Lạm phát 2022 vẫn dưới mức mục tiêu
Tuy lạm phát hiện vẫn là chủ đề được quan tâm trên toàn cầu nhưng đến nay lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức kiểm soát được, dưới 4%, không chịu áp lực tăng mạnh như một số các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 10 chỉ số CPI của Việt Nam vào khoảng 4,3% so với cùng kỳ, và tăng bình quân 2,9% trong 10 tháng đầu năm.
Nguồn: Bloomberg, ACBS
Đại diện ACBS cho biết một lý do quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát là nhờ khả năng tự cung về nguồn lương thực, từ đó giúp cho rổ hàng hoá lương thực thực phẩm, thành phần chiếm khoảng 1/3 chỉ số lạm phát, tránh khỏi ảnh hưởng lạm phát từ nhập khẩu.
"Về cơ bản, chúng ta không bị ảnh hưởng bởi đồng đô la Mỹ mạnh nhiều như các quốc gia nhập khẩu, do chúng ta sản xuất lương thực trong nước và chúng ta xuất siêu rất nhiều các mặt hàng nông sản. Việt Nam tránh được rủi ro lạm phát từ khía cạnh này", ông Tyler bình luận.
Áp lực tăng trong năm sau
Theo ACBS, lạm phát cho cả năm 2022 được dự báo quanh mức 3,2-3,6%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu. Từ nay đến cuối năm, áp lực lạm phát không quá lớn, trong bối cảnh thị trường chưa xuất hiện thêm yếu tố nào khiến rủi ro lạm phát tăng cao hơn những gì đang diễn ra.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong năm sau vẫn còn lớn. Điều này có thể thấy qua con số mục tiêu lạm phát năm 2023 vừa được nâng lên mức 4,5%.
Theo ông Minh, áp lực lạm phát vẫn sẽ đến từ câu chuyện chi phí đẩy sẽ xuất hiện rõ hơn trong năm sau, dù có thể không tăng đột biến nữa nhưng vẫn sẽ giữ ở mức cao. Ngoài ra, các gói hỗ trợ nền kinh tế hay các gói đầu tư công chưa giải ngân xong cũng sẽ là yếu tố gây áp lực kỳ vọng lạm phát của người dân, ông Minh phân tích.
Còn theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học UEH tham gia trong talkshow, năm sau có vấn đề quan trọng cần chú ý là tăng lương cơ sở. "Trong lịch sử thì khi Việt Nam tăng lương cơ sở cũng thường kéo theo lạm phát", ông Huân bình luận.
Đi cùng đó, thị trường quốc tế còn nhiều yếu tố bất định, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều rủi ro và bất ổn trong năm sau. "Có nhiều biến số mà chúng ta không dự báo được, ảnh hưởng phần nào không chỉ lạm phát mà còn là bức tranh tăng trưởng kinh tế trong năm sau", ông Huân nhìn nhận.
Một câu chuyện khác ảnh hưởng đến kỳ vọng lạm phát trong năm sau là môi trường mặt bằng lãi suất cao. Điều này còn phụ thuộc vào lạm phát toàn cầu, đặc biệt là từ Mỹ vì liên quan đến khả năng tăng lãi suất đồng đô la.
Dự kiến mức lãi suất Fed tăng lên có thể cao nhất lên mức 5%/năm vào giữa năm 2023 và có thể duy trì mặt bằng lãi suất kéo dài trong năm 2024. "Câu hỏi là việc duy trì lãi suất có thể kéo dài đến bao lâu?", ông Minh đặt vấn đề.
Nguồn: Ngân hàng Goldman Sachs, ACBS thu thập
Dù vậy, về tổng thể, ACBS vẫn tỏ ra lạc quan về kỳ vọng lạm phát trong năm sau. "Chúng ta sẽ nhìn thấy lạm phát tăng nhẹ nhưng một lần nữa, với việc giá xăng trong nước đã hạ nhiệt, cùng với việc nhiều khả năng áp lực lạm phát tại một số các nền kinh tế lớn cũng hạ nhiệt trong thời gian tới, tôi không nghĩ áp lực về lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 là quá lớn, ông Tyler nói.
Đại diện ACBS cũng cho rằng cần phải tiếp tục quan sát diễn biến của đô la Mỹ. Nếu Fed vẫn tiếp tục thắt chặt quyết liệt thì Việt Nam có thể sẽ có những động thái tương tự trong năm sau.
Khi đó, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với tăng trưởng lợi nhuận chậm lại do chi phí vốn tăng cao, hoặc người tiêu dùng sẽ bị giảm sức mua, hoặc kết hợp cả hai. Thị trường chứng khoán vì thế có thể sẽ bớt hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.
"Nhà đầu tư có thể tạm chuyển qua các kênh đầu tư khác với lợi suất cao hơn như tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi… Chúng ta sẽ có thể thấy dòng vốn tạm thời rút ra khỏi thị trường chứng khoán và quay trở lại khi thị trường thuận lợi hơn", ông Tyler bình luận thêm.
Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, tuy nhiên ông Huân cho rằng "trong nguy luôn có cơ hội". Theo đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng, thì các doanh nghiệp vượt qua được sẽ có cơ hội tạo đột phá, bứt xa hơn so với giai đoạn bình thường.
Còn đại diện ACBS cho rằng thị trường Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong trung và dài hạn vì tăng trưởng GDP vẫn duy trì ở mức cao, sẽ là chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài dài hạn chảy vào Việt Nam vẫn rất mạnh.