Bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh, Trung tâm Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết anh Lâm bị nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (NSTEMI). Đây là tình trạng tắc nghẽn một phần động mạch vành hoặc một nhánh của động mạch vành chính khiến lưu lượng máu đến tim suy giảm, làm tổn thương tim và gây gián đoạn khả năng bơm máu đi khắp cơ thể. So với nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (STEMI), tổn thương tim do nhồi máu cơ tim không ST chênh lên cũng nghiêm trọng nhưng ít biểu hiện triệu chứng.
Bệnh nhân được chụp mạch vành để tìm nguyên nhân, kết quả xác định động mạch liên thất trước hẹp 99%. "Đây là một trường hợp nhồi máu cơ tim điển hình ở người trẻ", bác sĩ Vinh nói, thêm rằng trước kia bệnh lý này thường xảy ra ở người trên 45 tuổi nhưng hiện ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân do lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá, thừa cân béo phì, ít tập thể dục, căng thẳng kéo dài, tăng huyết áp, cholesterol cao, đái tháo đường. Bố và anh trai Lâm từng nhồi máu cơ tim, anh lại béo phì (BMI 35,4) và có lối sống ít vận động. Đây là những yếu tố nguy cơ đẩy nhanh tiến trình xơ vữa mạch máu gây hẹp lòng mạch, tiến triển thành nhồi máu cơ tim cấp.

Bác sĩ đặt stent nong nhánh mạch vành hẹp nặng cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Anh Lâm được can thiệp nong mạch đặt stent để tái thông dòng máu nuôi tim. BS.CKII Nguyễn Văn Dương, Trung tâm Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cùng êkíp đặt stent kích thước 3.0x28 mm vào động mạch liên thất trước cho người bệnh. Anh Lâm tỉnh táo, sinh hoạt bình thường ngay sau can thiệp, xuất viện 5 ngày sau đó.
Theo bác sĩ Dương, nhồi máu cơ tim ở người trẻ đa phần tuổi 35-45. Có những trường hợp nhồi máu cơ tim khi rất trẻ, dưới 35 tuổi, thậm chí chưa đầy 30 tuổi. Triệu chứng nhồi máu cơ tim ở người trẻ thường không rõ ràng. Dấu hiệu gồm cơn đau thắt ngực, cảm giác đau tức, đè nặng và xoắn vặn trong lồng ngực. Cơn đau có thể lan ra sau lưng, lên cổ hoặc cánh tay. Cảm giác đau thắt ngực kèm khó thở, mệt mỏi, vã mồ hôi, đôi khi ngất xỉu. Một số trường hợp có biểu hiện mơ hồ, khó chịu vùng thượng vị (trên rốn), buồn nôn, đôi khi tụt huyết áp, không cấp cứu kịp thời dễ rối loạn nhịp tim, suy tim, viêm màng ngoài tim cấp, đột tử.
Phòng tránh nhồi máu cơ tim cấp bằng cách khám tim mạch và tầm soát bệnh định kỳ. Sống lành mạnh (không hút thuốc lá, siêng năng vận động, ăn thực phẩm tốt cho tim, kiểm soát bệnh lý nền, tránh stress...) cũng giảm nguy cơ. Sơ cấp cứu đúng cách, nhanh chóng đưa đến bệnh viện giúp người bệnh có thêm nhiều cơ hội sống, ngăn biến chứng.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |