Dự luật quy định áp dụng thuế suất 15% với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỉ đồng, thuế suất 17% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trên 3 tỉ đồng đến không quá 50 tỉ đồng, thay vì mức chung 20% như hiện nay.
Vẫn tạo cảm giác bất bình đẳng
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng mức này là một bước đi tích cực nhằm hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đó là giúp giảm gánh nặng, giúp các doanh nghiệp này cải thiện dòng tiền, duy trì hoạt động và mở rộng khả năng sản xuất, kinh doanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.
Theo ông, hiện nay nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần lớn tổng doanh nghiệp tại Việt Nam và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cũng như giải quyết việc làm. Việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi có thể thúc đẩy phát triển nhóm doanh nghiệp này.
Tuy nhiên việc áp dụng chính sách này vẫn còn một số bất cập, cần xem xét khả năng hiệu quả và tính khả thi. Trước hết, ngưỡng doanh thu 3 tỉ đồng thuế suất 15% là quá thấp so với thực tế kinh doanh của nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, đặc biệt ở các lĩnh vực như dịch vụ thương mại hoặc các ngành có chi phí cao.
Điều này hạn chế số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện, khoảng cách giữa ngưỡng doanh thu 3 tỉ đồng và 50 tỉ đồng có sự chênh lệch lớn về quy mô giữa hai nhóm nhưng chỉ chênh lệch 2%, tạo cảm giác bất bình đẳng.
Dự luật sử dụng tiêu chí doanh thu trong khi các yếu tố khác như lao động và tổng tài sản cũng cần được xem xét để phân loại doanh nghiệp.
Với mức này, doanh nghiệp có thể chia nhỏ doanh thu để hưởng thuế suất thấp hơn.
Điều này làm giảm hiệu quả quản lý thuế và gây thất thu ngân sách.
Cùng với đó doanh nghiệp trong ngưỡng doanh thu gần 3 tỉ đồng hoặc 50 tỉ đồng có thể tránh tăng trưởng để không phải chịu thuế suất cao hơn, kìm hãm sự phát triển dài hạn.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng việc thuế giảm 15% cho doanh nghiệp có doanh thu 3 tỉ là "không giải quyết được gì".
Bởi nếu chia ra trong một ngày doanh nghiệp đó doanh thu chưa đến 10 triệu, tức là tương đồng với các hộ kinh doanh cá thể. Vì vậy ông Thân đề nghị không nên quy định việc áp thuế cứng 15% và nếu làm được như vậy thì doanh nghiệp sẽ rất phấn khởi tham gia sản xuất, kinh doanh.
Mở rộng chính sách thuế để tăng hỗ trợ
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ ủng hộ đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ nên có chế độ, chính sách thuế tốt, để doanh nghiệp vừa và nhỏ có đủ điều kiện để hoạt động vì vốn liếng của họ không có nhiều.
Ngoài ra đề nghị dự thảo luật cũng không nên quy định nhiều mức thuế phổ thông và mức thuế ưu đãi 10% vì sẽ gây khó khăn, phức tạp trong thực hiện, nên chỉ cần căn cứ vào tiêu chí doanh thu để xác định mức thuế.
"Đã quy định mức thuế cụ thể là 17%, 15%, 10% rồi lại còn quy định thêm một số mức thuế nữa làm gì, nếu cơ quan thuế có tiêu cực, móc nối với doanh nghiệp lợi dụng việc quy định chính sách này để thực hiện mức thuế thấp hơn nữa thì rất khó khăn" - ông Hòa nói.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) cho rằng dự thảo giữ nguyên mức thuế suất doanh nghiệp phổ thông là 20%, nhưng cũng bổ sung thêm nội dung với doanh nghiệp có doanh thu 3 tỉ và dưới 50 tỉ đồng là không phù hợp.
Bởi mức thuế thu nhập nhìn chung có ưu đãi cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng mức thuế suất chung là 20% vẫn cao.
Bởi khi so sánh với các nước trong khu vực ASEAN thì mức thuế suất thuế TNDN phổ thông của Việt Nam 20% bằng với mức thuế suất đang áp dụng tại Thái Lan, Lào, Campuchia nhưng lại cao hơn so với Singapore là 17% và Brunei là 18,5%.
"Để có thể khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung, nên cân nhắc giảm thêm mức thuế TNDN phổ thông xuống khoảng 19% để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển phục hồi sau giai đoạn hậu dịch COVID-19" - bà Lệ nói.
Nếu Quốc hội đồng ý, sẽ áp thuế 10% với tất cả loại hình báo chí
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế TNDN với báo chí. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng hiện nay các cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, giáo dục thay vì kinh doanh.
Nhưng việc áp dụng mức thuế TNDN phổ thông 20% cho các khoản thu ngoài nhiệm vụ chính như quảng cáo, tổ chức sự kiện tạo áp lực lớn lên tài chính của báo chí. Ông nêu rõ các tổ chức công ích được hưởng chính sách miễn hoặc giảm thuế TNDN nhưng báo chí lại chưa được áp dụng cơ chế hỗ trợ tương tự dù có vai trò quan trọng trong xã hội.
Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt bởi các nền tảng số như Google, Facebook, nguồn thu từ quảng cáo ngày càng giảm khiến nhiều cơ quan báo chí khó khăn trong duy trì hoạt động. Các khoản thu nhập không ổn định như tài trợ, hợp đồng quảng cáo nhỏ lẻ vẫn bị tính thuế TNDN mà không xét đến tính đặc thù làm suy yếu khả năng tài chính của báo chí.
Bên cạnh đó, luật thuế hiện tại chưa có quy định riêng cho cơ quan báo chí, dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất như doanh nghiệp thông thường mà không xét đến vai trò đặc biệt của báo chí trong hệ thống chính trị, xã hội.
Một số cơ quan báo chí có thể hưởng ưu đãi nhờ các quy định khác như khu vực địa lý, lĩnh vực khuyến khích nhưng điều này không nhất quán, thiếu minh bạch. Từ đó ông đề xuất một số nội dung ưu đãi với cơ quan báo chí:
- Áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10%, hoặc có thể thấp hơn đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện.
- Miễn thuế TNDN đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí để tạo nguồn lực hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chính trị, truyền thông.
- Tách biệt rõ ràng giữa thu nhập từ hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị được miễn thuế và thu nhập từ các hoạt động kinh doanh hưởng ưu đãi thuế suất thấp...
Giải trình sau đó, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay nếu Quốc hội đồng ý, với báo in và các loại hình khác mức thuế là 10%. Ban soạn thảo đã trao đổi với Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất nội dung này để giúp đỡ các cơ quan báo chí.
* Đại biểu NGUYỄN DUY THANH (Cà Mau):
Đề xuất miễn, giảm thuế 3 năm đầu
Quy định tại điều 10 của dự thảo luật về thuế suất như doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỉ đồng áp dụng thuế suất là 15%, doanh thu dưới 50 tỉ đồng áp dụng thuế suất là 17%, doanh thu trên 50 tỉ đồng áp dụng thuế suất 20%... là không phù hợp.
Thực tế tại một số nước như: Singapore áp dụng thuế suất 17%, Brunei áp dụng thuế suất 18,5% cho tất cả doanh nghiệp.
Tôi cho rằng nên nghiên cứu để có thể miễn giảm thuế 3 năm đầu cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ từ khi mới thành lập nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển bền vững. Đối với các doanh nghiệp còn lại áp dụng thuế TNDN 18% để khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời tránh tình trạng kê khai doanh thu dưới 3 tỉ đồng hoặc dưới 50 tỉ đồng để hưởng thuế TNDN thấp, gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế.
* Ông ĐẶNG HỒNG ANH (chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam):
Giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tái đầu tư
Luật Thuế TNDN sửa đổi quy định giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống 15-17%, thay vì "cào bằng" mức 20% như hiện hành. Nếu được Quốc hội thông qua, việc giảm thuế thu nhập này sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp, doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tái đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiện nay chiếm phần lớn trong cộng đồng doanh nghiệp là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, doanh số còn khiêm tốn lại đối diện với nhiều khó khăn chồng chất từ đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường...
Bản thân hội của chúng tôi cũng phải có nhiều hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên như khuyến khích dùng sản phẩm, dịch vụ của nhau, làm việc với các ngân hàng để tìm kiếm các nguồn tài chính với lãi suất ưu đãi, cơ chế cấp tín dụng thông thoáng hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó khi Luật Thuế TNDN được Quốc hội bấm nút thông qua với mức giảm thuế tốt sẽ là trợ lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.
* Bà Hoàng Hường (CEO Công ty công nghệ truyền thông Unikon):
Mong sớm có chính sách hỗ trợ các cơ quan báo chí
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, báo chí chính thống vẫn giữ vai trò then chốt trong việc cung cấp thông tin chính xác cho công chúng. Với đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp và quy trình kiểm chứng thông tin nghiêm ngặt; với những giá trị cốt lõi về tính chính xác, khách quan và trách nhiệm xã hội, báo chí chuyên nghiệp là tiếng nói đáng tin cậy giữa bão tin giả, giật gân, "một nửa sự thật".
Tuy nhiên, sự bùng nổ mạng xã hội khiến ranh giới thật giả ngày càng mờ nhạt. Trong khi đó, báo chí chính thống đối mặt với sụt giảm độc giả, doanh thu. Từ đó dẫn tới sự thiếu tài nguyên để tái đầu tư cho đội ngũ và phát triển để cạnh tranh với hàng ngàn nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.
Do đó mong sớm có chính sách phù hợp hỗ trợ các cơ quan báo chí; có chế tài kiểm soát, xử phạt các kênh mạng xã hội, những người có ảnh hưởng vì hành vi đưa tin chưa kiểm chứng; các đơn vị nhãn hàng quảng cáo trên các kênh thường xuyên bịa đặt thông tin câu view...
Điều chỉnh mức doanh thu chịu thuế phù hợp
Theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, về nguyên tắc với thuế TNDN, mọi khoản thu nhập phải được tính thuế.
Trong giai đoạn năm 2013 - 2015, thuế các doanh nghiệp khác là 25%. Vì vậy, ông Phớc nói đợt sửa thuế này căn cứ vào nghị quyết trung ương 10/2017, nên mức đề xuất này để ưu đãi cho doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên với băn khoăn của đại biểu về áp thuế ở mức doanh thu trên 3 tỉ đồng và 50 tỉ đồng, ông đồng tình và kiến nghị Quốc hội cần giao cho Chính phủ điều chỉnh mức doanh thu chịu thuế phù hợp với biến động về giá để đảm bảo tính phù hợp.
Giảm thuế cho báo chí: bạn đọc đề nghị thông qua ngay
Ý kiến với bài "Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc: Nếu Quốc hội đồng ý, sẽ áp thuế 10% với tất cả loại hình báo chí" (Tuổi Trẻ Online 28-11), nhiều bạn đọc bày tỏ ủng hộ đối với thông tin này.
"Hoàn toàn đồng ý, đề nghị Quốc hội nên thông qua ngay", bạn đọc Hồng Minh viết. Còn bạn đọc Ái Nhi mong Quốc hội sớm bấm nút đồng ý và áp dụng từ ngày 1-1-2025.
Bạn đọc có số điện thoại 0912******77 và bạn đọc Phạm Lực cùng quan điểm: cơ quan báo chí phụng sự bạn đọc nhưng báo chí thời gian qua khó khăn vô cùng do phải cạnh tranh với mạng xã hội.
Do vậy nên tạo điều kiện hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cho báo chí trong giai đoạn hiện nay bằng việc miễn giảm thuế, giúp các tờ báo, đài phát thanh - truyền hình có nguồn lực duy trì hoạt động và thực hiện chức năng thông tin - tuyên truyền. Đây là việc cần làm ngay.
Báo chí Pháp chỉ chịu thuế 2,1%
Các quốc gia trên thế giới có nhiều cách để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí vận hành nhờ vào chính sách thuế. Tiêu biểu như Canada chủ trương hỗ trợ các cơ quan thông tấn đạt điều kiện (QJO) thông qua chương trình Tín dụng thuế lao động cho cơ quan báo chí (CJTC).
CJTC là chương trình hỗ trợ thuế cho các QJO dựa trên tổng chi phí thuê nhân công. Các QJO có thể nhận khoản hoàn thuế tương đương 35% tổng chi phí thuê lao động báo chí đạt điều kiện trợ cấp.
Nếu một cơ quan báo chí chi trả 200.000 USD tiền lương cho phóng viên, biên tập viên... trong một năm thì đơn vị đó có thể nhận lại lên đến 70.000 USD.
Nhiều nước châu Âu ưu đãi thuế cho báo chí thông qua việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Báo chí hoặc các ấn phẩm định kỳ phản ánh trực tiếp vấn đề thời sự ở Pháp chỉ phải chịu thuế 2,1%. Quốc gia này đánh thuế VAT lên đến 20% cho hàng hóa thông thường. Trong khi đó các ấn phẩm trực tuyến ở Anh như sách, báo điện tử được miễn hoàn toàn thuế VAT.