Doanh nghiệp

FPT lao dốc, lãnh đạo khẳng định ‘không có ý định tác động đến giá cổ phiếu’

Tóm tắt:
  • FPT đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 20% năm 2025, không nhằm tác động giá cổ phiếu, và phát hành ESOP với tỷ lệ 1%.
  • Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 10 năm, tỷ suất sinh lời ESOP giữ 10%, lãnh đạo không muốn tác động giá cổ phiếu.
  • Doanh thu dự kiến đạt 75.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, cổ tức 20% tiền mặt cho năm 2024 và 2025.
  • Cổ phiếu FPT giảm 30% từ đỉnh, áp lực bán từ khối ngoại mạnh, room ngoại hiện còn trống 7% vốn điều lệ.
  • Quỹ Pyn Elite đã thoái vốn do lo ngại định giá quá cao và rủi ro ngắn hạn từ cạnh tranh và chính sách tiền tệ quốc tế.

Năm 2025, Công ty cổ phần FPT (Mã: FPT) dự kiến phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) giai đoạn 2026–2030, với tỷ lệ tối đa 1% tổng số cổ phiếu lưu hành trong vòng 5 năm. Các cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 10 năm.

Tại đại hội, một cổ đông đề xuất nâng mức tỷ suất sinh lời cổ đông (TSR) trong công thức tính ESOP từ 10% lên 15%, do TSR của FPT trong 5 năm qua lên tới hơn 40%. Đại diện FPT – ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng Giám đốc – cho biết mức 10% không phải là mục tiêu lợi nhuận để ban lãnh đạo được hưởng ESOP.

“Giá cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chúng tôi không có ý định tác động đến giá cổ phiếu. Chúng tôi sẽ đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận và xây dựng mối quan hệ cổ đông tốt nhất thị trường. Hy vọng hai yếu tố này sẽ tác động tích cực đến giá cổ phiếu FPT”, ông Phương nói.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, nhận định năm 2025 là giai đoạn đầy biến động khi những chính sách thuế quan có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi các thay đổi chính sách nhanh chóng khiến doanh nghiệp khó xoay trở. Tuy nhiên, ông nhìn nhận đây cũng là cơ hội khi Việt Nam đang hướng đến kỷ nguyên phát triển mới.

“Trong quá khứ, chúng ta từng đối mặt với những thách thức tưởng chừng không vượt qua được, nhưng vẫn làm được. Lần này cũng vậy. Chúng ta sẽ vươn lên bằng Khoa học – Công nghệ – Đổi mới sáng tạo – Chuyển đổi số. Với sức mạnh công nghệ, Việt Nam có thể sở hữu những tổ chức cạnh tranh nhất thế giới”, ông Bình chia sẻ.

Lãnh đạo FPT cho biết trong bối cảnh toàn cầu bất định, mục tiêu tăng trưởng 20% là một thách thức, nhưng đó là kỷ luật mà tập đoàn đặt ra. “Câu chuyện năm nay là phải ứng biến linh hoạt. Trong mọi hoàn cảnh phải tận dụng tối đa mọi cơ hội để đạt mục tiêu tăng trưởng 20%. Không chỉ cho năm nay mà còn tạo đà cho những năm tiếp theo”, ông Bình nói.

Theo kế hoạch, năm 2025 FPT đặt mục tiêu doanh thu 75.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 21% so với năm trước. Nếu hoàn thành, đây sẽ là năm thứ 7 FPT duy trì tăng trưởng lợi nhuận và năm thứ 5 liên tiếp giữ mức tăng trên 20%.

 Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 của FPT. (Ảnh: FPT).

Về phương án phân phối lợi nhuận, FPT dự kiến chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% (tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu). Trước đó, công ty đã tạm ứng 10% và phần còn lại dự kiến chi trả trong quý II năm nay sau khi được đại hội cổ đông thông qua.

Ngoài ra, FPT sẽ phát hành hơn 222 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 20:3 (sở hữu 20 cổ phiếu nhận thêm 3 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất. Sau phát hành, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 14.711 tỷ đồng lên 16.933 tỷ đồng, kế hoạch triển khai trong quý III năm nay.

Đối với năm 2025, FPT tiếp tục đề xuất chia cổ tức tiền mặt ở mức 20% (2.000 đồng/cổ phiếu).

Áp lực bán mạnh, cổ phiếu FPT mất 30% từ đỉnh

Dù kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng, cổ phiếu FPT vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục. Tại 14h26 phiên giao dịch ngày 16/4, cổ phiếu FPT giảm sàn (trắng bên mua) về 107.900 đồng/cp - thấp hơn 30% so với đỉnh 154.300 đồng/cổ phiếu thiết lập hồi cuối tháng 1. 

Áp lực bán mạnh tiếp tục đến từ khối ngoại. Chỉ trong quý I, FPT bị bán ròng gần 6.900 tỷ đồng và xu hướng này vẫn chưa dừng lại. Hiện room ngoại đang “hở” khoảng 103-104 triệu đơn vị, tương đương 7% vốn điều lệ – mức hiếm thấy nếu so với giai đoạn 1 năm trước, khi room ngoại gần như luôn được lấp đầy nhanh chóng sau các nhịp “hở” ra.

 Diễn biến cổ phiếu FPT từ 2024 đến 14h26 phiên 16/4. (Biểu đồ: TradingView).

Những rủi ro tiềm ẩn

Một trong những nhà đầu tư tổ chức lớn từng nắm giữ FPT là Pyn Elite Fund đã tiến hành thoái vốn trong quý I năm nay. Trong thư gửi nhà đầu tư cuối tháng 3, ông Petri Deryng – nhà điều hành quỹ – cho biết đã chốt lời toàn bộ các vị thế tại FPT (và cả CMC – Mã: CMG), sau giai đoạn cổ phiếu tăng trưởng mạnh. Ông cho rằng mức định giá hiện tại đã phản ánh quá nhiều kỳ vọng so với tiềm năng tăng trưởng thực tế.

“Lịch sử thị trường chứng khoán thế giới từ năm 2000 cho thấy, khi một nhóm ngành được định giá vượt xa giá trị nội tại, sự điều chỉnh là không thể tránh khỏi”, ông Petri cảnh báo, đồng thời so sánh đà tăng nóng của cổ phiếu công nghệ hiện tại với bong bóng dot-com – thời điểm chỉ số Nasdaq từng lao dốc 78% sau khi đạt đỉnh.

Pyn Elite đánh giá, dù doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vẫn giữ triển vọng tích cực trong dài hạn nhờ làn sóng chuyển đổi số, nhưng trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu này đối mặt với không ít thách thức. Cạnh tranh gay gắt hơn, chi phí nghiên cứu phát triển (R&D) cao, cùng bất ổn kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ thắt chặt từ Fed có thể ảnh hưởng đến dòng vốn vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ.

Tại báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán SHS cho biết cổ phiếu FPT đã có nhịp tăng mạnh vượt trội so với chỉ số VN-Index kể từ đầu năm 2024, nhờ hưởng lợi từ xu hướng toàn cầu đầu tư vào cổ phiếu công nghệ.

Tuy nhiên, sau khi lập đỉnh lịch sử 154.300 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 1/2025 (+83,6% so với đầu năm 2024), cổ phiếu FPT đang trong giai đoạn điều chỉnh do áp lực chốt lời và tác động của chính sách thuế từ Mỹ.

SHS đánh giá, mảng dịch vụ công nghệ thông tin quốc tế vẫn sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của FPT, dù có thể bị ảnh hưởng gián tiếp từ các biện pháp thuế đối ứng gần đây. Trong thực tế, hoạt động của FPT ít bị tác động trực tiếp bởi các chính sách này do tập trung cung ứng dịch vụ thông qua công ty con bản địa như Intellinet, Intertec, và đối tượng áp thuế chủ yếu là hàng hóa.

FPT cũng được kỳ vọng sẽ tận dụng lợi thế dẫn đầu tại thị trường trong nước, đặc biệt khi khoa học công nghệ đang được xác định là lĩnh vực mũi nhọn và được Chính phủ hỗ trợ thông qua nhiều chính sách. Tình hình tài chính lành mạnh, lượng tiền mặt dồi dào, nợ vay thấp và chính sách cổ tức đều đặn cũng là điểm cộng trong mắt nhà đầu tư.

 Biến động giá và định giá FPT (Nguồn: SHS).

Các tin khác

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Được gỡ cơ chế, điện mặt trời mái nhà sẽ tăng mạnh thời gian tới

Theo Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, điện mặt trời mái nhà là xu hướng và sẽ phát triển rất nhanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới do hàng hoá của các doanh nghiệp xuất khẩu khi dùng điện mặt trời mái nhà sẽ được công nhận chứng chỉ xanh khi vào các thị trường có yêu cầu cao trong bối cảnh giá điện ngày càng tăng.

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Giá vàng tăng dữ dội, điều gì đang xảy ra?

Vào lúc 14h chiều nay (16/4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh lên mốc kỷ lục mới là 114,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước hiện cao hơn vàng thế giới hơn 11 triệu đồng/lượng, đây là mức giá chênh cao nhất từ cuối năm 2024 đến nay.

Người bán đô la Mỹ tạm nghỉ, bảng Anh bất ngờ tăng mạnh

Sau nhiều tuần bị bán tháo, đồng đô la Mỹ (USD) đã có dấu hiệu ổn định trở lại khi các nhà đầu tư “nghỉ tay” để chờ tín hiệu mới từ đàm phán thương mại Mỹ và dữ liệu kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, bảng Anh gây bất ngờ khi vươn lên mức cao nhất trong 6 tháng, nhờ triển vọng tích cực từ một thỏa thuận thương mại với Mỹ.