Chứng khoán

Sẵn sàng nguồn lực triển khai prefunding, SSI thực hiện kế hoạch tăng vốn khủng

 

Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, Giám đốc Khối cao cấp phụ trách Khối Đầu tư và Khối Nguồn vốn và Kinh doanh Tài chính của Chứng khoán SSI. Nguồn: SSI.

 

PV: Xin bà cho biết cơ sở đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 của SSI. Đâu là mảng kinh doanh đóng góp chính cho kế hoạch trên?

Năm 2024, SSI dự kiến trình đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) sắp tới kế hoạch kinh doanh với doanh thu 8.112 tỷ và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ, tăng trưởng lần lượt 11% và 19%. Đóng góp chính cho mức tăng trưởng này là hai mảng kinh doanh truyền thống: (1) dịch vụ chứng khoán và cho vay giao dịch ký quỹ và (2) tự doanh và kinh doanh nguồn vốn.

Với mảng dịch vụ chứng khoán & cho vay ký quỹ, công ty giả định thị trường năm 2024 sẽ tiếp đà phục hồi trong nửa cuối năm 2023, chúng tôi dự báo mức điểm số trung bình của VNIndex là 1,300 điểm, tăng 18% so với năm 2023. Thanh khoản thị trường cũng sẽ có sự cải thiện đáng kể, dự báo đạt 20.000 tỷ đồng/phiên, cao hơn 18% so với mức trung bình năm 2023.

Dựa trên dự báo này, SSI đã và đang triển khai nhiều chương trình, sản phẩm, dịch vụ và tiện ích thu hút, hỗ trợ khách hàng ở mức hiệu quả cao hơn nhiều so với năm 2023. SSI đặt mục tiêu thị phần giao dịch ở HOSE sẽ tiếp tục tăng trưởng. Chúng tôi đánh giá, giải pháp cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần ký quỹ trước giao dịch sẽ thúc đẩy tần suất giao dịch của nhóm này. Hiện SSI có thị phần giao dịch của nhóm khách hàng tổ chức nước ngoài xếp thứ ba trên thị trường.

Ở mảng đầu tư & kinh doanh nguồn vốn, với xu hướng thị trường tích cực, SSI tiếp tục mở rộng quy mô danh mục tự doanh. Công ty kiên định với triết lý đầu tư tập trung vào các công ty đầu ngành, có triển vọng phát triển cùng với bộ máy lãnh có năng lực quản trị trong điều hành doanh nghiệp.

Ngoài ra, SSI cũng tiếp tục mở rộng danh mục chứng quyền phát hành trên thị trường nhằm đa dạng hóa danh mục sản phẩm cho khách hàng. Bên cạnh đó, mảng kinh doanh nguồn vốn không chỉ đem lại nguồn doanh thu ổn định mà còn là bộ đệm thanh khoản vững chắc, hỗ trợ các mảng kinh doanh khác của công ty. 

PV: Thị trường đang có thanh khoản khá tốt với quy mô giao dịch thường trên 30.000 tỷ đồng gần đây, cộng với việc nhiều chương trình lãi suất thấp được tung ra. Bà có thể chia sẻ về triển vọng phát triển mảng cho vay giao dịch ký quỹ của SSI?

Lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp không chỉ thu hút dòng tiền đến với kênh chứng khoán mà còn giúp giảm chi phí vốn của mảng cho vay giao dịch ký quỹ. SSI dự kiến dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ bình quân 2024 đạt 17.100 tỷ đồng và có thể lên đến 19.000 tỷ đồng khi thị trường sôi động, tăng 26% so với mức cuối năm 2023.

Ngay từ đầu năm, công ty đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi với lãi suất hấp dẫn nhằm kích thích nhu cầu sử dụng của khách hàng. Sự hứng khởi của thị trường giúp nhà đầu tư tự tin hơn khi sử dụng vốn vay khi giao dịch. Đến cuối quý I/2024, mức tăng trưởng dư nợ margin đạt khoảng 12%, phù hợp với kế hoạch tăng trưởng, tuy không quá nhanh nhưng đảm bảo chắc chắn và an toàn (cười).

Để chuẩn bị cho nhu cầu vốn của nhà đầu tư, cuối năm 2023, SSI đã trình và được thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Điều này không chỉ giúp SSI bổ sung nguồn vốn cho vay mà còn giúp công ty đáp ứng tốt hơn các tiêu chí quản trị rủi ro về an toàn vốn của Ủy ban chứng khoán.

PV: Dự thảo sửa đổi một số Thông tư mới được UBCKNN công bố cho phép CTCK tự đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng và có thể không yêu cầu tổ chức nước ngoài ký quỹ trước giao dịch. Quy mô vốn SSI lớn và có mảng khách hàng tổ chức mạnh, thường xuyên làm việc với các định chế tài chính nước ngoài nên được thị trường kỳ vọng sẽ đáp ứng được những yêu cầu trên. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu về quản trị rủi ro cho công ty. Xin bà chia sẻ về sự chuẩn bị khi quy định này được thông qua và triển khai?

Giải pháp cho phép các CTCK chủ động đánh giá mức độ tín nhiệm và cho phép khách hàng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (NĐTTCNN) không cần ký quỹ trước giao dịch là một trong các giải pháp để đủ điều kiện nâng hạng thị trường, đồng thời cũng mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các CTCK có thị phần giao dịch khách hàng tổ chức lớn, SSI là một trong số đó.

Đây là điều kiện tiên quyết để tổ chức nước ngoài đánh giá tốt hơn về thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp thị trường được FTSE nâng hạng và đón nhận dòng tiền ngoại mạnh mẽ hơn nữa. Mấu chốt của giải pháp này là CTCK sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán giao dịch thay cho nhà đầu tư khi nhà đầu tư không có đủ tiền thanh toán cho lệnh đã khớp.

Bên cạnh việc xây dựng quy trình vận hành và thẩm định, đánh giá rủi ro thanh toán của khách, SSI còn cần chuẩn bị một bộ đệm vốn vững chắc để xử lý trong trường hợp khách hàng không có khả năng thanh toán tiền mua cổ phiếu.

Với chiến lược truyền thống là quản trị rủi ro chặt chẽ bảo đảm an toàn cho công ty, cổ đông và khách hàng, SSI đã sớm nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng về những kịch bản rủi ro khác nhau để xây dựng 1 quy trình vận hành chặt chẽ, thẩm định rủi ro thận trọng đồng thời vẫn đủ độ linh hoạt và thuận lợi cho NĐTTCNN.  

PV: Như bà chia sẻ, nhu cầu vốn của SSI sắp tới rất lớn, xin bà cho biết kế hoạch của SSI?

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, cổ đông SSI đã thông qua kế hoạch tăng vốn bằng hình thức phát hành riêng lẻ và phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP. Cuối năm 2023, SSI đã xin ý kiến cổ đông về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần (cổ phiếu thưởng) từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và đã được cổ đông thông qua.

Dự kiến trong tháng 4 này, chúng tôi sẽ hoàn thành việc phát hành cổ phiếu cho CBNV theo chương trình ESOP và nộp hồ sơ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần (cổ phiếu thưởng) từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trước ngày họp ĐHĐCĐ 2024 ngày 25/4 tới.

Đối với kế hoạch phát hành riêng lẻ, SSI đang trong quá trình đàm phán với một số tổ chức quốc tế và dự kiến cần thêm thời gian, chúng tôi sẽ xin ý kiến cổ đông về việc tiếp tục triển khai kế hoạch này tại ĐHĐCĐ tới.  

PV: Bên cạnh chiến lược tăng vốn thông qua phát hành, Chứng khoán SSI sẽ phát triển những nguồn vốn nào khác để đáp ứng, thưa bà?

Bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu, SSI còn có thể huy động nguồn vốn nợ từ các ngân hàng thương mại trong nước và các định chế tài chính quốc tế. Với vị thế là công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam, SSI được các ngân hàng cấp hạn mức tín chấp lên tới chục nghìn tỷ đồng.

Trên thị trường vốn nợ quốc tế, SSI cũng từng huy động từ các khoản vay hợp vốn với các định chế tài chính với quy mô lên tới 400 triệu USD và 100 triệu USD/ giao dịch. Do bối cảnh lãi suất USD đang neo ở mức cao, công ty chủ trương tiếp cận nguồn vốn trong nước có mức chi phí vốn thấp hơn, khi lãi suất USD giảm xuống, SSI sẽ tiếp tục tận dụng kênh huy động vốn này.  

Xin cảm ơn bà trả lời phỏng vấn!

Cùng chuyên mục

Đọc thêm