Hơn 10 năm về trước, một doanh nhân họ Lâm, 54 tuổi quyết định nghỉ hưu, rời thành phố Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) và trở về quê nhà Hsinchu để an hưởng tuổi già. Sau một thời gian khảo sát, cuối cùng, ông chọn ngọn đồi ở ngoại ô Tân Trúc là nơi để xây nhà, cùng con cháu quây quần, sum họp.
Phải mất vài năm để vị doanh nhân này mua lại những mảnh đất nhỏ ở đây. Khi diện tích đã lên tới 30.000m2, ông nhờ người bạn thân của con trai là KTS Liu Guan Hong cùng ông thiết kế ngôi nhà mơ ước cho cuộc đời mình. Thay vì chọn vị trí có tầm nhìn đẹp nhất ở trên đỉnh núi, ông Lâm muốn ngôi nhà của mình được xây dựng ở tầng thấp hơn dưới chân đồi để có thể hòa mình với thiên nhiên cũng như tiện cho việc di chuyển.
Theo KTS thực hiện, ngôi nhà được lấy cảm hứng từ hình ảnh cây tre. Anh đã thiết kế nó theo phong cách hiện đại và "không có mái" để gia chủ gần gũi hơn với thiên nhiên yên bình ở đây. Bất ngờ hơn, sau khi hoàn thành, ngôi nhà được giải Vàng trong cuộc thi thiết kế nội thất ở Đài Loan.
Theo đó, ngôi nhà được thiết kế theo bề ngang với các hình khối rất đơn giản, chia làm 4 phần giống như biểu tượng của tre mọc trên sườn đồi và sử dụng bê tông cốt thép làm vật liệu chính. Phần đầu tiên hướng ra bên ngoài thung lũng, hơi nghiêng theo sườn đồi. Phần thứ hai nằm dưới chân núi. Đuôi phần thứ 3 lại được kết nối với núi đồi phía sau. Phần thứ 4 được nâng lên với các không gian độc lập với toàn bộ đồi.
Bốn tòa nhà này có chức năng sinh hoạt khác nhau. Chúng độc lập nhưng được kết nối với nhau tạo thành một tổng thể hài hòa. Tòa nhà đầu tiên là không gian sống của các con cháu gia chủ. Ngôi nhà có phần đuôi được thiết kế như cầu trượt dốc, khi nhìn lên còn có thể ngắm nhìn bầu trời tươi.
Tòa nhà thứ hai rất gần với bãi đậu xe ở tầng một, cách đó vài bước chân là không gian dành cho khách, có lối đi riêng. Cuối phòng khách có một bồn tắm lớn và ngay bên cạnh là một giếng trời nhỏ, giúp mọi người có thể vừa ngâm mình trong nước ấm vừa tận hưởng thiên nhiên bên ngoài. Mái của tòa nhà thứ hai có không gian rất đặc biệt, nơi mọi người tụ tập, ăn tối và trò chuyện với nhau.
Tòa nhà thứ ba là tòa nhà lớn nhất, rộng nhất và cao nhất. Công năng là phòng khách, bếp, phòng ăn, phòng vui chơi trẻ em. Đặc biệt, có một hầm rượu kéo dài vào trong núi. Đây là nơi ông Lâm cất giữ những vò rượu quý của mình. Tòa nhà cuối cùng nằm ôm mình bên núi, bị ngăn bởi tòa nhà thứ ba tạo nên một không gian riêng tư và vô cùng yên tĩnh. Đây cũng chính là không gian riêng của gia chủ, gồm phòng ngủ, phòng tắm và phòng tập thể dục của ông Lâm.
Ngoài ra, có một "lối đi bí mật" từ hầm để xe đến căn phòng này để ông Lâm có thể di chuyển nhanh chóng đến không gian riêng tư của mình. Tất nhiên, lối đi bí mật này chỉ có ông Lâm giữ chìa khóa. Trong nhà cũng có những con đường dạo bộ nối liền giúp mọi người có thể không cần xuống sân, vòng quanh vườn vẫn có thể đến được các căn phòng trong cùng hệ thống.
Để tối đa hóa việc hòa mình và tận hưởng thiên nhiên xunh quanh, ngôi nhà sử dụng rất nhiều kính để làm tường. Những tấm kình này có thể ngăn tia cực tím và cản tầm nhìn từ bên ngoài vào bên trong. Những không gian nhiều nắng cũng có mành che di động giúp mọi người dễ dàng điều chỉnh ánh sáng khi cần.
Ngôi nhà này chính là kho báu của gia đình ông Lâm. Ban đầu nó chỉ là một mảnh đất hoang, dưới bàn tay của vị doanh nhân họ Lâm cùng gia đình, nó đã trở thành một nơi an dưỡng lý tưởng. Trước khi ngôi nhà được xây dựng, gia đình này còn tự tay khai hoang và trồng trọt nhiều loại cây yêu thích. Đến nay, gia chủ đã ngoài 60 tuổi và được sống giữa thiên nhiên cây cỏ. Cuộc sống bình yên đúng như ông mong đợi.
Chia sẻ về ngôi nhà đặc biệt này, KTS Guan Hong cho biết: "Tôi muốn giúp ông Lâm xây nên một ngôi nhà mà ông ý mong muốn. Ngôi nhà vừa phải tiện nghi hiện đại nhưng vẫn tạo được cảm giác ấm cúng và yên bình giữa thiên nhiên cây cỏ. Khi nhìn ngắm ngôi nhà này, nhiều người cho rằng ông Lâm chính là một ẩn sĩ, đang tận hưởng một cuộc sống như tiên cảnh ở vùng núi Tân Trúc."
Dù sống ở đây khá nhiều muỗi và côn trùng, song gia chủ cho biết đã học cách thích nghi với môi trường và muỗi trong nhiều năm qua. Sống hòa mình với thiên nhiên giúp ông Lâm nhận thức rõ hơn về con người của mình. Được ngắm nhìn những loài cây này chậm rãi lớn lên cũng trở thành thú vui cuối đời của ông.
(Theo Sohu)