Tài chính

Loạt quy định trong ngành ngân hàng có hiệu lực từ 1/7/2025

  (Ảnh minh hoạ: Báo Chính phủ)

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Kể từ ngày 1/7/2025, Nghị định 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng chính thức có hiệu lực. 

Cơ chế thử nghiệm được áp dụng đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech), bao gồm chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và cho vay ngang hàng (P2P lending).

Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa hai năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Các tổ chức được tham gia bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng; các công ty Fintech; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khách hàng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến cơ chế thử nghiệm.

Mục tiêu của cơ chế là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa ngành ngân hàng, hướng tới phổ cập tài chính minh bạch, thuận tiện, an toàn, chi phí thấp. Đồng thời, tạo lập môi trường thử nghiệm để đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của các giải pháp Fintech và hỗ trợ cơ quan quản lý hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Khai tử thẻ từ 

Theo kế hoạch của NHNN, trong năm 2025, toàn bộ ngân hàng thương mại phải hoàn tất quá trình ngừng sử dụng thẻ từ và chuyển đổi hoàn toàn sang thẻ chip nội địa. 

Theo quy định, từ ngày 1/7/2025, các ngân hàng sẽ dừng giao dịch với thẻ có dải từ, bao gồm thẻ từ truyền thống hoặc dải từ trên thẻ chip/contactless.

Những thẻ chưa chuyển đổi sẽ không thể thực hiện các giao dịch như rút tiền, gửi tiền tại máy ATM và CDM, thanh toán tại các điểm chấp nhận thẻ POS, giao dịch liên ngân hàng,… Trong một số trường hợp, thẻ từ có thể bị khóa hoàn toàn.

Trước đó, nhiều ngân hàng đã phát đi thông báo và triển khai việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip miễn phí cho khách hàng với ba hình thức, bao gồm đổi trực tiếp tại chi nhánh/phòng giao dịch, chuyển đổi online và nhận thẻ tại nhà và liên hệ qua hotline để được tư vấn và hướng dẫn đổi thẻ.

Đồng thời, các ngân hàng cũng đưa ra cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác trước các hành vi lừa đảo liên quan đến việc chuyển đổi thẻ. Thực tế cho thấy đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện, nhắn tin yêu cầu cung cấp thông tin thẻ, mã OTP, số tài khoản với lý do hỗ trợ đổi thẻ.

Cập nhật sinh trắc học đối với khách hàng doanh nghiệp

Theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 17 Thông tư 17/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 của NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. 

Theo đó, người đại diện hợp pháp của tổ chức phải cập nhật thông tin sinh trắc học trước ngày 1/7/2025. Sau thời gian trên nếu khách hàng chưa cập nhật, ngân hàng phải tạm dừng giao dịch chuyển tiền, rút tiền trên dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng tổ chức.

Thời gian vừa qua, nhằm thực hiện quy định này, hàng loạt các ngân hàng Như Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV, MB, PVCombank, NCB,… đã phát đi thông báo khuyến nghị khách hàng là doanh nghiệp hoàn thành việc cập nhật sinh trắc học để tránh gián đoạn giao dịch.

Các ngân hàng cũng lưu ý khách hàng, nhằm tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo, nhân viên ngân hàng khi hỗ trợ khách hàng cập nhật dữ liệu không bao giờ gửi đường dẫn yêu cầu đăng nhập, cung cấp user, mật khẩu, số căn cước công dân, mã OTP, hay bất kỳ thông tin cá nhân nào khác.

Ví điện tử trở thành phương thức thanh toán

Từ ngày 1/7/2025, ví điện tử sẽ chính thức được công nhận là phương tiện thanh toán, với các chức năng tương đương tài khoản ngân hàng, thẻ thanh toán hoặc tiền mặt.

Điều này cho phép ví điện tử thực hiện thanh toán linh hoạt như chuyển tiền giữa các ví, từ ví sang tài khoản ngân hàng và ngược lại, mà không còn bị ràng buộc bởi việc liên kết với tài khoản ngân hàng.

Một số điểm nổi bật về ví điện tử theo quy định tại Thông tư 40/2024/TT-NHNN (quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán) bao gồm: 

Quy định rõ ràng về các hình thức nạp tiền vào ví điện tử: Thông tư 40 đã làm rõ các nguồn tiền hợp lệ để nạp vào ví điện tử của khách hàng, đặc biệt nhấn mạnh đến các giao dịch liên hệ với hệ thống ngân hàng hoặc ví điện tử khác: 

- Nhận tiền từ tài khoản đồng Việt Nam mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Chủ ví điện tử có thể nhận tiền từ các tài khoản ngân hàng không phải là tài khoản liên kết trực tiếp với ví của mình.

- Nhận tiền từ ví điện tử khác ngoài hệ thống: Đây là một điểm quan trọng, cho phép người dùng nhận tiền từ ví điện tử do một tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khác quản lý.

Quy định chi tiết về các hình thức sử dụng ví điện tử (chuyển tiền ra): Thông tư 40/2024 cũng quy định rõ các trường hợp rút và chuyển tiền từ ví điện tử ra bên ngoài:

- Chuyển tiền đến tài khoản đồng Việt Nam mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Chủ ví điện tử được phép chuyển tiền từ ví của mình đến các tài khoản ngân hàng không phải là tài khoản liên kết.

- Chuyển tiền đến ví điện tử khác ngoài hệ thống: Tương tự như nạp tiền, khả năng chuyển tiền giữa các ví điện tử thuộc các hệ thống khác nhau được chính thức quy định.

Quy định về việc sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử: Thông tư 40/2024 cũng có những quy định cụ thể về việc sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử:

- Chuyển tiền đến tài khoản đồng Việt Nam tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Tài khoản đảm bảo thanh toán có thể được sử dụng để chuyển tiền đến các tài khoản đồng Việt Nam tại ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phục vụ cho việc sử dụng ví điện tử theo quy định.

- Chuyển tiền đến tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khác: Tài khoản đảm bảo thanh toán cũng được phép sử dụng để chuyển tiền đến tài khoản đảm bảo thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khác.

Các tin khác

Thủ tục sang tên sổ đỏ mới nhất từ 1/7

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động (nghĩa là trong 30 ngày kể từ khi công chứng, chứng thực), người dân bắt buộc phải thực hiện đăng ký biến động tại cơ quan đăng ký đất đai có thẩm quyền.

Giá vàng quay đầu tăng

Sáng nay (1/7), giá vàng bất ngờ tăng trở lại. Theo đó, vàng miếng SJC lên mốc 119,5 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn cao nhất lên 117,4 triệu đồng/lượng.

Chủ tịch Quốc hội nói sau sáp nhập: Tiền chưa hẳn quan trọng nhất!

“Cần Thơ là trung tâm của ĐBSCL, lại có Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị riêng cho thành phố, còn Nghị quyết 45 của Quốc hội được áp dụng ngay cho Hậu Giang, Sóc Trăng, rất tuyệt vời", Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh: Vấn đề lớn của Cần Thơ không chỉ xin vốn, quan trọng hơn là cơ chế. Tiền chưa hẳn quan trọng nhất, còn phải tổ chức, con người, yếu tố quyết định thành công trong giai đoạn mới.

Đây có thể là mùa hè của địa ngục kinh tế

Dù kinh tế Mỹ vẫn duy trì được sự ổn định trong nửa đầu năm 2025, những cột mốc quan trọng sắp tới có thể khiến cục diện hoàn toàn thay đổi. Hàng rào thuế quan mới, nguy cơ vỡ nợ quốc gia và bất ổn địa chính trị đang đe dọa kéo theo mùa hè “địa ngục” về kinh tế.