Sa trực tràng là một phần hoặc toàn bộ trực tràng (đoạn cuối của ruột già) bị trượt ra ngoài qua hậu môn. Theo BS.CKI Nguyễn Thanh Sơn Vũ, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bệnh phổ biến ở trẻ dưới ba tuổi, do cấu trúc giải phẫu cơ vùng đáy chậu và dây chằng chưa phát triển đầy đủ khiến trực tràng bị đẩy ra ngoài.
Nhiều nguyên nhân khác liên quan đến tiêu hóa như trẻ bị táo bón kéo dài, rặn nhiều khi đi tiêu có thể làm tăng áp lực lên trực tràng, dẫn đến tình trạng này. Tiêu chảy mạn tính, đi ngoài nhiều lần khiến trương lực cơ hậu môn giảm, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, D làm giảm sức cơ vùng hậu môn cũng là nguyên nhân. Trẻ mắc một số bệnh lý như xơ nang, hội chứng Ehlers-Danlos, giun kim góp phần gây sa trực tràng. Một số trường hợp trẻ ho, khóc quá nhiều cũng làm tăng áp lực ổ bụng, có thể đẩy trực tràng ra ngoài.
Trẻ sa trực tràng mức độ nhẹ có thể được điều trị tại nhà. Bác sĩ Vũ hướng dẫn phụ huynh đặt trẻ nằm nghiêng hoặc nằm sấp, dùng tay sạch bôi dầu bôi trơn để nhẹ nhàng đẩy trực tràng vào trong, giữ mông trẻ khép lại trong vài phút để tránh tái phát. Phụ huynh nên điều chỉnh chế độ ăn uống cho trẻ, bổ sung nhiều chất xơ (rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt). Trẻ uống đủ nước để làm mềm phân, hạn chế táo bón. Trẻ nên tập thói quen đi vệ sinh đúng cách, không rặn quá mức hay ngồi bô quá lâu, nên ngồi bệ thấp để tránh tăng áp lực lên hậu môn.

Bác sĩ Vũ (ngoài cùng bên phải) phẫu thuật cho một bệnh nhi bị sa trực tràng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nếu tình trạng tái phát nhiều lần hoặc mức độ nặng, trẻ có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tùy trường hợp bé được thực hiện các can thiệp y khoa như tiêm dung dịch vào quanh trực tràng giúp tạo mô sẹo, giữ trực tràng ở vị trí đúng, phẫu thuật.
Sa trực tràng ở trẻ thường có thể cải thiện nếu được xử lý đúng cách. Trường hợp không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng và ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Nếu bệnh kéo dài, tái phát nhiều lần, đau, chảy máu, có dấu hiệu nhiễm trùng hậu môn, tự điều trị tại nhà không hiệu quả, bác sĩ Vũ khuyến cáo phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị.
Phụ huynh phòng bệnh cho trẻ bằng cách ngăn ngừa táo bón, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ nước, hướng dẫn con vệ sinh đúng giờ, đúng cách, giữ vệ sinh, tẩy giun định kỳ. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh lý hô hấp. Phụ huynh chủ động phòng bệnh và điều trị, tránh trẻ ho kéo dài để giảm áp lực ổ bụng.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |