Moca vừa chính thức lên tiếng sẽ rời cuộc chơi ví điện tử, chấm dứt chặng đường 8 năm được cấp phép và 6 năm chung đường cùng Grab.
Moca được khai sinh vào năm 2013 bởi một nhóm các cộng sự tâm huyết, hai trong số đó là ông Trần Thanh Nam (từng làm Microsoft bên Mỹ) và Nguyễn Quang Dũng (từng làm Google ở Silicon Valley) sở hữu 14,4%.
Màn đốt tiền kinh điển
Không kể mảng cốt lõi trong hệ sinh thái, hầu hết các ví đều tiến vào thị trường từ những hoạt động thanh toán cơ bản như nạp thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn (phổ biến nhất là thanh toán điện, nước) – mảng thanh toán thiết yếu mang lại dòng tiền đều đặn - hoặc vé xem phim - sản phẩm nhỏ và phủ đối tượng trẻ nhanh chóng.
Sau một thời gian "bán mình" cho Grab vào Quý 3/2018, đầu năm 2019, Moca chính thức tiến vào mảng thanh toán hóa đơn và có màn đốt tiền kinh điển mà chưa một ví điện tử nào tới nay dám bắt chước: Nộp tiền điện mất 500.000 đồng, nhưng nộp qua Grabpay by Moca (thương hiệu được dùng đầu năm 2019) chỉ mất 400.000 đồng, người dùng được hoàn lại 100.000 đồng vào ví điện tử. Mức hoàn tiền tối đa lên tới 400.000 đồng.
Màn đốt tiền này khiến ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT - cảm thán: "Không thể tưởng tượng được người ta đốt tiền cỡ nào. Người ta có thể tài trợ cho những người dùng ví điện tử 20% tiền điện cho cả cái đất nước này để đổi lấy tăng trưởng".
Song song với màn đốt tiền ngày ấy, Moca cũng tấn công mạnh vào mảng P2M (People to Merchant - thanh toán tại cửa hàng) với chiến lược đốt tiền kiềm chế hơn, tạo thế trận "trăm ví đua nở" cùng với MoMo, Airpay (sau này đổi tên thành ShopeePay), VnPay, ViettelPay, và ZaloPay, mỗi đơn vị một mã QR trên từng quầy thanh toán.
Thế trận P2M chỉ ngã ngũ khi VietQR xuất hiện. Không tính phí hoa hồng cho Merchants (cửa hàng) như ví điện tử, người dùng thanh toán bằng chính app ngân hàng không cần cài đặt ví, VietQR đã trở thành một thế lực buộc các ví điện tử hàng đầu Việt Nam như MoMo và ZaloPay nhanh chóng tích hợp.
Khi đường đến Super App của Grab không còn Moca
Trong khi nhiều ví hàng đầu cùng bắt tay VietQR để duy trì hiện diện với phần đông người dùng, Moca không tham gia sân chơi này.
Trước đó, một số nhân sự chủ chốt trong lĩnh vực này đã rời Grab. Ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Grab Financial Việt Nam - rời Grab đầu năm 2020. Bà Nguyễn Thái Hải Vân – Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, phụ trách nhiều mảng bao gồm cả Financial của Grab - rời đi đầu năm 2022. Ông Trần Thanh Nam - đồng sáng lập Moca, giữ cương vị Cố vấn cấp cao của Grab Financial Việt Nam – cũng chuyển sang Timo rồi Vietcombank. Ông Nam hiện giữ chức Giám đốc vận hành và Giám đốc đổi mới sáng tạo của Vietcombank.
Không còn vị trí trên sân chơi P2M, Moca cũng không duy trì được vị thế độc tôn trên chính app Grab. Cuối năm 2022, Grab đã mở cửa chấp nhận ví điện tử ngoài hệ sinh thái là ZaloPay, sau đó là MoMo.
Còn nhớ năm 2020, khi MoMo cán mốc 20 triệu người dùng, một câu hỏi lớn mà nhiều người đặt ra cho MoMo lúc đó là MoMo sẽ phát triển thế nào khi phần lớn ví điện tử trên thị trường đều nằm trong một hệ sinh thái như Moca trong hệ sinh thái gọi xe của Grab, AirPay/ShopeePay trong hệ sinh thái Shopee, tương tự với ZaloPay.
Hiện MoMo có 31 triệu người dùng. Ví điện tử gắn liền với hệ sinh thái giờ nổi bật còn ShopeePay.
Còn với ZaloPay, Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh không gọi Zalo là Super App.
"Tôi nghĩ cụm từ "Super App" hay được dùng để marketing hơn là thực tế…", ông Minh nói trong một phiên tọa đàm hồi 2022.
"Có lẽ tôi sẽ làm Ken thất vọng. Tôi nghĩ khi chúng ta nói về một app hoặc một sản phẩm nào mà phải dùng rất nhiều lời để giải thích nó là gì, thì cực khó để kể câu chuyện đó tới khách hàng", Chủ tịch VNG nói với ông Ken Mandel - Giám đốc điều hành khu vực, GrabAds & Brand Insights - diễn giả ngồi chung tọa đàm khi đó.
Ông Lê Hồng Minh cho biết tại VNG, mọi người không thích dùng từ "super app".
"Với chúng tôi, Zalo CẦN và LUÔN là một ứng dụng giao tiếp (communication app), và chúng tôi cần làm việc đó tốt nhất thế giới", ông Minh nói.