Bất động sản

Giá đất Nhơn Trạch, Cần Giờ, Dĩ An "nhảy múa"

Tóm tắt:
  • Giá đất tại Dĩ An, Nhơn Trạch, Cần Giờ tăng mạnh do thông tin quy hoạch và sáp nhập tỉnh thành.
  • Nhơn Trạch ghi nhận giá đất tăng 20-30% trong hai tuần qua, một số lô tăng gấp đôi so với năm ngoái.
  • Tại Cần Giờ, giá đất thổ cư cũng tăng 20-30% so với đầu năm, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
  • Giao dịch chủ yếu là sang tay giữa nhà đầu tư, ít hợp đồng công chứng chính thức được thực hiện.
  • Các chuyên gia cảnh báo về rủi ro từ việc đầu tư theo tâm lý đám đông và thông tin chưa xác thực.

Tại huyện Nhơn Trạch, từ đầu tháng 3, một số nhà đầu tư và môi giới đổ về đây tìm mua đất. Nhiều khu đô thị từng bỏ hoang trong thời gian dài và các lô đất thổ cư, phân lô thuộc các xã, phường như Phú Hữu, Phước Khánh, Vĩnh Thanh, Phước An, Đại Phước... được môi giới rao bán và sang tay với giá tăng từng ngày. Chỉ riêng 2 tuần gần đây, giá đất nền Nhơn Trạch đã tăng 20-30%, một số lô thậm chí được rao giá cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Diễn biến tương tự với bất động sản huyện Cần Giờ (TP HCM), nơi có đề án xây cầu nối đến Bà Rịa - Vũng Tàu, tuyến cao tốc metro cùng hàng loạt khu đô thị, cảng biển quy mô lớn sắp triển khai trong năm nay. Theo đó, giá đất thổ cư khu vực xã Cần Thạnh, Bình Khánh hiện tăng 20-30% so với đầu năm và gần gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái. Nhiều môi giới nhà đất cho biết hiện nay với tài chính 5 tỷ đồng gần như không thể mua được đất tại đây. Trong khi cách đây nửa năm, khu vực này không thiếu sản phẩm 4-5 tỷ đồng.

Phía đối diện Cần Giờ là nhà đất Bà Rịa - Vũng Tàu, giá cũng đang tăng nhanh. Đất nền các huyện Phú Mỹ, Châu Đức, Long Điền... được rao bán với mức tăng 15-20% so với đầu năm. Còn thị trường Bình Dương không "sốt ảo" như Nhơn Trạch nhưng thông tin sẽ sáp nhập về TP HCM làm giá nhà đất khu vực Dĩ An, Thuận An, nơi tiếp giáp gần nhất với thành phố, tăng 5-10% chỉ trong 2 tuần qua.

Số liệu từ chuyên trang Batdongsan cũng cho thấy kể từ khi thông tin sáp nhập lan truyền, mức độ quan tâm tìm kiếm và giá bất động sản tăng đáng kể tại một số địa phương thuộc tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM.

Cụ thể, trong tháng 3, trung bình giá đất Nhơn Trạch đã tăng 48% so với cùng kỳ 2024, lượt tìm mua tăng 41% so với đầu năm. Còn giá đất huyện Cần Giờ tăng 107% so với cùng kỳ, nhu cầu tìm mua cũng tăng 55%. Trong khi đó, giá đất huyện Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) tăng 185%, Châu Đức tăng 137%, Long Điền, Xuyên Mộc tăng từ 15-30% so với cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu mua cũng tăng trung bình 20-30%. TP Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) hiện giá nhà đất tăng 6-14%, nhu cầu mua tăng 23-26%.

Khu vực thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ và vùng biển xung quanh. Ảnh: Quỳnh Trần

DKRA Group cũng thông tin, trong tháng 3, giá đất Nhơn Trạch tăng 20-30%, thậm chí nhiều dự án tăng 50% so với đầu năm. Khu vực huyện Cần Giờ, các xã Bình Khánh, Cần Thạnh cũng có giá nhà đất tăng gần gấp đôi. Diễn biến tương tự đang diễn ra với một số thị trường giáp ranh được đồn đoán sắp sáp nhập về TP HCM.

Giá tăng cao, nhưng theo ghi nhận của VnExpress cho thấy trên thực tế, giao dịch mua bán đất Nhơn Trạch, Long Thành, Phú Mỹ... trong mấy tuần qua chủ yếu là "chiêu trò" sang tay qua lại giữa nhà đầu tư với nhau, cò đất tiếp tay thổi giá. Phần nhiều giao dịch dừng lại ở việc xuống tiền cọc giữ đất, lượng giao dịch công chứng hợp đồng mua bán chính thức không nhiều.

Lãnh đạo một sàn môi giới tại Nhơn Trạch cũng cho biết có những lô đất được sang tay qua 4-5 nhà đầu tư chỉ trong 2 tuần, mỗi lần sang tay giá lại tăng 10%. Trên thực tế, việc mua bán không qua hợp đồng công chứng sang tên mà chỉ lướt cọc. Tương tự, một số khu đô thị hoang phế nhiều năm đột nhiên sốt nóng, giao dịch hàng chục lô đất mỗi ngày nhưng không thấy hợp đồng nào được công chứng, toàn làm giấy tay sang nhượng lại.

Ông Bách, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm cho hay tại Vũng Tàu, những người có đất đẹp không ai rao bán lúc này, họ đều muốn giữ tài sản để chờ thị trường thực sự tốt lên. Chỉ có một số khu vực, nhà đầu tư và cò đất sang tay qua lại để đẩy giá, đẩy giao dịch lên cao.

Nhìn nhận diễn biến trên, các chuyên gia cho rằng thông tin về việc sáp nhập TP HCM với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và thậm chí gồm cả huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), cùng hàng loạt dự án hạ tầng lớn được đẩy mạnh triển khai, đã tạo sự quan tâm lớn trên thị trường bất động sản phía Nam thời gian qua. Lợi dụng tâm lý FOMO (Fear of Missing Out - sợ bỏ lỡ cơ hội) và giai đoạn thông tin còn mập mờ, chưa xác thực, các môi giới, đầu nậu, đầu cơ đất đua nhau kích giá, thu hút người mua.

Ông Đinh Tiến Dũng, Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư Gia Hòa, nhìn nhận động thái "nóng sốt" bất động sản gần đây ít nhiều có sự tiếp tay của các nhóm đầu cơ, đầu nậu và cò đất. Thực tế, chỉ một số ít giao dịch thật được thực hiện, còn lại đa phần vẫn là cò đất và nhà đầu tư sang tay qua lại tạo hiệu ứng "sốt" đất. "Cơn sốt nóng hiện nay là "cuộc chơi" của giới đầu cơ, đầu nậu nhà đất", ông Dũng nhìn nhận.

Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, nói đợt tăng giá "nóng" nhà đất phía Nam lần này mang nặng yếu tố tâm lý, được kích thích bởi những nhóm đầu cơ và cò đất có sẵn hàng, hơn là phản ánh giá trị thực của bất động sản.

Ông Tuấn cảnh báo đợt tăng giá đột ngột này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các thông tin về việc sáp nhập tỉnh, thành phố hiện đều ở dạng tin đồn lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội, chưa có phương án chính thức và tiến trình sáp nhập cụ thể. Việc thay đổi về mặt hành chính khả năng các địa phương sẽ phải thực hiện điều chỉnh các quy hoạch sẵn có hoặc bổ sung các quy hoạch mới.

Do đó, những lô đất được đánh giá có giá trị cao tại thời điểm này chưa chắc sẽ giữ giá trị sau khi sáp nhập. Ngoài ra, dù sáp nhập, giá trị bất động sản vẫn cần có yếu tố cơ sở hạ tầng và định hướng mới tăng bền vững. Các khu vực sáp nhập nhưng không có nhu cầu mua đất để ở, kinh doanh thì cũng chỉ tăng ảo.

Ông Tuấn khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng với quyết định gom đất chờ thời. Quỹ đất trên các tỉnh thành không thiếu, nhất là sau khi sáp nhập. Chỉ nguồn cung tại Hà Nội và TP HCM mới không đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, người dân cần cảnh giác, đừng nghe theo các đầu nậu, cò đất thổi giá.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group, nhận định không thể phủ nhận rằng việc sáp nhập tỉnh thành sẽ mở ra tiềm năng kinh tế cho nhiều địa phương giáp ranh được sáp nhập vào các thành phố lớn. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, tại các địa phương là những tỉnh lỵ lâu đời, có thể phần nào bị mất đi sức hút vốn có sau khi địa giới hành chính được mở rộng, giảm bớt đi sự khan hiếm về quỹ đất.

"Người dân cần theo dõi biến động quy hoạch, đánh giá tiềm năng thực tế và tránh đầu tư theo tâm lý đám đông, đặc biệt tình trạng thổi giá của cò đất, môi giới", một chuyên gia khuyên.

Các tin khác

Miền Bắc tăng nhiệt mạnh

Hôm nay (2/4), miền Bắc chỉ còn rét về đêm và sáng, trưa chiều hửng nắng, ấm áp, nhiệt độ cao nhất khoảng 24-27 độ. Trong hai ngày 3-4/4, nền nhiệt tiếp tục tăng ở miền Bắc. Các khu vực khác hôm nay ít mưa, riêng Nam Bộ có mưa dông trái mùa.

Dự án khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ hiện ra sao?

Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đang bị chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt việc thiếu cát san lấp, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thi công khu tái định cư và hai tuyến đường kết nối.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay (31/3), miền Bắc vẫn đang trong đỉnh điểm đợt rét lần này với nhiệt độ thấp nhất chỉ từ 12-15 độ, cao nhất 17-20 độ. Dự báo ngày mai, trời tiếp tục rét với nền nhiệt tương đương hôm nay. Từ 2/4, nhiệt độ cao nhất lên khoảng 23 độ. Từ 3/4, trời ấm dần, trưa chiều có nắng nhẹ.

Giá vàng tăng không ngừng

Sáng nay (30/3),giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh. Cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều tiến sát mốc 101 triệu đồng/lượng.

Miền Bắc rét đỉnh điểm

Hôm nay (30/3) là đỉnh điểm đợt rét đang diễn ra ở miền Bắc với nhiệt độ xuống thấp nhất chỉ từ 12-15 độ, vùng núi cao dưới 10 độ. Khu vực từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi hôm nay có mưa rào rải rác, riêng Thanh Hoá đến Huế trời rét. Nam Bộ giảm nhiệt nhẹ sau chuỗi ngày nắng nóng.

Nút giao 3 tầng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dự kiến về đích sớm

Sau hơn một năm thi công, nút giao Phú Thứ trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ thông xe sớm hơn dự kiến 4 tháng. Cùng với tăng kết nối giữa cao tốc Bắc Nam và đường địa phương (Hà Nam), đây còn là nút giao 3 tầng đầu tiên trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có nhiệm vụ kết nối với cả đường vành đai 5 sắp hình thành.

Dự án 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên: "Không để sát nút mới chạy, can thiệp chỗ này chỗ kia"

Cho rằng dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên đáp ứng tiến độ hoàn thành trước 31/8 theo chỉ đạo của Thủ tướng là thách thức rất lớn, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ. "Các đơn vị không để sát nút thời gian mới chạy và khi cần vật tư, nguyên liệu thì mới can thiệp chỗ này, chỗ kia”, ông Diên nói.