Bất động sản

Luật Đất đai 2024: Gỡ một nút thắt nhưng còn bỏ lại phía sau

Luật Đất đai 2024 cùng Nghị định 103 ra đời trong kỳ vọng mở lối cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến miễn, giảm tiền thuê đất. Nhưng chính sách tưởng như “cởi trói” ấy lại để lọt một nhóm đối tượng đang mắc kẹt. Đó là những doanh nghiệp từng đủ điều kiện miễn, giảm trước đây nhưng không kịp hoàn tất thủ tục vì nhiều lý do khách quan.

Trong khi các quy định mới cho phép tự động miễn, giảm tiền thuê đất với trường hợp đang trong thời gian ưu đãi, một tín hiệu tích cực thì sự thay đổi lại chỉ áp dụng từ năm 2024 trở đi. Không có cơ chế hồi tố, hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận hành chính còn hạn chế, tiếp tục bị “bỏ lại phía sau” trong nợ nần và bế tắc pháp lý.

Cụ thể, điểm c, khoản 5, Điều 51 của Nghị định lại giới hạn phạm vi áp dụng chính sách, chỉ tính từ thời điểm 2024 trở về sau, không áp dụng hồi tố cho các giai đoạn trước đó – kể cả với những trường hợp đã có đủ điều kiện nhưng chưa kịp làm thủ tục vì lý do khách quan.

Điều này khiến hàng loạt doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, tiếp tục bị “treo” trong nợ nần do bị truy thu tiền thuê đất cho giai đoạn 2006 – 2016.

Tại Đắk Lắk, thống kê cho thấy chỉ riêng 17 doanh nghiệp thuộc diện này đã bị truy thu hơn 54 tỷ đồng tiền thuê đất – con số không nhỏ trong bối cảnh hậu đại dịch, khi phần lớn doanh nghiệp vẫn đang gồng mình phục hồi giữa muôn vàn áp lực: thiếu vốn, thiếu lao động, chi phí đầu vào tăng cao.

Điều đáng nói là nhiều trong số đó không phải những đơn vị thụ động hay vi phạm, mà là những doanh nghiệp đã và đang gắn bó với đất rừng, tạo sinh kế cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Họ cũng là lực lượng góp phần giữ rừng tại chỗ - một vai trò vừa kinh tế, vừa môi sinh.

Thế nhưng, vì không được áp dụng hồi tố chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, những doanh nghiệp này rơi vào thế bị trói tay: không thể vay vốn, không đủ điều kiện lập phương án sử dụng đất, không còn nguồn lực duy trì sản xuất hay trả lương cho người lao động. Trong khi đó, hàng nghìn héc-ta đất rừng có nguy cơ bị bỏ ngỏ dẫn tới hệ lụy môi trường và phát triển lâu dài.

vanh dai 4 vietnamnet 10 1 42575.jpg
Ảnh minh họa: Hồng Khanh

Điều gây nhiều băn khoăn là trong khi các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn được áp dụng cơ chế miễn truy thu ngay cả khi chưa hoàn tất thủ tục, thì khối doanh nghiệp tư nhân – những chủ thể trực tiếp tạo ra của cải và đóng góp vào ngân sách – lại không được hưởng cơ chế tương tự. Sự thiếu đồng đều trong cách tiếp cận chính sách đang đặt ra câu hỏi về tính công bằng và định hướng ưu tiên của hệ thống hỗ trợ.

Một số địa phương và doanh nghiệp, như Hà Nội, đã có văn bản chính thức kiến nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng hồi tố chính sách miễn, giảm đối với những trường hợp thực tế đủ điều kiện nhưng chưa hoàn tất thủ tục đúng hạn. Tuy nhiên, do số lượng kiến nghị còn rời rạc, chưa hình thành sức ép đủ lớn, đề xuất này hiện vẫn chưa được đưa vào dự thảo sửa đổi Nghị định.

Cần điều chỉnh để tạo chính sách đồng bộ và linh hoạt

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giới hạn phạm vi áp dụng chính sách “tự động miễn, giảm” kể từ năm 2024 trở đi là chưa thực sự hợp lý. Bởi chính giai đoạn trước đó mới là thời điểm mà cả người dân lẫn doanh nghiệp gặp nhiều rào cản: khả năng tiếp cận thông tin pháp luật còn hạn chế, hệ thống thủ tục hành chính thiếu minh bạch, hướng dẫn chưa đầy đủ và đồng bộ.

Trong hoàn cảnh đó, việc không kịp hoàn tất thủ tục không hẳn là lỗi của người thực hiện, mà phần lớn bắt nguồn từ những yếu tố khách quan. Thế nhưng thay vì thừa nhận thực tế ấy để có cơ chế điều chỉnh phù hợp, chính sách hiện hành lại khiến các doanh nghiệp tiếp tục gánh hậu quả dưới hình thức truy thu – kéo dài thêm chuỗi khó khăn mà lẽ ra họ cần được tháo gỡ.

So sánh một cách hình tượng, giống như ở những vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện học hành còn thiếu thốn: không thể đòi hỏi con trẻ tiếp cận giáo dục ngang bằng với thành phố nếu cha mẹ các em còn chưa biết chữ. Chính sách công bằng không phải là áp dụng một chuẩn chung cho tất cả, mà là tạo điều kiện phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.

Một chính sách mang tính nhân văn không chỉ cần được ban hành đúng lúc, mà còn phải đặt trên nền thực tiễn – nơi từng nhóm đối tượng có điều kiện tiếp cận và năng lực thực thi khác nhau. Sự công bằng chỉ có thể đạt được khi chính sách thấu hiểu bối cảnh, điều chỉnh linh hoạt và không bỏ sót những người yếu thế.

Để khắc phục khoảng trống đang hiện hữu, cần sớm xem xét sửa đổi điểm c, khoản 5, Điều 51 Nghị định 103/2024/NĐ-CP theo hướng mở rộng phạm vi hồi tố cho toàn bộ thời gian ưu đãi đối với các trường hợp đã đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, thiết kế một cơ chế hỗ trợ riêng cho các địa phương đặc thù như Đắk Lắk – nơi nếu thiếu chính sách linh hoạt, doanh nghiệp sẽ không thể trụ vững, còn đất rừng thì bị lãng phí, suy thoái theo thời gian.

Luật có thể minh bạch, nhưng nếu khâu thực thi còn cứng nhắc và thiếu nhất quán thì hiệu lực chính sách cũng khó lan tỏa. Gỡ một nút thắt là cần, nhưng không thể bằng cái giá là quay lưng với những người đã từng tiên phong giữ đất, giữ rừng, dựng nên kế sinh nhai cho cộng đồng giữa vùng gian khó.

Các tin khác

Đô thị vịnh đáng sống tại Việt Nam gọi tên Nha Trang

Chiếm 85% phiếu đồng thuận trong một khảo sát có tên “Nha Trang có phải nơi đáng sống”, Nha Trang khẳng định thành tựu hoàn thiện hạ tầng, nâng chất lượng sống, kiến tạo môi trường an cư hài hòa giữa bản sắc địa phương và nhịp phát triển hiện đại.

Live Tiền thuê đất của doanh nghiệp tăng gấp 7 lần sau 3 năm

Nhà nước thu được nhiều thuế từ đất vừa mừng nhưng cũng vừa lo, đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tại hội thảo "Giá đất, thuế đất… thế nào cho hợp lý?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 22.7 tại TP.HCM.

Hải An tính đóng thêm 2 tàu container giá 2.400 tỷ đồng

Công ty kỳ vọng 2 tàu container mới sẽ đón đầu xu thế phát triển thị trường vận tải biển toàn cầu, nhất là mở rộng dịch vụ đến Địa Trung Hải – Châu Âu (MED - EU) và/hoặc Bờ Tây Mỹ (USWC).

Giới siêu giàu đổ xô tích trữ vàng: Từ mua lẻ vài ounce đến cất giấu trong hầm quân sự ở Thụy Sĩ

Giá vàng tăng vọt trong năm 2024 đã thu hút mạnh sự quan tâm từ tầng lớp giàu có trên toàn thế giới. Không chỉ dừng ở việc đầu tư thông thường, nhiều người sẵn sàng chi hàng triệu USD để sở hữu vàng vật chất và thậm chí thuê cả hầm quân sự để cất giữ tài sản quý này.

Hành trình 5 năm liền giữ vững danh hiệu “Thương hiệu hiệu suất năng lượng cao nhất” của Daikin Vietnam

Giữa bối cảnh thị trường điều hòa cạnh tranh về tối ưu hiệu suất, giải thưởng "Thương hiệu hiệu suất năng lượng cao nhất" 5 năm liền từ Bộ Công Thương là minh chứng rõ nét cho chất lượng và cam kết tiết kiệm năng lượng của Daikin. Đây không chỉ là một danh hiệu, mà còn là sự khẳng định về hành trình bền bỉ vì lợi ích của người tiêu dùng Việt.