thi để nhân viên thể hiện cá tính riêng, giải thưởng vinh danh người cống hiến, các hoạt động dã ngoại hoặc trải nghiệm mạo hiểm để tăng gắn kết.

Xây dựng giá trị chung giữa doanh nghiệp và người lao động: "Phúc lợi và thưởng là phần nổi của tảng băng. Nhân viên vẫn có thể rời bỏ công ty ngay cả khi nhận được đãi ngộ tốt. Niềm tin của nhân viên còn đến từ việc nhìn thấy những giá trị chung giữa cá nhân và doanh nghiệp", bà Trinh cho hay. Nghiên cứu 2021 của Wespire về thực trạng gắn kết của lao động cũng chỉ ra, có 93% nhân viên dự định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp nếu công ty đó có đóng góp và tác động tích cực đến thế giới.

Nói về giải pháp, CEO Talennet tư vấn việc gia tăng cơ hội giúp lãnh đạo và nhân viên thấu cảm nhau hơn. Chủ doanh nghiệp nên có buổi nói chuyện truyền cảm hứng với toàn bộ nhân viên trong một số dịp đặc biệt. Ví dụ, startup non trẻ có thể nói về tâm huyết gây dựng công ty và thay đổi xã hội, tiết lộ kế hoạch và triển vọng lạc quan trong 2022. Các doanh nghiệp lâu đời hơn có thể nói về hành trình đã qua, những đóng góp cho xã hội khơi dậy niềm tự hào "nơi mình thuộc về" của nhân viên, hoặc mời các nhân sự xuất sắc có thâm niên cao và được mọi người yêu quý chia sẻ về tình cảm gắn bó ở đây… Và quan trọng hơn cả, lãnh đạo cần tạo cơ hội để lắng nghe nhiều hơn các ý kiến đóng góp, cảm nhận của nhân viên".

Mặc dù giữ chân nhân viên là ưu tiên hàng đầu, song nếu đã cố gắng hết sức mà vẫn không hòa hợp được, nhà quản trị có thể mạnh dạn để nhân viên cũ "rời đi trong vui vẻ" và đón chào người mới phù hợp hơn. Động lực kết nối và ở lại cống hiến của nhân viên là điều doanh nghiệp cần, nhưng không ngẫu nhiên mà có. Do đó, nếu giải pháp hiện thời chưa hiệu quả, doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực tạo dựng lòng tin với nhân viên thông qua nhiều cách hơn, đặc biệt là với những doanh nghiệp từng nếm trái đắng khủng hoảng "đại từ chức" năm trước.

Các tin khác

Emart dưới tay chủ mới Thaco: Sắp có thêm 2 đại siêu thị tại Sala và Phan Huy Ích trong năm 2022, sẽ nhanh chóng nhân rộng sang các tỉnh và Hà Nội

Trong khi trước đó, dưới trướng chủ đầu tư Hàn Quốc, dù hoạt động ổn định song bị vướng mắc và chưa thể mở thêm được siêu thị thứ hai như kế hoạch. Đến tháng 5/2021 (giữa tâm dịch Covid-19 bùng phát), Tập đoàn Emart (Hàn Quốc) quyết định bán 100% cổ phần của Công ty Emart Việt Nam cho Ô tô Trường Hải (Thaco). Emart cho biết quyết định bán hoạt động kinh doanh cửa hàng bán lẻ của mình tại Việt Nam sau nhiều lần gặp trở ngại trong việc mở rộng hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á.

Một doanh nghiệp cà phê tố ca sĩ Tăng Nhật Tuệ ‘thiếu văn hóa’, nam ca sĩ nhắn nhủ doanh nghiệp nên ‘chơi đẹp’: Chuyện gì xảy ra?

Một doanh nghiệp cà phê vừa có thư phản ánh về hành vi ứng xử "thiếu văn hóa" của ca sĩ Tăng Nhật Tuệ, cho rằng anh đã đăng tải nội dung sai trái, mang tính bôi nhọ, thậm chí gửi tin nhắn hù dọa nhân viên họ. Tăng Nhật Tuệ cũng đã có động thái đáp trả. Xích mích giữa hai bên liên quan đến khoản tiền 55 triệu đồng mà phía nam ca sĩ cho rằng doanh nghiệp kia chưa thanh toán…

Bất thường dự án 'biến' sân golf thành khu đô thị ở Bình Thuận

Bộ Công an vừa khởi tố, bắt giam 5 nguyên cán bộ, lãnh đạo và cán bộ đương nhiệm tỉnh Bình Thuận vì có sai phạm liên quan Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2. Ngoài dự án này, Bộ Công an còn đang thụ lý điều tra 8 dự án có dấu hiệu vi phạm tại các dự án bất động sản sở hữu vị trí đắc địa nằm trên địa bàn TP. Phan Thiết, trong đó có dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Đẩy mạnh đầu tư công đầu năm Nhâm Dần

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, triển khai các dự án đầu tư đúng tiến độ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tập trung các giải pháp, nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 ngay từ những tháng đầu năm.

Rầm rộ tách thửa, phân lô để bán nền kiếm lời

Tại các huyện ven trung tâm Hà Nội, nhiều mảnh đất được tách thửa thành các lô có diện tích nhỏ để bán, điều này tiềm ẩn rủi ro về việc phá vỡ quy hoạch, hệ lụy quản lý đất đai và cũng là nguồn cơn dẫn tới đẩy giá, tạo sốt đất ảo.