Tại sao cốc giấy dùng một lần khiến bạn nuốt phải vi nhựa?
Loại cốc đang được nhắc tới này chính là cốc giấy, thường được dùng một lần."Cốc giấy dùng một lần là vật dụng tưởng chừng vô hại và tiện lợi đang tiềm ẩn nguy cơ âm thầm gây hại cho sức khỏe con người. Đặc biệt khi được sử dụng để đựng đồ uống nóng, nhiều dầu hoặc có tính axit như cà phê, trà chanh, nước cam” - bác sĩ Zhang Jiaming (Đài Loan, Trung Quốc) cảnh báo.

Ảnh minh họa
Ông giải thích rằng, lớp bên trong của cốc giấy được phủ polyethylene (PE) - một loại nhựa giúp ngăn nước rò rỉ. Tuy nhiên, dưới tác động của nhiệt độ cao hoặc các loại đồ uống có tính chất đặc biệt như axit, lớp màng này sẽ nhanh chóng phân hủy. Từ đó, giải phóng ra vô số hạt vi nhựa li ti mà mắt thường không nhìn thấy.
Những hạt này sẽ đi vào cơ thể, len lỏi trong máu, gan, thận và thậm chí tích tụ tại từng tế bào. Đồng thời, nhiệt độ và tính axit từ đồ uống còn có thể làm thôi nhiễm ra các hóa chất phụ gia khác. Nhất là đối với cốc giấy chất lượng kém, dùng nguyên liệu tái chế.
Hạt vi nhựa trong cốc giấy dùng một lần gây hại như thế nào?
Để minh họa rõ hơn về cách mà các hạt vi nhựa trong cốc giấy dùng một lần gây hại cho cơ thể, bác sĩ Zhang Jiaming ví cơ thể chúng ta là một nhà máy đang vận hành trơn tru. Khi vi nhựa xâm nhập, nhà máy ấy bỗng trở thành một bãi rác, nơi các túi nhựa chất đống làm tắc nghẽn mọi hoạt động. Hiện tượng này như việc tế bào “bị kẹt” trong rác thải nhựa, từ đó làm chậm quá trình trao đổi chất, sinh viêm, rối loạn chức năng gen và lâu dần làm suy yếu hệ miễn dịch.
Đặc biệt, một số hạt nhựa còn tiết ra hóa chất gây rối loạn nội tiết. Chúng có thể giả dạng hormone, khiến tế bào nhận chỉ thị sai lệch và hoạt động bất thường. Hậu quả là:
- Tuyến giáp bị rối loạn, năng lượng chuyển hóa giảm, gây mệt mỏi kéo dài và tăng cân mất kiểm soát.
- Hormone sinh dục bị ảnh hưởng, tác động đến tế bào sinh sản và làm suy giảm khả năng thụ thai.
- Phản ứng với insulin suy yếu, khiến cơ thể không kiểm soát tốt đường huyết và tăng nguy cơ tiểu đường.
Không chỉ dừng lại ở đó, hệ tiêu hóa cũng là “nạn nhân” của vi nhựa. Khi đi vào ruột, chúng làm tắc nghẽn quá trình hấp thụ dưỡng chất và bài tiết chất thải. Vi khuẩn có lợi trong đường ruột giảm sút, vi khuẩn có hại tăng lên, gây viêm, rò rỉ ruột và thậm chí là nguy cơ ung thư đại trực tràng nếu tiếp xúc lâu dài.
Ông cho biết thêm, gan và thận - hai cơ quan chính chịu trách nhiệm thải độc - cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Vi nhựa tích tụ trong máu khiến chức năng thải độc bị quá tải. Gan có thể bị viêm, thận suy giảm chức năng lọc, cơ thể rơi vào trạng thái stress oxy hóa - một trong những nguyên nhân gây lão hóa sớm và suy nhược toàn thân.
Giải pháp nào thay thế cốc giấy dùng một lần khi đựng đồ uống nóng, có tính axit?
Bác sĩ Zhang Jiaming nhấn mạnh: “Cốc giấy không độc ngay, nhưng nếu bạn dùng thường xuyên, các hạt nhựa tích tụ dần như rác thải không phân hủy trong từng tế bào. Chúng âm thầm gây hại, không khác gì một chiếc cốc tử thần, biến đồ uống nóng hổi, ngon miệng của chúng ta trở nên độc hại”.

Ảnh minh họa
Để giảm thiểu rủi ro này, ông khuyên nên hạn chế tối đa việc sử dụng cốc giấy một lần, nhất là để đựng đồ uống nóng hoặc chứa nhiều axit. Thay vào đó, hãy chuyển sang sử dụng ly thủy tinh, inox cao cấp hoặc cốc gốm - những vật liệu bền vững, thân thiện với cơ thể. Cũng không nên tái sử dụng cốc giấy dùng một lần.
Sự tiện lợi của vài phút không thể đánh đổi bằng nguy cơ bệnh tật tích tụ trong nhiều năm. Hãy tỉnh táo với những thứ tưởng như vô hại đang hàng ngày tiếp cận bạn và lựa chọn an toàn hơn cho chính sức khỏe bản thân và gia đình.
Nguồn và ảnh: TTVC, Family Doctor