Bất động sản

Dân Trung Quốc bán tháo bất động sản ở nước ngoài

Dân Trung Quốc bán tháo bất động sản ở nước ngoài - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ. (Nguồn: SCMP)

Đại diện hơn 200 gia đình trung lưu Trung Quốc, người đàn ông làm nghề môi giới đến từ tỉnh Quảng Đông rốt ráo tìm kiếm người mua bất động sản mà khách hàng của ông đã mua ở các nước Đông Nam Á trước đại dịch.

Mua bất động sản từng là hình thức đầu tư được người Trung Quốc ưa chuộng nhất để giữ tài sản, khi lĩnh vực này hứa hẹn lợi nhuận tăng trưởng nhanh chóng và ổn định.

Các căn nhà và chung cư nhỏ ở Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan , là lựa chọn phổ biến của tầng lớp trung lưu Trung Quốc vào cuối những năm 2010, do khả năng chi trả vừa phải và khoảng cách địa lý không quá xa.

Tuy nhiên, khi quá trình hồi phục hậu COVID-19 gặp nhiều khó khăn, tình hình trong nước không lạc quan và mức tăng trưởng tài sản hộ gia đình ngày càng giảm, nhiều người Trung Quốc rơi vào tình trạng tài chính ngày càng xấu đi nên cần giảm bớt quy mô đầu tư ra nước ngoài.

“Nếu chúng tôi tính lợi nhuận cho thuê và thay đổi về tỷ giá hối đoái, hầu hết các khoản đầu tư bất động sản của họ ở nước ngoài thực sự mang lại lợi nhuận”, Yao nói với SCMP .

Tuy nhiên, “nhiều người không còn đủ khả năng trả các khoản đóng góp cuối cùng để hoàn thành hợp đồng mua bất động sản và rất cần tiền mặt để giải quyết những vấn đề tài chính trong nước, chẳng hạn như kinh doanh thất bại, sa thải và vỡ nợ thế chấp”, Yao cho biết.

Vì thế, nhiều người không còn đủ tiền để tiếp tục nắm giữ tài sản ở nước ngoài nữa.

Hồi những năm 2017 và 2018, Yao đã có 32 chuyến đi từ miền nam Trung Quốc xuống Thái Lan để giúp khách hàng Trung Quốc mua chung cư tại khu vực trung tâm thủ đô Bangkok và thành phố Pattaya, với mỗi căn có giá từ 500.000 tệ (68.400 USD) đến 2 triệu tệ.

Yao cho biết, nhiều người mua là những gia đình trung lưu bình thường sống ở những thành phố hạng hai ở Trung Quốc, làm việc trong các ngành du lịch, xuất khẩu và dịch vụ.

Kể từ sau đại dịch, thu nhập của họ giảm đáng kể và giá trị thị trường của bất động sản trong nước cũng giảm.

“Các khoản đầu tư ra nước ngoài của họ đến nay đã có thay đổi lớn về cả về tính thanh khoản và tình hình địa - chính trị”, Yao cho biết.

Theo một cuộc khảo sát được ĐH Giao thông Thượng Hải công bố tuần trước, môi trường kinh tế ngày càng bất ổn khiến tầng lớp trung lưu Trung Quốc trở nên thu hẹp hơn và giảm mua hàng hoá cao cấp.

Dù số liệu thống kê trong tháng 8 cho thấy sự lạc quan sau khi hàng loạt biện pháp hỗ trợ được áp dụng, nhưng nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trên con đường phục hồi, bao gồm vấn đề niềm tin thấp vào sản xuất và tiêu dùng.

Làn sóng mua bất động sản cao cấp ở nước ngoài hồi giữa những năm 2010 của các ông trùm kinh doanh Trung Quốc như Vương Kiện Lâm, chủ tịch tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt, đóng vai trò là chất xúc tác cho tầng lớp trung lưu đang lên tiến sang thị trường bất động sản ở nước ngoài.

Chung cư ở Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản... trở thành kênh đầu tư phổ biến. Nhu cầu cao thúc đẩy các hãng Trung Quốc mở rộng xây dựng bất động sản ở Đông Nam Á, dành riêng cho những người Trung Quốc giàu có mong muốn đầu tư ra nước ngoài hoặc muốn có cuộc sống khác ở nước ngoài. Tuy nhiên, những dự án đó đang gặp rủi ro thua lỗ.

Dân Trung Quốc bán tháo bất động sản ở nước ngoài - Ảnh 2.

Hình ảnh thiết kế dự án Forest City ở Malaysia. (Ảnh: CNA)

Patricia Li là một trong các nhà đầu tư trung lưu Trung Quốc đổ xô đến Malaysia để mua bất động sản tại Forest City, dự án phát triển của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Country Garden ở Johor, bang phía nam của Malaysia.

Dự án Forest City trị giá 100 tỷ USD được lên kế hoạch tạo chỗ ở cho 700.000 người sau khi hoàn thành vào năm 2035.

Việc siết chặt quy định về tín dụng bất động sản ở Trung Quốc từ năm 2021 đã khiến nhiều hãng bất động sản rơi vào tình thế khó khăn tài chính nghiêm trọng, nhất là Evergrande và Country Garden .

Country Garden từng là tiêu chuẩn vàng trong ngành bất động sản Trung Quốc, nay trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng với khoản nợ trái phiếu cần thanh toán vào cuối năm nay ước tính lên đến 2,5 tỷ USD.

Nguy cơ Country Garden vỡ nợ sẽ tác động đến quá trình phục hồi mong manh và làm giảm niềm tin của thị trường.

Li cho biết, Forest City giờ đây trông giống một thị trấn ma hơn là khu dân cư và thương mại thịnh vượng như đã hứa hẹn, với các chung cư, đường sá và cửa hàng trống rỗng.

Li cho biết cô cảm thấy khá chán nản khi giá căn hộ hiện đã giảm xuống còn 6.000 tệ/m2, từ mức 18.000 tệ ban đầu

“Có thể hiện nay chỉ có vài nghìn người Trung Quốc đang sống ở đó. Nhiều người muốn bán nhà của họ. Trừ khi họ có thể tìm được người mua Trung Quốc, nếu không sẽ không có ai khác quan tâm, kể cả người dân địa phương hay người từ các nước khác, vì thiết kế và tính năng chỉ phù hợp với cộng đồng người Trung Quốc”, cô cho biết.

Các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc thâm nhập thị trường Nhật Bản cũng phải đối mặt với nhiều thách thức vì chi phí không thể bù đắp bằng lợi nhuận.

Tina Chen, người làm việc cho một cơ quan tư vấn điều tra thị trường Nhật Bản, cho biết: “Những người đầu tư vào bất động sản Nhật Bản để điều hành nhà nghỉ phục vụ khách du lịch Trung Quốc đang rơi vào tình trạng thua lỗ vì khách du lịch Trung Quốc vẫn chưa quay lại”.

Các tổ chức quốc tế đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay, hoài nghi khả năng nước này có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%.

Đối với Yao, nhiệm vụ tìm kiếm người mua mới rất khó khăn. Yao đã lập tài khoản trên các mạng xã hội như ByteDance và Facebook nhằm tìm kiếm người mua tiềm năng.

“Thị trường bất động sản qua sử dụng ở Thái Lan khá bão hòa, cả người dân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đều không muốn mua bất động sản cũ. Vì vậy, mục tiêu của chúng tôi vẫn là tập trung vào tầng lớp trung lưu Trung Quốc, những người vẫn muốn chuyển tài sản trong nước ra nước ngoài”, ông cho biết.

Yao cho biết, từ tháng 3 đến nay, chỉ có 6 trong số hơn 200 chung cư ở Thái Lan được bán cho người mua mới từ Trung Quốc.

Theo SCMP

Cùng chuyên mục

Đọc thêm