Sabeco là một trong những công ty sản xuất lớn nhất Việt Nam, làm sao có thể chuyển đổi công ty vốn Nhà nước thành công ty có vốn nước ngoài, đạt được hiệu quả kinh doanh trong thời gian ngắn?, câu hỏi được nêu ra tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022.
Trả lời câu hỏi trên, ông Bennett Neo, Tổng giám đốc Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, đơn giản là làm việc chăm chỉ. "Với Sabeco, lúc mua chúng tôi không DD (Due Diligence - thẩm định chuyên sâu) quá kỹ, vậy làm sao để tìm ra giá trị, đó là câu hỏi khó. Tôi phải tự làm DD từng phần và liệt kê các công việc trong ngắn hạn để tạo ra tác động ngay, rồi tìm ra các công việc cho trung hạn và dài hạn, rồi khớp lại thành kế hoạch công việc theo các giai đoạn. Nhiều công việc phải làm, phải rà soát để tìm ra điểm cần cải thiện để tăng thêm giá trị, dĩ nhiên không có công thức để làm chuẩn 100%", CEO Sabeco nói.
Ông Bennett Neo cho biết, dù kinh qua nhiều vị trí ở các doanh nghiệp ở các quốc gia khác, nhưng ông cho rằng, quản lý Sabeco khó nhất, do quy định pháp luật khác nhau. Các quy trình ở các công ty nhà nước phải tuân thủ nhiều quy định, như mua sắm phải đấu thầu... Tốc độ làm việc cũng khác nhau. Hệ thống lương thưởng trong công ty nhà nước cũng khác công ty đa quốc gia, làm sao đảm bảo 30.000 nhân viên Sabeco đi cùng một nhịp.
Lãnh đạo công ty này đánh giá, thách thức nhất là con người, tìm đúng người và thay đổi tư duy, tiếp cận tư duy mới. Có quy trình, công nghệ tốt nhất nhưng không có người thì chịu, không thể làm được, nhưng ngược lại, có con người, thì có thể chưa có công nghệ tốt nhất thì vẫn làm được.
Hiện Sabeco vẫn đang trong giai đoạn đầu tiên để chuyển đổi, có 7 trụ cột chuyển đổi từ thị trường, chuỗi cung ứng, quản lý chi phí, sản xuất, con người…, bên dưới số hoá - đó là chặng đường 3-4 năm qua.
Ông Bennett Neo cho biết, khi mới tham gia, chỉ vài tháng sau công ty đã điều chỉnh ngay hệ thống theo dõi giám sát xe tải của Sabeco, hệ thống quản lý kho, chuỗi cung ứng, xây dựng tháp điều hành cho chuỗi cung ứng. Đó mới chỉ là 1 trụ cột.
Vị này cũng chỉ ra sự khác biệt của Việt Nam với thế giới. Đó là, HĐQT ở doanh nghiệp Việt Nam thường có tham gia điều hành, ở các quốc gia khác, HĐQT quan tâm chiến lược và kế hoạch dài hạn, ban giám đốc mới là người vận hành công việc hàng ngày.
"Sabeco đang chuyển sang giai đoạn 2 của chuyển đổi số, có thêm phần nền tảng là quản trị doanh nghiệp tốt, thực hiện các sáng kiến mang tính dài hạn. Giai đoạn 1 là đánh nhanh thắng nhanh, giai đoạn 2 là làm các vấn đề về nền tảng tốt, quản trị doanh nghiệp tốt. Đặc biệt, mở khoá tiềm năng, trong Sabeco vẫn có tiềm năng tốt mà chưa mở khoá được, vì thế cần xem các tài sản công ty nào tốt có thể mở khoá. Mất khoảng 3-4 năm cho giai đoạn này", CEO Sabeco chia sẻ.
Ông cho biết, giai đoạn cuối cần 3 năm, tổng quá trình chuyển đổi cần 10-12 năm, thì sau đó, Sabeco sẽ thành công ty quốc tế được vận hành đúng chuẩn mực quốc tế. Lãnh đạo Sabeco cho rằng, không nên vội vã, bởi vốn là công ty Nhà nước để chuyển đổi thành công ty quốc tế thì cần thời gian.
"Quá trình chuyển đổi chưa bao giờ là đơn giản. Kết quả đạt được khoảng 70-80% kỳ vọng của tôi, vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước, chốt xong 1 thương vụ thì mới chỉ đang "mở đầu một đau khổ", nhưng nếu có ước mơ, có tham vọng và thực hiện được giấc mơ đó cũng rất thú vị", ông Bennett Neo cho biết.
Chia sẻ về khó khăn gì khi làm việc với con người và văn hóa Việt Nam, ông Bennett Neo cho biết, ông không thay đổi được văn hóa của Việt Nam nhưng ông có thể thay đổi văn hóa công ty.
"Nếu bạn chân thành với những gì bạn làm, tôn trọng văn hóa và thể hiện sự chân thành, bạn cũng sẽ nhận được những điều đó. Tôn trọng không chỉ liên quan đến đối tác, nhân viên, mà cả là người lái xe, nhân viên tạp vụ thì họ sẽ cống hiến. Khi làm như thế thì khi bạn làm văn hóa nào bạn cũng sẽ thành công", ông nói.
Đề cập tới việc vượt qua giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh thời gian qua, ông Bennett Neo nhận định, COVID-19 tác động đến tất cả các ngành, nhưng điều đầu tiên ông nghĩ đến là an toàn của nhân viên. Không chỉ nhân viên, mà đối tác và khách hàng cũng cần an toàn.
"Bên cạnh duy trì kinh doanh liên tục, chúng tôi còn phải cân nhắc lợi ích của cổ đông. Chúng tôi đảm bảo vẫn phải kinh doanh theo luật pháp, nhìn vào 3 quý gần đây kết quả kinh doanh của Sabeco rất tốt. Cả bản thân tôi cũng rất khó khăn. Rất khó khăn để vận động bản thân mình và vận động cả công ty", CEO Sabeco chia sẻ về giai đoạn vừa qua.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SAB của Sabeco đang giao dịch quanh mốc 180.000 đồng/cổ phiếu, như vậy, so với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng số tiền bỏ ra là gần 5 tỷ USD chi để thâu tóm 53,59% cổ phần Sabeco, khoản đầu tư của Thaibev vào cuối năm 2017 đến nay đã "bốc hơi" gần nửa giá trị.
Về hoạt động kinh doanh của Sabeco, trong quý 3/2022, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.679 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ, lãi ròng đạt hơn 1.300 tỷ, tăng gần 200% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 24.950 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ và 4.424 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ. Như vậy công ty đã tiệm cận kết quả kinh doanh đạt được trước COVID, thấp hơn khoảng 10%.