Sức khỏe

"Nhiều người trẻ đối mặt với nguy cơ suy thận mà không hề hay biết"

Tóm tắt:
  • Bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo nhấn mạnh vai trò quan trọng của thận như bộ lọc vàng của cơ thể.
  • Suy thận thường âm thầm, dễ bị bỏ qua, đặc biệt ở người trẻ do lối sống không lành mạnh.
  • Việc phát hiện sớm và bảo vệ thận từng bước nhỏ giúp tránh biến chứng nặng nề.
  • Truyền thông y tế giúp lan tỏa niềm tin, cung cấp thông tin chính xác giúp người bệnh vượt qua hoang mang.
  • Người bác sĩ không chỉ điều trị mà còn là người đồng hành, tạo cộng đồng tích cực hỗ trợ người bệnh.

Chương trình có sự tham gia của tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) cùng sự được dẫn dắt bởi thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương, Trưởng Trung tâm Truyền thông. 

Cách chăm sóc thận - Ảnh 1.

Tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo (trái) và thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương cùng trò chuyện về việc bác sĩ trở thành người bạn đồng hành của người bệnh

Ảnh: BVCC

Thận - bộ lọc vàng của cơ thể

Trong chương trình, tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo nhấn mạnh, thận là "bộ lọc vàng" giúp cơ thể loại bỏ độc tố. Tuy nhiên, dấu hiệu suy thận thường âm thầm, dễ bị bỏ qua. Nhiều người trẻ tuổi hiện nay đang phải chạy thận hoặc đối mặt với nguy cơ suy thận mà không hề hay biết, do thói quen sinh hoạt không lành mạnh, lạm dụng thuốc hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc.

"Nếu hình dung thận như một bộ phận lọc rác thải của cơ thể, thì khi bộ phận này hỏng, rác tích tụ, cơ thể sẽ dần bị đầu độc từ bên trong. Phát hiện sớm và bảo vệ thận từ những điều nhỏ nhặt là điều quan trọng mà ai cũng cần nhận thức rõ", bác sĩ Thảo chia sẻ.

Bác sĩ Phương Thảo cũng kể lại những câu chuyện xúc động, một sản phụ mang thai đến tháng thứ 6 mới phát hiện bị suy thận nặng nhưng vẫn mẹ tròn con vuông nhờ sự phối hợp liên chuyên khoa tại BV ĐHYD; một người bệnh trẻ từng nghĩ bệnh thận là dấu chấm hết cho tương lai, nay đã khởi nghiệp thành công và truyền cảm hứng cho cộng đồng. Những lá thư cảm ơn, những ánh mắt hạnh phúc của người bệnh khi hồi phục chính là món quà lớn nhất đối với người làm nghề y.

"Kể ra thì không hết. Tôi nghĩ đây chính là những điều 'được' trong nghề y vốn nhiều khó khăn, vất vả. Sự hồi phục, hạnh phúc của người bệnh là niềm vui vô giá của chúng tôi. Và đó cũng là niềm tin, hy vọng, sự tích cực nên được lan tỏa tới cộng đồng những người bệnh khác. Chắc chắn hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn", bác sĩ Thảo nói.

Cách chăm sóc thận - Ảnh 2.

Tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo nhấn mạnh, thận là “bộ lọc vàng” giúp cơ thể loại bỏ độc tố

Ảnh: BVCC

Bác sĩ là người thân trong hành trình chữa lành của người bệnh

Từ góc độ truyền thông, thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương chia sẻ rằng truyền thông y tế trong thời đại số không chỉ là đưa thông tin đến công chúng mà còn là "cầu nối niềm tin" giữa bác sĩ và người bệnh. Khi người bệnh đứng giữa biển thông tin hỗn loạn - nơi thật giả lẫn lộn, điều họ cần không phải là những lời khuyên mơ hồ, mà là tiếng nói có chuyên môn.

"Bằng những lời khuyên đúng lúc, bằng cách lan tỏa tri thức tích cực qua các nền tảng truyền thông. Bác sĩ, không chỉ là người đưa ra những phác đồ điều trị đúng, đưa người bệnh về với cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc cùng người thân mà còn có thể là người kết nối, chia sẻ những câu chuyện sống động nhân văn, tạo cộng đồng, lan tỏa sự lạc quan, niềm tin cho những người bệnh khác...", thạc sĩ Nam Phương nhận định.

Các tin khác

Ngừng tim phổi vì hóc thịt bò

Đang ăn cỗ, cụ ông 80 tuổi ho sặc sụa rồi bất tỉnh, đến viện phát hiện dị vật lớn bít tắc đường thở dẫn đến ngừng tim phổi.