Xã hội

EuroCham: Việt Nam có "át chủ bài" ứng phó biến động thương mại

Tóm tắt:
  • EuroCham nhấn mạnh Việt Nam có nhiều lợi thế để ứng phó với biến động thương mại toàn cầu.
  • Sách Trắng 2025 chỉ ra áp lực lớn từ chính sách thuế và địa chính trị lên nền kinh tế xuất khẩu.
  • Việt Nam cần cải thiện chính sách để kích hoạt các lợi thế, như chính sách thị thực và hạ tầng.
  • Đại sứ EU khuyến nghị khai thác Hiệp định EVFTA để đa dạng hóa thương mại và mở khóa tiềm năng kinh tế.
  • Cải thiện chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc xuất khẩu là cần thiết để phát triển bền vững.

Nhận định được nêu trong "Sách Trắng 2025" do Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố hôm 11/4. Trong ấn phẩm, Hiệp hội đánh giá thế giới đang vào thời điểm mang tính then chốt.

Theo đó, những thay đổi liên tục trong chính sách thuế đối ứng từ Mỹ và tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp khiến nền kinh tế nặng về xuất khẩu như Việt đang chịu áp lực lớn hơn bao giờ hết.

Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert dự báo nguy cơ các mức thuế quan khắt khe có thể được áp dụng trong thời gian tới. "Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng Việt Nam sở hữu những quân át chủ bài mà không quốc gia nào khác có", ông tuyên bố.

Chúng bao gồm: vị trí địa lý trọng yếu, trữ lượng khoáng sản đất hiếm dồi dào, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lượng lao động năng động và một Chính phủ cam kết hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert phát biểu lại lễ công bố Sách trắng 2025 tại Hà Nội hôm 11/4. (Ảnh: EuroCham).

Theo ông Bruno, thay vì chi phối bởi ngoại lực, chính khả năng nội tại trong việc thích ứng, thu hút đầu tư và duy trì tăng trưởng bền vững mới là yếu tố quyết định quỹ đạo dài hạn của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Để kích hoạt các "át chủ bài", Sách Trắng 2025 của EuroCham đề xuất khung sáng kiến liên ngành, xoay quanh 5 "ưu tiên chiến lược" cần cải thiện để cải thiện môi trường kinh doanh, gồm: chính sách thị thực; thủ tục nhập cảnh và hạ tầng sân bay; giấy phép lao động; hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT); thủ tục hải quan.

Theo khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý I của EuroCham, 37% doanh nghiệp xem phát triển cơ sở hạ tầng cần ưu tiên hàng đầu; 29% kỳ vọng tinh giản thủ tục hành chính; 24% muốn nới lỏng quy trình cấp thị thực và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; 21% mong luật pháp minh bạch.

Song song đó, EuroCham khuyến nghị Việt Nam tận dụng tối đa vị thế cửa ngõ chiến lược kết nối giữa Liên minh châu Âu và khu vực ASEAN. Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier nói khối này quyết tâm hợp tác với Việt Nam cùng ứng phó với thực tế mới của nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông, Việt Nam nên tiếp tục đa dạng hóa thương mại, cùng EU khai thác thêm cơ hội trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Năm ngoái, châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ 2023, theo Cục Hải quan.

Sau 4 năm thực thi EVFTA, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương tăng 12-15% mỗi năm. "Chúng ta cần khai thác tối đa hiệp định này để mở khóa toàn bộ tiềm năng mà nó mang lại", Đại sứ Julien Guerrier nói.

Mặt khác, để hạn chế các tác động tiềm tàng từ thuế đối ứng của Mỹ, Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert khuyến nghị Việt nam cải thiện năng lực chuỗi cung ứng. "Nếu trừ kim ngạch xuất khẩu cho kim ngạch nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc thì giá trị còn lại khá ít. Vấn đề của Việt Nam là phải nâng năng lực tự chủ, đa dạng đầu vào", ông Bruno nói.

Ông Nguyễn Lương Hiền, Phó tổng Giám đốc phụ trách Tư vấn chiến lược - Tư vấn thương vụ của PwC Việt Nam cho rằng về dài hạn nên bớt phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa kinh tế trong nước, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng.

Đồng tình, Đại sứ Julien Guerrier khuyên Việt Nam nên dùng đòn bẩy thị trường nội địa, thông qua năng lực tiêu thụ bởi các dự án mua sắm, đầu tư công và khu vực tư nhân. Theo ông, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam hay Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là những động lực mang lại hy vọng.

Các tin khác

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/4), miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng, trưa chiều nắng ấm. Từ 16/4, nền nhiệt tăng mạnh. Từ 18/4, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai ngày 14-15/4 có mưa dông rải rác vào chiều tối.

Nhiều doanh nghiệp bị hủy đơn hàng do áp lực thuế quan Mỹ

Thủ phủ công nghiệp tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề vì chính sách thuế quan từ Mỹ. Hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) bị hủy đơn hàng. Trong bối cảnh này, Bình Dương đã có động thái hỗ trợ DN với hy vọng ổn định tình hình.

Thông tin mới về gió mùa đông bắc

Sáng 13/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng tới hầu hết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một phần Trung Trung Bộ, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo hôm nay sẽ là ngày rét nhất trong đợt gió mùa đông bắc này. Mưa lớn giảm dần ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.