Mạnh mẽ tiến ra đại dương
Không phải đến bây giờ, câu chuyện lấn biển để mở rộng quỹ đất, tăng không gian phát triển kinh tế mới được các địa phương xin chủ trương thực hiện. TP.Rạch Giá (Kiên Giang) được coi là tọa độ lấn biển đầu tiên của VN.

Khu vực lấn biển sầm uất tại TP.Rạch Giá, Kiên Giang
ẢNH: N.A
Trước năm 2000, hình thù TP.Rạch Giá dài nhưng bị bó hẹp hướng ngang, phía tây giáp biển, phía đông giới hạn bởi kênh Ông Hiển. Muốn mở rộng về hướng đông, cần một nguồn tiền rất lớn để giải phóng mặt bằng, tái định cư. Nếu mở rộng về hướng tây là phía biển thì phải xây kè, lấn biển, song đây là một công việc khó và chưa từng được thực hiện ở nước ta. Với quyết tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang muốn tạo cú hích cho kinh tế địa phương, sau rất nhiều nghi ngại, dự án lấn biển mở rộng TP.Rạch Giá chính thức khởi công đầu năm 1999, theo Quyết định số 1178 ngày 30.12.1997 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án với tổng diện tích 420 ha bao gồm 5 khu vực đầu tư các công trình công ích, dịch vụ, khu giải trí đi kèm, trong đó diện tích lấn biển là 360 ha.
Từ lấn biển, Rạch Giá đã tạo quỹ đất chiếm khoảng 20% diện tích TP làm khu vực ở của 25% dân số đô thị, là nơi xây dựng các công trình công ích xã hội, khu hành chính, quảng trường, bệnh viện, trường học, các công trình công cộng, tiện ích, khu vui chơi giải trí, khu thương mại mua sắm…; tạo nên môi trường sống tiện nghi và chất lượng. Từ đây, đã hình thành nên những khu đô thị (KĐT) mới hiện đại nhất vùng Tây Nam bộ, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo Rạch Giá từ đô thị loại III lên thành phố loại II và sắp được công nhận đô thị loại I.
Sau thành công từ dự án lấn biển ở TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đang có kế hoạch tiếp tục thực hiện thêm nhiều khu lấn biển khác. Trong đó, có TP.Hà Tiên tăng 224,2 ha diện tích do lấn biển tại khu vực 2 phường Tô Châu, Pháo Đài và xã Thuận Yên, xã Tiên Hải; huyện Kiên Hải lấn biển 15,1 ha tại khu vực xã Hòn Tre, xã An Sơn và xã Nam Du. Đến năm 2030, tổng diện tích đất tự nhiên của Kiên Giang dự kiến tăng thêm hàng ngàn héc ta nhờ lấn biển. Quan điểm phát triển của Kiên Giang là khai thác hiệu quả lợi thế biển, đảo, vị trí tiếp giáp với Biển Tây để trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Theo đó, tập trung phát triển chuỗi đô thị ven biển, hướng biển để kết nối mạnh mẽ các hoạt động KT-XH giữa đất liền và hải đảo...
Cũng như Kiên Giang hay TP.HCM, TP.Đà Nẵng là một trong những địa phương có "tư duy đi trước" khi cách đây gần 2 thập niên đã có dự án lấn biển. Tuy nhiên, việc lấn biển ở địa phương này có phần lận đận khi đến nay vẫn chưa có những dự án hoàn chỉnh để tạo dấu ấn. Với "ngọn cờ trao tay" là khu thương mại tự do (TMTD) đầu tiên của cả nước, TP.Đà Nẵng đã mạnh dạn xây dựng một kế hoạch tầm cỡ mở cánh cửa tiến ra đại dương. Cụ thể, với quỹ đất hạn chế, TP.Đà Nẵng sẽ xây dựng khu TMTD phân tán với 10 vị trí được dự kiến xây dựng thành các khu chức năng: khu sản xuất, khu logistics và khu thương mại - dịch vụ. Quy mô khu TMTD có tổng diện tích khoảng 1.000 - 1.500 ha, nằm rải rác ở từng khu vực. Trong đó, vị trí thứ 10 dự kiến lấn biển dọc theo bờ biển đường Nguyễn Tất Thành ra vịnh Đà Nẵng - đoạn từ đường Nguyễn Sinh Sắc đến giáp KĐT quốc tế Đa Phước. Đà Nẵng đã khoanh vùng sơ bộ vị trí lấn biển, diện tích khoảng 300 ha nằm tại vịnh Đà Nẵng.

Cảng Liên Chiểu (vịnh Đà Nẵng), nơi quy hoạch dự án lấn biển làm khu thương mại tự do
Ảnh: Kim Liên
Ông Nguyễn Hà Nam, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, cho biết dự án lấn biển tại vịnh Đà Nẵng là cơ hội lớn để TP có thêm không gian phát triển, phát huy hết tiềm năng kinh tế biển, du lịch biển, tạo ra ngày càng nhiều việc làm cũng như động lực phát triển mới cho TP. Vì thế, lãnh đạo TP xác định lấn biển không chỉ để làm khu TMTD mà còn tạo ra động lực mới, tiềm năng mới cho TP.Đà Nẵng. Trong đó định hướng phát triển du lịch chất lượng cao, du lịch quốc tế, trung tâm tài chính quốc tế; định hướng về dịch vụ du lịch, văn hóa, thương mại…
Trên cả nước, nhiều địa phương đang thực hiện và nghiên cứu chính sách lấn biển như: Cát Bà (Hải Phòng) lấn biển để có thêm dư địa phát triển du lịch xanh; Thanh Hóa đề cập lấn biển để bảo vệ môi trường; tỉnh Sóc Trăng có quy hoạch lấn biển ở Cù Lao Dung, Trần Đề và Vĩnh Châu; tỉnh Bến Tre có quy hoạch mở rộng ra biển 50.000 ha (500 km²) ở các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại…
Cơ hội để kinh tế trỗi dậy
Trên thế giới, có không ít dự án lấn biển đã trở thành biểu tượng du lịch, biểu tượng quốc gia. Đơn cử, Hồng Kông lấn biển xây một số KĐT, san bằng đảo ngoài biển xây sân bay. Singapore lấn biển xây quần thể Marina Bay hoành tráng, đang lấn biển để mở rộng sân bay quốc tế Changi. Nhật Bản, Hàn Quốc đã lấn biển xây một số sân bay. Dubai xây KĐT Palm City rộng 5 km² ngoài biển, là KĐT cao cấp nhất nước này. Một quốc gia gần VN là Malaysia cũng có nhiều thành phố được xây dựng hoàn toàn trên biển.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Trần Hoàng Ngân phân tích: Nước ta có đường bờ biển dài hơn 3.000 km, đây là lợi thế tự nhiên. Do vậy, việc lấn biển, phát triển kinh tế biển là xu thế tất yếu. VN đã xác định kinh tế biển là mũi nhọn và chúng ta không chỉ khai thác mà còn bảo vệ tài nguyên, lãnh thổ của đất nước. Các khu kinh tế biển cũng đã được quy hoạch. Nhiều tỉnh, thành phố ở miền Trung, miền Bắc đã cải tạo, đầu tư và phát triển bờ biển rất đẹp. Điều đó thu hút được du khách, phát triển du lịch biển mạnh và cũng tạo lợi thế để thu hút thêm nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với địa phương. Đồng thời, nhiều tỉnh, thành đã phát triển các cảng trung chuyển, logistics mang tầm quốc tế như Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hải Phòng… đồng nghĩa nhận thức rõ tầm quan trọng của những dự án ven biển, phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, KĐT lấn biển Cần Giờ tại TP.HCM chuẩn bị khởi công quy mô lên đến hơn 2.800 ha, được đầu tư lớn tương đương với các khu lấn biển trên thế giới sẽ trở thành KĐT sinh thái, dịch vụ chất lượng cao, trở thành một biểu tượng mới, niềm tự hào của VN trong tương lai.
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, lấn biển là hoạt động các địa phương đều có thể thực hiện nhưng phải theo quy hoạch quốc gia. Đơn cử như khu vực biển cần được đầu tư để phát triển các KĐT biển, khu du lịch hay khu TMTD… cũng phụ thuộc vào quy hoạch của từng vùng, miền. Thông thường, việc phát triển, lấn biển để xây dựng khu TMTD hay KĐT sẽ đi kèm theo vùng có cảng nước sâu, cảng quốc tế. Chẳng hạn, nếu lấn biển để xây dựng khu TMTD thì không chỉ thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, gắn với khu du lịch mà còn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng Việt tại chỗ. Hay lấn biển để thực hiện cảng nước sâu, cảng quốc tế cũng tạo ra nhiều lợi thế với không gian phát triển lớn hơn. Mỗi tỉnh, thành phố sẽ phải thực hiện quy hoạch để đánh giá tác động môi trường phù hợp với vị trí địa lý và đặc điểm kinh tế của địa phương mình.
"Hướng ra biển, phát triển kinh tế biển một cách chiến lược là một cơ hội tạo sức bật mạnh để kinh tế VN trỗi dậy. Vấn đề lấn biển không nên quá lo ngại, chỉ cần đảm bảo đầu tư theo đúng quy hoạch, có đánh giá tác động kỹ thuật của dự án để đảm bảo hài hòa tài nguyên môi trường biển cũng như một số hoạt động về nuôi trồng, khai thác thủy sản…", PGS-TS Trần Hoàng Ngân nhận định.