Người dân tấp nập đi làm thủ tục đất đai, xây dựng
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 151/2025, Chủ tịch UBND xã, phường có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và cộng đồng dân cư từ ngày 1/7.
Ngoài ra, UBND xã cũng được chuyển giao các thẩm quyền khác như quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phê duyệt phương án cưỡng chế quyết định thu hồi đất và kinh phí cho hoạt động cưỡng chế; quyết định giá đất cụ thể; quyết định giá bán nhà ở tái định cư trong địa bàn.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân trí, trong ngày đầu vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp, rất nhiều người dân đã tới điểm phục vụ hành chính công tại các phường, xã tại Hà Nội, TPHCM để thực hiện thủ tục đất đai, xây dựng.
Tại điểm phục vụ hành chính công phường Yên Nghĩa (TP Hà Nội), ghi nhận của phóng viên lúc 15h hôm nay cho thấy một số người dân đang chờ để thực hiện thủ tục hành chính đất đai, cấp phép xây dựng.

Nhiều người dân chờ làm thủ tục tại điểm phục vụ hành chính công phường Yên Nghĩa, TP Hà Nội (Ảnh: Tuấn Minh).
Anh N. (sinh sống tại phường Hà Đông, TP Hà Nội) - nói, hôm nay, anh tới điểm phục vụ hành chính công phường Yên Nghĩa để nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng cho một mảnh đất. Theo lời anh, dù hôm nay có khá đông người cũng đến để làm hồ sơ liên quan đất đai hay xây dựng nhưng cũng được giải quyết khá nhanh.
“Trước khi sáp nhập, tôi định sẽ nộp hồ sơ cho quận xin cấp phép. Tuy nhiên, khi biết thông tin sau sáp nhập cấp phường sẽ có thẩm quyền phê duyệt cấp phép xây dựng nên tôi hoãn, đợi tới ngày 1/7 mới nộp. Tôi cho rằng, cấp phường sẽ được giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, đỡ gây quá tải”, anh chia sẻ.
Tại TPHCM, cũng vào khoảng 15h ngày 1/7, Văn phòng đăng ký đất đai (chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức cũ) khá đông người dân đến làm các thủ tục.

Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức (cũ) đông đúc người dân đến làm thủ tục nhà đất (Ảnh: Khổng Chiêm).
Theo một cán bộ hướng dẫn tại đây, dù là ngày đầu tiên áp dụng quy định mới nhưng không có trường hợp người dân đến nộp hồ sơ cấp sổ đỏ lần đầu. Với các thủ tục đăng ký đất đai khác trong thẩm quyền, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố vẫn tiếp nhận và xử lý hồ sơ đúng quy trình, thủ tục.
Có mặt tại văn phòng này, ông Ngô Văn Dinh (51 tuổi) cho biết nhiều năm trước ông làm thủ tục chuyển đổi từ đất nông nghiệp lên đất thổ cư nhưng chưa nộp thuế. Hôm nay, ông đã đóng thuế xong và làm thủ tục xóa nợ, cập nhật thông tin mới vào sổ đỏ.
Ông Dinh nói thủ tục đơn giản, các cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai hẹn 5 ngày làm việc sẽ trả kết quả. Ông rất phấn khởi vì đã hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước, thủ tục hành chính ngày càng đơn giản.
Các hồ sơ thủ tục đất đai, xây dựng cũ được chuyển giao để tiếp tục xử lý
Cũng trong chiều nay, Trung tâm phục vụ hành chính công phường An Khánh, TPHCM không quá đông đúc.
Trả lời phóng viên báo Dân trí, ông Nguyễn Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch phường An Khánh kiêm Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường An Khánh - nói theo văn bản hướng dẫn của thành phố và các sở, ngành, hiện nay việc cấp sổ đỏ lần đầu sẽ do phường, xã thực hiện.
Ngoài việc phường An Khánh phải tiếp nhận hồ sơ mới của người dân thì phường cũng tiếp nhận thêm hồ sơ từ TP Thủ Đức (cũ) chuyển về. Các trường hợp cấp đổi hay điều chỉnh, bổ sung thông tin trên sổ đỏ vẫn do chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức (cũ) giải quyết.
Theo ông Quỳnh, phường nhận 2 bộ hồ sơ cấp sổ đỏ mới lần đầu do TP Thủ Đức chuyển về. Trong sáng ngày 1/7, phường không nhận được yêu cầu cấp mới của người dân vì hầu như các thửa đất trên địa bàn đã được hoàn thiện sổ, cấp mới rất ít. Người dân chủ yếu thực hiện các vấn đề như thay đổi diện tích, hoàn công, cập nhật tài sản trên đất... Những hồ sơ như vậy lại được nộp trên Văn phòng đăng ký đất đai.

Người dân lấy số thứ tự để làm thủ tục đăng ký đất đai (Ảnh: Khổng Chiêm).
Nói về chức năng, nhiệm vụ của phường trong việc cấp sổ đỏ lần đầu, ông Quỳnh cho biết các công việc không phải mới. Trước đây, khi còn vận hành chính quyền TP Thủ Đức thì phường là cơ quan xác nhận pháp lý, niêm yết công khai hồ sơ và xác nhận về nguồn gốc nhà đất, tranh chấp đất đai... TP Thủ Đức là cơ quan dựa trên xác nhận của phường để giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ lần đầu.
Do đó, Phó chủ tịch phường An Khánh nhận định việc phường giải quyết cấp sổ đỏ lần đầu là thuận lợi, phù hợp, giúp rút ngắn thời gian, không phải chuyển hồ sơ giữa phường lên cấp trên. Các cán bộ phường cũng đã quen việc nên không bỡ ngỡ, lo lắng.
Nói về ngày đầu hoạt động theo mô hình mới, ông Quỳnh hồ hởi nêu Trung tâm phục vụ hành chính công phường An Khánh sẽ tiếp nhận và xử lý 370 thủ tục thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, sẽ được niêm yết công khai đầy đủ tại trung tâm để người dân và doanh nghiệp theo dõi.
Sắp tới, thời gian cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ gói gọn trong 10-15 phút. Người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến nhưng hướng đến tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, tăng cường tiếp nhận hồ sơ trả kết quả qua dịch vụ bưu chính nhằm giảm chi phí, thời gian đi lại của người dân, doanh nghiệp.

Cán bộ phường Từ Liêm, TP Hà Nội tại điểm phục vụ hành chính công phường hướng dẫn người dân làm thủ tục (Ảnh: Tuấn Minh).
Ông Đặng Thanh Tuấn - Phó Chánh văn phòng HĐND, UBND phường Từ Liêm (TP Hà Nội) - nói, ngày hôm nay, điểm phục vụ hành chính công của phường đã tiếp nhận khoảng 200 hồ sơ thủ tục hành chính. Trong đó, một số hồ sơ liên quan tới lĩnh vực đất đai và xây dựng.
Theo ông, hồ sơ thủ tục liên quan đất đai và xây dựng thường phức tạp hơn nên mất khoảng 20-25 phút để tiếp nhận một mẫu. Vì vậy, trong ngày hôm nay, các cửa nộp hồ sơ đều liên tục kín. Tuy nhiên, cán bộ tiếp nhận hồ sơ vẫn đều giải quyết, hướng dẫn đầy đủ cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.
“Tối 30/6, chúng tôi đã thiết lập từng quy trình, thủ tục cụ thể trên phần mềm. Tuy nhiên, bước đầu vẫn có phát sinh lỗi từ phần mềm. Những cán bộ đã có nhiều năm kinh nghiệm được sắp xếp để trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Các cán bộ tiếp nhận đã liên tục trao đổi với trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội để góp ý và đưa ra hướng giải quyết”, ông chia sẻ.
Ông Tuấn khẳng định, dù bước đầu có khó khăn liên quan tới phần mềm nhưng phường vẫn cố gắng giải quyết các thủ tục, trong đó có đất đai, xây dựng cho người dân theo đúng thời gian quy định của pháp luật. Những hồ sơ thủ tục hành chính còn tồn đọng từ trước khi sáp nhập đã có sự chuyển giao nội bộ để tiếp tục giải quyết cho người dân.
Theo ông, thời gian tới khi công tác sắp xếp đã đi vào ổn định, việc xử lý thủ tục hành chính cho người dân sẽ nhanh chóng, thuận lợi hơn.