Data Talk | The Catalyst với chủ đề: So găng VPBank & Techcombank: Bộ đôi ngân hàng tư nhân tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
Nội dung chính:
- Phân tích đặc điểm chiến lược, khách hàng mục tiêu và mô hình vận hành của Techcombank & VPBank.
- Đánh giá sức khỏe tài chính: tăng trưởng tín dụng, biên lãi ròng, chất lượng tài sản, hiệu quả sinh lời.
- Định giá cổ phiếu và cơ hội đầu tư trong năm 2025.

Khách mời & Diễn giả:
- Ông Lê Hoài Ân, CFA, Chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngân hàng.
- Ông Nguyễn Thanh Sơn, Wealth Manager, Khối khách hàng cá nhân, Chứng khoán HSC.
- Host: Ông Nguyễn Tấn Toàn – Trưởng phòng Khách hàng Trực tuyến, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt.
Chiến lược ngách tạo nên quy mô và thị phần của Techcombank - VPBank
Theo chuyên gia Lê Hoài Ân, mỗi ngân hàng có thể lựa chọn nhiều phân khúc khách hàng – từ doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, đến cá nhân thuộc các tầng lớp thu nhập khác nhau nhưng hầu hết ngân hàng tư nhân sẽ chọn một ngách mà họ làm tốt nhất, thay vì dàn trải trên tất cả phân khúc – điều đó dễ khiến ngân hàng yếu ở mọi mặt.
Quay về thời điểm năm 2010, Techcombank và VPBank khi đó đều là ngân hàng quy mô nhỏ, ít được nhắc tới so với các cái tên như Eximbank hay SCB – vốn là các ngân hàng dưới nhóm Big4 nhưng họ đã bứt phá bằng cách chọn chiến lược ngách rất rõ ràng.
Techcombank tập trung vào phân khúc doanh nghiệp lớn và khách hàng cá nhân có thu nhập cao; VPBank tập trung vào doanh nghiệp vừa, nhỏ và khách hàng đại chúng, thậm chí cả phân khúc dưới đại chúng
Trước năm 2015, một người có thu nhập 10 triệu/tháng hầu như không thể vay ngân hàng, chỉ có thể tìm đến tín dụng đen – rất rủi ro cho xã hội. Lúc đó, các mô hình tài chính tiêu dùng như FE Credit, Home Credit, HDSaison bắt đầu phát triển.
VPBank đi tiên phong phục vụ nhóm khách hàng này – một phân khúc cực lớn nhưng rủi ro cao. Trong khi đó, Techcombank đi theo hướng ngược lại: chọn phân khúc cao cấp – nhỏ hơn về quy mô nhưng cũng thách thức riêng.
Dĩ nhiên, việc tập trung như vậy cũng mang lại rủi ro: Với Techcombank, tập trung vào một nhóm khách hàng có thể vi phạm nguyên tắc đa dạng hóa danh mục. Với VPBank, tập trung vào phân khúc dưới kéo theo rủi ro tín nhiệm.
Vì vậy, để kiểm soát rủi ro mô hình, họ chọn đòn bẩy tài chính thấp hơn mặt bằng chung. Đây là điểm rất quan trọng khi phân tích hai ngân hàng này.
Đòn bẩy thấp không có nghĩa là an toàn tuyệt đối – bởi tài sản họ cho vay có hệ số rủi ro cao. Ví dụ: Techcombank cho vay nhiều vào bất động sản và doanh nghiệp lớn, chiếm khoảng 35–40% danh mục – đây là nhóm có hệ số rủi ro cao. VPBank phục vụ phân khúc khách hàng có mức tín nhiệm thấp hơn.
Nếu quy đổi theo tài sản rủi ro (RWA), tỷ lệ RWA/tổng tài sản của Techcombank và VPBank đều thuộc nhóm cao nhất thị trường. Do đó, để cân bằng, họ buộc phải giữ đòn bẩy thấp hơn trung bình.
Điểm quan trọng thứ hai là đầu tư vào công nghệ. Trong top 10 ngân hàng đầu tư mạnh cho công nghệ, Techcombank là cái tên nổi bật nhất. Dù quy mô tổng tài sản chỉ bằng một nửa Big4, nhưng chi phí đầu tư công nghệ của họ cao gấp đôi Big4.
Nếu tính tỷ lệ chi phí công nghệ trên tổng tài sản, Techcombank cao gấp 4 lần các ngân hàng quốc doanh. MB cũng là ngân hàng tư nhân tiên phong nhờ lợi thế từ Viettel. VPBank cũng được đánh giá là ngân hàng chuyển đổi số rất mạnh.
Tại sao họ đầu tư mạnh vào công nghệ? Bởi vì mô hình kinh doanh đòi hỏi điều đó.
Techcombank phục vụ khách hàng cao cấp, cần hiểu rõ nhu cầu, quản lý dòng tiền của cả hệ sinh thái doanh nghiệp liên quan. VPBank phục vụ hàng chục triệu khách hàng đại chúng, mỗi khoản vay nhỏ, đòi hỏi công nghệ xử lý nhanh – từ KYC đến phê duyệt tự động.
Công nghệ giúp hai ngân hàng này tạo được lợi thế cạnh tranh về hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng.
Điểm thứ ba đáng chú ý là định hướng trở thành tập đoàn tài chính đa năng – xu hướng chung của ngành. Dưới mỗi ngân hàng sẽ có công ty con về chứng khoán, quỹ, bảo hiểm... Nhưng thông thường, các mảng này không đóng góp nhiều lợi nhuận.
Trường hợp của Techcombank là ngoại lệ, khi TCBS – công ty chứng khoán – đóng góp tới 20% lợi nhuận cho ngân hàng mẹ (tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng trên tổng 20.000 tỷ lợi nhuận năm gần nhất). Trong khi đó, VPBank có công ty chứng khoán VPBankS, nhưng đóng góp chưa đáng kể. Ngược lại, VPBank có FE Credit – công ty tài chính tiêu dùng – từng chiếm khoảng 25% lợi nhuận hợp nhất.
Hai công ty con này ảnh hưởng rất lớn đến định giá cổ phiếu ngân hàng mẹ. Khi phân tích Techcombank hay VPBank, nhà đầu tư thường phải đánh giá cả TCBS và FE Credit.
FE Credit từng phát triển mạnh trong giai đoạn 2015–2020, với mô hình cho vay tiền mặt trực tiếp – khác với các đối thủ như Home Credit (chủ yếu tài trợ mua sắm hàng hóa). Nhờ đó, họ có biên lợi nhuận rất cao – lãi suất cho vay trung bình lên tới 40%, trong khi chi phí vốn chỉ khoảng 10–11%. Năm 2021, FE Credit từng được định giá hơn 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, sau đó dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng đến phân khúc khách hàng thu nhập thấp. Nợ xấu tăng mạnh, dự phòng lớn, hoạt động sa sút. Giai đoạn 2022–2023, FE Credit chịu nhiều tổn thất. Đến năm 2024 mới bắt đầu hòa vốn và năm 2025 có dấu hiệu phục hồi. Do đó, triển vọng của VPBank hiện nay cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của FE Credit.
Về TCBS, có một số điểm nổi bật là tăng thị phần rất nhanh, đặc biệt là ở mảng trái phiếu doanh nghiệp (bảo lãnh, phân phối); Có công ty quản lý quỹ TCBF vận hành hiệu quả, đóng góp tốt cho hệ sinh thái; TCBS đang lên kế hoạch IPO với định giá khoảng 5 tỷ USD – con số gây tranh cãi nhưng có lý do.
Bởi trong khi thị trường chứng khoán biến động mạnh trong nhiều năm gần đây, TCBS vẫn âm thầm gia tăng thị phần. Họ cũng đầu tư công nghệ bài bản và có lợi thế đặc biệt: là công ty chứng khoán có ngân hàng mẹ mạnh về vốn, giúp họ chiếm ưu thế ở mảng cho vay margin – điều mà các công ty chứng khoán độc lập rất ngại.
Vốn hoá dẫn đầu nhóm tư nhân: Giá TCB tăng gấp đôi, VPB đi ngang
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, hai cổ phiếuTechcombank (TCB) và VPBank (VPB) đều thuộc nhóm "under Big4" - những ngân hàng tiệm cận ngân hàng quốc doanh về quy mô vốn chủ sở hữu và tổng tài sản. Về vốn hóa, cả TCB và VPB hiện nằm trong nhóm dẫn đầu ngành ngân hàng tư nhân. Xét toàn thị trường, hai mã này chỉ xếp sau các ngân hàng quốc doanh lớn về quy mô vốn hóa.
Diễn biến thị giá và mức sinh lời có sự khác biệt rõ nét giữa hai cổ phiếu. Trong ba năm gần nhất, cổ phiếu TCB ghi nhận mức tăng hơn 100%, cho thấy mức độ được thị trường ưa chuộng rõ rệt. Ngược lại, VPB gần như đi ngang, không có sự chuyển biến về giá.
Xét về dòng tiền tổ chức, xu hướng chung của ngành ngân hàng từ tháng 10/2024 đến nay là bị khối tổ chức bán ròng. VPBank cũng nằm trong nhóm chịu áp lực rút vốn từ nhà đầu tư tổ chức. Trong khi đó, Techcombank là một trong số ít ngân hàng vẫn duy trì được dòng tiền mua ròng từ khối này.
Động lực tăng trưởng khác nhau trong quý I/2025
Theo Chuyên gia Lê Hoài Ân, tổng thể ngành ngân hàng đang duy trì nền tảng tài chính ổn định, với tăng trưởng tín dụng tích cực và hiệu quả hoạt động được cải thiện rõ rệt tại nhiều nhà băng.
Trong bức tranh đó, Techcombank và VPBank là hai ví dụ điển hình cho hai chiến lược khác nhau – một bên là doanh nghiệp lớn với mô hình quản trị chặt chẽ, một bên là ngân hàng bán lẻ với kỳ vọng hồi phục tiêu dùng – cả hai đều đang dần lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn nhiều thách thức.
Techcombank và VPBank đều đạt mức tăng trưởng tín dụng khoảng 5%, cao hơn mức trung bình toàn ngành. Nhưng động lực tăng trưởng lại rất khác nhau – và đó cũng là lý do kết quả kinh doanh giữa hai ngân hàng này mang nhiều khác biệt.
Với VPBank, hai năm vừa qua thực sự không dễ dàng. Cổ phiếu của ngân hàng này gần như đi ngang, kém xa mặt bằng chung thị trường – nơi nhiều cổ phiếu ngân hàng khác mang lại mức sinh lời hấp dẫn.
Áp lực kinh tế lên nhóm khách hàng thu nhập thấp – vốn là đối tượng chính của FE Credit – đã ảnh hưởng nặng nề đến khả năng trả nợ cũng như nhu cầu vay mới.
Tuy nhiên, quý I/2025 cho thấy một số tín hiệu phục hồi. Thu nhập lãi thuần tăng đáng kể nhờ FE Credit dần phục hồi và nhu cầu tín dụng tiêu dùng cải thiện. Mặc dù môi trường kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng rõ ràng đã “đỡ khó hơn năm rồi”.
Tăng trưởng chi phí hoạt động được kiểm soát chặt chẽ, thấp hơn nhiều so với đà tăng thu nhập lãi thuần. Đồng thời, dù trích lập dự phòng có tăng, nhưng vẫn ở mức thấp so với phần tăng trưởng từ hoạt động tín dụng. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế VPBank quý I tăng tới 20%. Đây là kết quả tích cực, mở ra kỳ vọng mới cho nhà đầu tư sau giai đoạn dài cổ phiếu kém hiệu quả.
Với Techcombank, dù tín dụng tăng tốt, nhưng thu nhập lãi thuần lại sụt giảm. Lý do nằm ở cấu trúc khách hàng – ngân hàng tập trung vào doanh nghiệp lớn, và để đẩy mạnh đầu ra trong bối cảnh hiện tại thì bắt buộc phải hạ lãi suất cho vay.
Áp lực giảm lãi đầu ra, trong khi chi phí vốn không còn nhiều dư địa tiết giảm, đã kéo theo biên lãi thuần (NIM) suy giảm. Hệ quả là thu nhập lãi ròng quý I/2025 giảm 2% so với cùng kỳ.
Cần lưu ý rằng quý I/2024 là quý có nền lợi nhuận khá cao, do phục hồi từ năm 2023 vốn rất khó khăn. Thời điểm đó, tín dụng chảy mạnh vào các doanh nghiệp lớn kéo theo CASA cải thiện đáng kể, giúp ngân hàng giảm chi phí vốn.
Hiện tại, khi mà nhóm phục hồi ổn định rồi, không còn nhiều động lực cải thiện chi phí vốn nữa, tuy nhiên muốn đẩy đầu ra được thì phải giảm ls đầu ra.
Không chỉ thu nhập lãi ròng, mảng dịch vụ của Techcombank cũng giảm tốc. Sau khi chấm dứt hợp tác bảo hiểm độc quyền, nguồn thu ngoài lãi trong quý I/2025 giảm 16% so với quý trước.
Dù vậy, ngân hàng vẫn kiểm soát tốt chi phí vận hành – mức tăng chỉ 1% – nhờ ứng dụng công nghệ hiệu quả và đầu tư mạnh tay vào chuyển đổi số trong 2 năm qua. Đồng thời, mức trích lập dự phòng thấp giúp lợi nhuận sau thuế giảm ít hơn so với mức giảm của hai nguồn thu chính.
Triển vọng nào cho Techcombank và VPBank trong năm 2025?
Theo Chuyên gia Lê Hoài Ân, trong năm nay các ngân hàng thuộc nhóm bán lẻ đang bước vào giai đoạn chuyển dịch mạnh, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng tiêu dùng.
Xét về chiến lược, VPBank đặt mục tiêu rõ ràng là tăng trưởng tín dụng, đặc biệt trong mảng tiêu dùng. Trong khi đó, Techcombank không nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng trong thông điệp tại đại hội cổ đông, mà tập trung nhiều hơn vào kiểm soát nợ xấu và quản trị chi phí vốn.
Theo đó, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tới 25%, trong khi Techcombank chỉ đặt 16%. Nhìn riêng thì 16% không thấp, nhưng nếu so với mặt bằng chung mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 16% thì không cao.
Một trong những điểm tích cực với VPBank là tức là room tín dụng các công ty tài chính hiện không còn bị khống chế quá nghiêm ngặt như trước, tạo dư địa hoạt động cho các đơn vị như FE Credit, từ đó gián tiếp tạo lợi thế cho VPBank. Đây vẫn sẽ là một điểm tích cực cho tăng trưởng hợp nhất của VPBank trong năm nay.
Còn về Techcombank, trong vài năm qua, NIM ngân hàng giảm mạnh. Dù tăng trưởng tín dụng cao nhưng biên lãi thuần không tăng tương ứng. Do đó, năm nay ngân hàng tập trung cải thiện hiệu quả để đưa NIM về mức tốt hơn. Đó cũng là lý do CASA đang được thúc đẩy để cải thiện, thông qua loạt sản phẩm như sinh lời tự động nhằm thu hút tiền gửi không kỳ hạn.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Techcombank làm rất tốt trong việc xây dựng CASA, đến mức có thể xem là có lợi thế cạnh tranh gần như tuyệt đối. Trong top 3 ngân hàng có CASA cao nhất luôn có Techcombank, MB và Vietcombank – và đây cũng là những ngân hàng có chi phí vốn thấp nhất trong hệ thống.
Techcombank không chỉ thành công nhờ công nghệ mà còn nhờ cách tiếp cận thị trường. Họ rất sáng tạo, liên tục ra mắt các sản phẩm liên hoàn. Dự kiến, Auto Earning sẽ tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng CASA của ngân hàng trong thời gian tới.
Hiện tại, CASA bình quân của Techcombank dao động khoảng 35% đến 38% – đây là mức rất cao, và khả năng giữ vững vị trí dẫn đầu trong thời gian tới là hoàn toàn khả thi.
Về chất lượng tài sản, Techcombank ghi nhận tỷ lệ nợ xấu quý I/2025 là 1,17% – gần như thấp nhất hệ thống, ngang ngửa với Vietcombank. Thậm chí tốt hơn so với BIDV và ACB (ACB: 1,5%). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Techcombank đạt 112%, thuộc nhóm cao nhất hệ thống.
Ngược lại, VPBank lại ghi nhận tỷ lệ nợ xấu lên tới 4,74%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ ở mức 47% thuộc nhóm thấp nhất hệ thống.
Nếu chỉ nhìn vào con số nợ xấu (1,17% so với 4,74%) cho thấy Techcombank đang kiểm soát rủi ro tốt hơn so với VPBank. Tuy nhiên, để đánh giá toàn diện cần xem xét lại chất lượng tài sản và cấu trúc danh mục cho vay của từng ngân hàng.
Data Talk là chuỗi tọa đàm Chuyên sâu – Data – Khách quan do WiGroup – Công ty dữ liệu Kinh tế Tài chính và VietnamBiz đồng sản xuất. Nội dung chương trình tập trung bàn luận về các sự kiện kinh tế từ vĩ mô đến ngành, chính sách dựa trên góc nhìn và dữ liệu với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính và các lĩnh vực liên quan nhằm góp phần đem đến kiến thức và góc nhìn sâu sắc cho nhà đầu tư và giới kinh doanh.
Phát sóng trực tuyến tại:
VietnamBiz (https://vietnambiz.vn/)
Youtube: VIF (VietnamInvestmentForum)
Fanpage Tin Kinh tế hàng ngày (http://facebook.com/TintucVietnamBiz)
Fanpage WiGroup (https://www.facebook.com/Wigroup.vn)
Hãy đón xem để không bỏ lỡ bất kỳ góc nhìn giá trị nào, hỗ trợ bạn trong quá trình đầu tư và ra quyết định.