Doanh nghiệp

Doanh nghiệp cũng gửi tiết kiệm chờ thời?

Doanh nghiệp gửi tiền ngân hàng cả tỉ USD

Báo cáo tài chính quý 1/2025 cho thấy hàng loạt công ty gia tăng tiền gửi trong các ngân hàng (NH). Chẳng hạn, Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Viettel gửi 39.600 tỉ đồng, tăng 3.000 tỉ đồng so với đầu năm. Tập đoàn xăng dầu VN - Petrolimex có lượng tiền gửi lên tới 30.400 tỉ đồng, tăng 400 tỉ đồng. Tổng công ty dầu VN - PV Oil cũng có lượng tiền mặt, tiền gửi NH và đầu tư tài chính đạt hơn 14.438 tỉ đồng. Tương tự, Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn gửi 37.266 tỉ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang gửi 11.300 tỉ đồng, chiếm 66% tổng tài sản; Công ty cổ phần sữa VN (Vinamilk) có lượng tiền mặt đạt 25.708 tỉ đồng, chiếm 47% tổng tài sản; Tập đoàn FPT cũng có lượng tiền mặt và tiền gửi đạt 30.623 tỉ đồng, giúp đơn vị thu về 350 tỉ đồng tiền lãi…

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty chứng khoán Yuanta VN, phân tích: Thông thường quý 1 mỗi năm, lượng hàng nhập khẩu tăng lên nên dòng tiền của doanh nghiệp (DN) ít khi nào thừa. Thế nhưng diễn biến năm nay hoàn toàn khác, các DN ít nhập hàng hơn trước bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động. Hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư cũng chậm lại hơn. Cho đến thời điểm này, câu chuyện thuế quan giữa Mỹ và các nước vẫn chưa ngã ngũ nên DN cũng tạm thời quan sát, chờ đợi chính sách chính thức. Các DN rơi vào thế phòng thủ. Đối với DN sản xuất, đơn hàng, thị trường không có nên mới dẫn đến dư thừa tiền mang đi gửi. Đó là lý do mặc dù lãi suất tiền gửi hiện nay đang ở mức thấp như thời điểm Covid-19 nhưng lượng tiền gửi vẫn trú ẩn vào NH.

Doanh nghiệp cũng gửi tiết kiệm chờ thời?- Ảnh 1.

Một số doanh nghiệp gửi tiền khủng vào ngân hàng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Theo ông Nguyễn Thế Minh, kinh tế trong và ngoài nước ngày nay thay đổi nhanh chóng, thời cơ đến nhanh nên cần có vốn để thực hiện khi cần. Chính vì vậy để dưới dạng tiền gửi thay vì đầu tư sẽ giúp DN xoay chuyển nhanh hơn. Bài học năm 2020 - 2021 khi các DN thừa tiền mang đi đầu tư chứng khoán. Nhưng bước sang năm 2022, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh dẫn đến thua lỗ. Rút kinh nghiệm nên năm nay, dòng tiền dư thừa từ DN vào NH, khi có nhu cầu sử dụng thì DN nhanh chóng đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hơn nữa thị trường bất động sản, chứng khoán không phải lúc nào cũng có thanh khoản tốt để dòng tiền này tham gia. 

"Ngoài ra, lượng tiền gửi khủng của các DN còn phụ thuộc vào kế hoạch đầu tư. Trong giai đoạn chưa thể triển khai kế hoạch tái đầu tư do điều kiện kinh tế chưa thuận lợi, gửi tiền vào NH là lựa chọn phổ biến của nhiều DN. Cũng như DN gửi tiền NH để chờ giải ngân chia cổ tức cho các cổ đông… Những khoản tiền gửi này dù sao cũng sinh lời ổn định dù không cao như hoạt động sản xuất kinh doanh hay đầu tư", ông Nguyễn Thế Minh cho hay.

Trong giai đoạn chưa thể triển khai kế hoạch tái đầu tư do điều kiện kinh tế chưa thuận lợi, gửi tiền vào NH là lựa chọn phổ biến của nhiều DN. Cũng như DN gửi tiền NH để chờ giải ngân chia cổ tức cho các cổ đông… Những khoản tiền gửi này dù sao cũng sinh lời ổn định dù không cao như hoạt động sản xuất kinh doanh hay đầu tư.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty chứng khoán Yuanta VN

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, đồng quan điểm, kết thúc quý 1, các DN cũng cần giữ một lượng tiền mặt để chi trả cổ tức cho các cổ đông, cũng như chờ đợi cơ hội đầu tư trong thời gian tới. Cơ hội theo ông Chí phân tích, là kết quả của các cuộc đàm phán thuế quan giữa Mỹ với các nước đang có những dấu hiệu tích cực. Vì thế trong vài tháng tới chính sách thuế quan rõ ràng hơn, lúc này các DN cũng sẽ mạnh dạn ký kết hợp đồng, sản xuất kinh doanh. Đối với thị trường trong nước, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân cũng sẽ mở ra một môi trường kinh doanh cải thiện hơn. "Dòng tiền gửi hiện đang nằm ở NH của các DN để chờ cơ hội chín muồi", ông Lê Đạt Chí dự đoán.

Vẫn khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra

Báo cáo kết quả khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của DN quý 1/2025 do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, hầu hết các DN sản xuất kinh doanh đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra. Về đầu ra, "nhu cầu thị trường trong nước thấp" và "tính cạnh tranh của hàng trong nước cao" là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 53,9% và 43,4%, tỷ lệ này cao hơn các quý trước đây. Riêng đối với DN xây dựng có 50,7% số DN gặp khó khăn do "không có hợp đồng xây dựng mới", tăng 6% so với quý 4/2024 và tăng 5,7% so với quý 3/2024. 

Đối với nhóm ngành dệt may, da giày, khó khăn lớn nhất của các DN là đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu thị trường thấp và lao động có tay nghề. Đối với nhóm ngành điện, điện tử, dù có sự phục hồi rất tích cực trong quý 1, tuy nhiên khó khăn lớn nhất của các DN vẫn đến từ nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế thấp, thiếu hụt lao động có kỹ năng, khó khăn về vốn và tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao… Còn theo Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), trong quý 1, các DN bị tác động tiêu cực khi nhu cầu tiêu dùng giảm, khó khăn khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, cũng như chưa có đơn hàng mới. Nhiều DN còn khó khăn trong tuyển dụng, giá thuê đất tăng và các khoản thuế phí cao. Hầu như các DN ghi nhận doanh thu tăng nhưng gần một nửa số này cho rằng lợi nhuận giảm do chi phí sản xuất cao.

Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cổ phần dược phẩm Mebipha, chia sẻ để thích ứng với tình hình hiện nay, DN có bao nhiêu vốn thì xài bấy nhiêu, không dám vay NH. Những DN nhỏ thu hồi dòng tiền thì trả nợ vay; còn những DN lớn hơn có dư thừa tiền thì gửi tiết kiệm. Bởi thuế đối ứng giữa Mỹ và VN chưa rõ ràng thì DN gần như chững lại để nghe ngóng là chủ yếu. 

"Cách đây hơn 1 tuần, chúng tôi có nhận được đề nghị cung cấp đơn hàng nguyên liệu cá rô phi. Thời gian nuôi cá rô phi mất từ 4 - 5 tháng nên việc xác định giá đầu vào của nguyên liệu như thế nào để tính giá thành là không đơn giản. Chỉ cần tính sai 1 - 2% cũng mất cả tiền lời. Do đó khi thuế suất chưa rõ ràng thì DN cũng chưa mạnh dạn tính toán. Việc mở rộng thị trường là thách thức không nhỏ trong bối cảnh nhiều nước cũng chịu ảnh hưởng từ biến động của thị trường Mỹ. Đối với chúng tôi thì dự án chăn nuôi gà đẻ Mebi Farm giai đoạn 1 chuẩn bị cho sản phẩm nên vẫn triển khai. Sau đó, công ty sẽ đầu tư phát triển giai đoạn 2, tăng đàn lên 1,2 triệu con. Công ty chúng tôi và các DN khác cũng đang tập trung tìm kiếm cơ hội ở thị trường nội địa. Nếu tận dụng hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, DN Việt có thể xuất khẩu sang các thị trường mới như Campuchia, Algeria hay Trung Đông", bà Lâm Thúy Ái nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA: Nghị quyết 68 nếu được triển khai đồng bộ sẽ giúp giảm đáng kể chi phí, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Bên cạnh đó, DN cần phân tích kỹ lưỡng lợi thế cạnh tranh của các quốc gia khác trong bối cảnh chính sách thuế quan thay đổi. HUBA kiến nghị ngành NH xem xét có chính sách hỗ trợ, giảm lãi suất cho các DN đang vay vốn phục vụ xuất khẩu, đặc biệt sang thị trường Mỹ.

Các tin khác

Thấy gì từ lãi suất vay mua nhà thấp chưa từng có?

Liên tiếp các ngân hàng đưa ra các gói vay lãi suất thấp cho người mua nhà. Hiện, mức lãi vay thấp nhất lịch sử, có ngân hàng chỉ từ 3,6%/năm. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính đưa ra cảnh báo người vay cần thận trọng với lãi suất thả nổi, tránh rơi vào "bẫy" lãi suất.

VN-Index vượt 1.300 điểm

3 phiên tăng liên tiếp giúp VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm sau khi đánh mất trong nhịp điều chỉnh mạnh vì biến động thuế quan cách đây một tháng.

Giá nhà mặt phố Hà Nội vượt 400 triệu đồng/m2

Giá nhà phố tại nhiều quận ở Hà Nội liên tục tăng, lên mức trung bình 437 triệu đồng/m2. Theo nhiều chuyên gia bất động sản, phân khúc nhà mặt phố có khả năng giữ dòng tiền tốt, an toàn trong bối cảnh thị trường bất động sản dần phục hồi.

Giá vàng trong nước "bỏ xa" thế giới

Sáng nay (14/5), giá vàng trong nước tăng. Giá vàng miếng trong nước cao hơn gần 18 triệu đồng/lượng so với thế giới, mức chênh của vàng nhẫn dao động 13-16 triệu đồng/lượng, tùy từng thương hiệu.

Miền Bắc sắp đón mưa dông

Chiều tối và đêm nay (14/5), miền Bắc và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Tây Nguyên, Nam Bộ tiếp tục mưa dông vào chiều tối nay. Các khu vực khác ngày nắng, ít mưa.

Kiểm soát khí thải xe máy thế nào?

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở VN.

"Cao tốc" cho kinh tế tư nhân

TP - Nghị quyết 68 -NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được xem như bước ngoặt, mở “đường cao tốc” cho kinh tế tư nhân tiến lên. Nghị quyết này được đánh giá là động lực lớn để người dân khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Rối loạn cờ bạc có thể khiến người trẻ tự sát

TP - Gần 1% dân số mắc rối loạn cờ bạc, nam giới nhiều gấp ba lần nữ. Dù mang lại hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, tài chính và đời sống, phần lớn người bệnh chỉ đến viện khi đã rơi vào khủng hoảng nặng nề.