Cho vay mua nhà chiếm gần 50% tín dụng bán lẻ
Chia sẻ mở đầu ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào sáng ngày 27/3, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Mã: VIB) cho biết ngành ngân hàng năm 2024 đối diện với nhiều khó khăn, bao gồm cả biến động tỷ giá. Năm 2025 tiến tới bối cảnh kinh tế xã hội mới, mở ra nhiều cơ hội phát triển, song song với những khó khăn còn tồn tại, ngành ngân hàng bao gồm cả VIB cần phải thích ứng với tình hình mới.
Trong suốt 8 năm qua, VIB duy trì tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm là 21%, trong đó dư nợ bán lẻ tăng trưởng trung bình 30%/năm, gần gấp đôi so với trung bình ngành. Hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 25%.
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản ghi nhận 493.158 tỷ đồng (tăng 20%), tổng dư nợ tín dụng trên 324.600 tỷ đồng (tăng 22%), huy động vốn hơn 299.570 tỷ đồng (tăng 15%), lãi trước thuế hơn 9.000 tỷ đồng (giảm 16% so với năm 2023 và thực hiện được 75% kế hoạch năm).
Khối ngân hàng bán lẻ ghi nhận lãi trước thuế 4.860 tỷ đồng trong năm 2024. Lãi thuần ở mảng này giảm 2% do ngân hàng áp dụng giảm lãi suất 2-3% nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và tập trung vào phân khúc khách hàng chất lượng tốt, nhờ đó chi phí dự phòng giảm 5% so với năm trước.
Dư nợ tín dụng đối với khối ngân hàng bán lẻ vào thời điểm cuối năm khoảng 260.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với đầu năm (tương đương 31.000 tỷ). Trong đó, cho vay bất động sản chiếm gần 50% danh mục bán lẻ và tăng trưởng 9%.
Dư nợ tín dụng cho vay bán lẻ gần 260.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với đầu năm và chiếm gần 80% tổng dư nợ của VIB. Trong đó, cho vay mua nhà chiếm gần 50% danh mục tín dụng bán lẻ, tập trung vào sản phẩm mua nhà ở (80%), xây dựng và sửa chữa nhà (20%). VIB không cho vay các sản phẩm dự án, bất động sản hình thành trong tương lai.
Trong năm 2024, VIB đã triển khai gói vay 30.000 tỷ đồng cho vay căn hộ, nhà phố với lãi suất cố định 6,3% - 7,3% - 8,3% cho các kỳ hạn tương ứng 6 tháng - 12 tháng - 18 tháng, thời gian ân hạn gốc 5 năm.
Dư nợ cho vay kinh doanh gần 54.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15%. Còn cho vay ô tô chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại và tập trung cho vay mua xe mới thông qua hợp tác với đại lý phân phối xe.

Mục tiêu lãi trước thuế 11.020 tỷ đồng
HĐQT đề xuất kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế 11.020 tỷ đồng, tăng 22% so với kết quả đạt được trong năm 2024. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn kế hoạch các năm trước đó.
Các chỉ tiêu kế hoạch khác bao gồm tổng tài sản dự kiến tăng 22% lên 600.350 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng (cho vay, trái phiếu, mua nợ) tăng 22% lên 395.800 tỷ đồng; huy động vốn (tiền gửi, giấy tờ có giá) tăng 26% lên 377.300 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tỷ lệ tăng trưởng dư nợ và huy động vốn phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao.

Kế hoạch chia cổ tức 7% bằng tiền mặt
Theo đề xuất của HĐQT, VIB dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ (vốn điều lệ tại ngày 31/12/2024 là 29.791 tỷ đồng), ước tính số tiền để chi trả cổ tức hơn 2.085 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HĐQT đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành hơn 417 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và và 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên. Vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm khoảng 4.250 tỷ đồng lên 34.040 tỷ đồng sau các đợt phát hành.
"Việc tăng vốn là cần thiết đối với VIB để đảo bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, tạo nền tảng để phát triển hệ thống công nghệ, dịch vụ, nhân sự, thị phần, cũng như bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng và đầu tư tài sản thanh khoản của ngân hàng", HĐQT nhấn mạnh.

Tiếp tục cập nhật...