Sáng ngày 22/4, Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB) đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2025 với sự tham dự của 137 cổ đông (tham dự trực tiếp và ủy quyền), đại diện hơn 2 tỷ cổ phần, tương đương 82,9% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đã triển khai nhiều gói vay cho doanh nghiệp xuất khẩu
Chia sẻ mở đầu đại hội, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT, nhận định năm 2024 kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và tình hình đang dần ổn định khi thương mại hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát bớt căng thẳng hơn, điều kiện tài chính tiếp tục được nới lỏng.
Năm 2024, danh mục khách hàng của OCB có sự chuyển dịch, tập trung vào nhóm khách hàng chiến lược cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng đã triển khai loạt chương trình tín dụng ưu đãi với tổng hạn mức hơn 65.000 tỷ động nhằm hỗ trợ những nhóm khách hàng này. Tính đến cuối năm, các gói tín dụng đã giúp 15.000 khách hàng doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận các gói vay với lãi suất 2 - 6,3%/năm.
Đặc biệt, OCB đã triển khai nhiều gói vay dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giúp hàng trăm doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất chỉ từ 2%/năm.
Kết quả trong năm 2024, OCB tăng trưởng tín dụng gần 20%, cao hơn trung bình ngành là 15,08%. Trong đó, dư nợ tín dụng của khách hàng cá nhân tăng 11,4%, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 51,7% so với đầu năm. Tổng tài sản của ngân hàng tăng 17% lên 280.712 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 2,38%.
Huy động thị trường 1 đạt 192.413 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2023, thực hiện được 98% kế hoạch năm. Trong đó, tăng trưởng tiền gửi từ khách hàng dân cư và tổ chức kinh tế đạt 13,1%, cao hơn mức trung bình ngành là dưới 10%. Tiền gửi từ khách hàng cá nhân tiếp tục tăng trưởng gần 16%, đóng góp 65% tổng quy mô tiền gửi khách hàng. Riêng tín dụng xanh tại OCB tăng 30% so với năm 2023.
Tổng thu thuần đạt 10.069 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu thuần từ lãi đạt 8.607 tỷ đồng, tăng 27,2% so với năm 2023, nhờ quy mô tín dụng tăng trưởng gần 20% và NIM cải thiện lên mức 3,5% vào cuối năm 2024.
Sau khi tái cơ cấu lại danh mục kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, đẩy mạnh công tác quản trị nợ, thu hồi cũng như xử lý nợ… trong quý IV/2024, lợi nhuận trước thuế tăng 230% so với quý trước. Kết quả cả năm OCB đạt lợi nhuận trước thuế 4.006 tỷ đồng.
Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 33%, lần đầu chia cổ tức tiền mặt
Ban điều hành đánh giá dù tăng trường đã trở lại đường đua với một "phong thái" ổn định nhưng nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như ngành ngân hàng nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với những bất ổn địa chính trị, áp lực Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành, áp lực nợ xấu tăng khi mà thị trường bất động sản chưa phục hồi hoàn toàn, mức chỉ tiêu của người dân cũng chưa phục hồi mạnh mẽ dẫn đến nhu cầu tín dụng tiêu dùng tăng chậm hơn kỳ vọng: áp lực duy trì thanh khoản và đảm bảo lợi nhuận đè nặng lên vai các ngân hàng...
2025 là năm cuối cùng để thực hiện chiến lược giai đoạn 2021 - 2025. Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 316.779 tỷ, tăng 13%; tổng huy động thị trường 1 đạt 218.842 tỷ, tăng 14%; tổng dư nợ thị trường 1 khoảng 208.472 tỷ, tăng 16% lên. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 5.338 tỷ, tăng 33% so với kết quả đạt được trong năm 2024. Nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Bên cạnh đó, OCB đặt mục tiêu vào Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hàng đầu Việt Nam về hiệu quả ESG, đưa tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trên tổng dư nợ thị trường 1 lên hơn 11% trong năm 2025.
2025 sẽ là năm đầu tiên OCB thực hiện chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán, với tỷ lệ 7% trên vốn điều lệ, tương đương số tiền 1.726 tỷ đồng. Trước đó, OCB chủ yếu chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.
Đồng thời, ngân hàng tiếp tục trình phương án phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 8% trên vốn điều lệ trong năm nay. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng từ 24.657 tỷ lên 26.631 tỷ. OCB dự kiến sử dụng vốn tăng thêm để đầu tư công nghệ thông tin, nâng cấp tài sản, xây dựng cơ bản, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay.
Thời gian thực hiện các đợt tăng vốn sẽ do HĐQT quyết định, sau khi được cơ quan chức năng cho phép. Dự kiến sau khi tăng vốn, Aozora bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn duy nhất của OCB với tỷ lệ sở hữu 15%.

Bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát
Một trong các vấn đề cốt lõi đó là bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025 – 2030 nhằm đáp ứng quy mô và nhu cầu về quản trị trong giai đoạn mới. HĐQT nhiệm kỳ 2025 – 2030 dự kiến gồm 7 thành viên, số lượng thành viên Ban Kiểm soát tăng 2 lên 5 thành viên.