Ngăn khói bụi từ xe cộ 'xâm chiếm' thành phố
Theo dự thảo quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải ô tô lưu hành tại Việt Nam mà Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, quy chuẩn khí thải ô tô sẽ được chia thành 5 mức, tương ứng với các tiêu chuẩn Euro, trong đó mức 5 là mức có yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe nhất.

Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các khu vực có mật độ phương tiện lưu thông cao nhất luôn có giá trị cao và thường xuyên vượt quy chuẩn
ẢNH: NHẬT THỊNH
Dự kiến, xe ô tô sản xuất từ năm 2022 sẽ áp dụng mức 4 từ ngày 1.1.2026. Riêng ô tô đăng ký biển số Hà Nội và TP.HCM sẽ áp dụng mức 5 từ 1.1.2027; các tỉnh thành khác áp dụng từ năm 2028. Xe ô tô sản xuất từ năm 2017 sẽ áp dụng mức 4 tại Hà Nội và TP.HCM kể từ 1.1.2026, trong khi các tỉnh khác chỉ yêu cầu mức 3.
Tương tự, dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam cũng do Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện dự kiến triển khai tiên phong tại Hà Nội và TP.HCM từ 1.1.2027. Từ 1.1.2028 mới mở rộng áp dụng tại 4 thành phố trực thuộc T.Ư còn lại gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế. Sau đó 2 năm, từ ngày 1.1.2030 sẽ triển khai đại trà tại tất cả địa phương còn lại.
Không những thế, theo Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP. Hà Nội có hiệu lực từ 1.1, từ năm 2025 đến năm 2030, Hà Nội sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp. Hiện Hoàn Kiếm dự kiến chọn khu vực không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận; khu vực phố cổ để thí điểm vùng LEZ vì các khu vực này đã tổ chức phố đi bộ và cấm phương tiện vào cuối tuần.
Trong khi đó, TP.HCM cũng đang rốt ráo xây dựng kế hoạch thí điểm chuyển đổi giao thông xanh tại Cần Giờ và một số quận trung tâm.
Như vậy, hai thành phố lớn nhất nước sẽ siết mức tiêu chuẩn khí thải với các phương tiện giao thông sớm hơn, mạnh hơn so với các địa phương khác. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi TP.HCM và Hà Nội hiện là những địa phương có mật độ phương tiện giao thông cùng mức độ ô nhiễm không khí cao nhất, đặc biệt là Hà Nội.
Từ cuối năm ngoái đến nay, thủ đô Hà Nội liên tiếp trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Nhiều thời điểm, chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 272, đưa Hà Nội trở lại đứng đầu trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với chất lượng không khí ở mức tím - mức nguy hại tới sức khỏe con người. Nồng độ PM2.5 tại Hà Nội cao gấp 32 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
Nghiên cứu của PGS-TS Hồ Quốc Bằng cùng các cộng sự chỉ ra rằng: tại Hà Nội, các phương tiện giao thông chiếm lượng phát thải lớn nhất với hầu hết các khí độc có trong không khí: ôxit ni tơ (NOx) 87%, carbon monoxide (CO) 92%, điôxit sulfur (SO2) 57%, hợp chất hữu cơ dạng khí không chứa mê tan (NMVOC) 86%, khí mê tan (CH4) 96%, bụi mịn PM2.5 74%. Trong số các phương tiện giao thông, thủ phạm hàng đầu thải 2 loại khí độc NOx và CO ở Hà Nội là xe máy. Xe tải hạng nặng là nguồn phát thải lớn nhất các loại bụi mịn.
Tại TP.HCM, các hoạt động giao thông cũng được xác định là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải tại thành phố. Trong đó, số lượng xe máy đang lưu hành gần bằng 10 lần số lượng ô tô và chiếm tới khoảng 90% tổng lượng phương tiện giao thông cơ giới.
Ô nhiễm không khí đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân tại hai thành phố. Lượng khí thải "khổng lồ" mà các phương tiện giao thông mỗi năm thải ra không chỉ là câu chuyện về môi trường sống mà còn liên quan tới hạ tầng y tế, câu chuyện ùn tắc và tai nạn giao thông. Ngăn chặn ô nhiễm từ khí thải giao thông đang được chính quyền TP.HCM và Hà Nội đặt trong nhóm hành động cấp bách hàng đầu.

Ô nhiễm không khí đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân Hà Nội
ẢNH: TUẤN MINH
Thời điểm chín muồi
Đây không phải lần đầu tiên ngành giao thông và môi trường tính đến chuyện siết khí thải từ hoạt động giao thông, nhất là kiểm soát khí thải xe máy, thậm chí loại bỏ xe máy "hết đát" không đủ tiêu chuẩn về môi trường khỏi hệ thống giao thông. Từ 2010, Chính phủ đã phê duyệt kiểm soát khí thải xe máy. TP.HCM và Hà Nội cũng nhiều lần đề xuất đề án lập vành đai hạn chế xe cá nhân vào khu vực trung tâm thành phố. Thế nhưng từ đó đến nay, do vấp phải sự phản đối từ dư luận, các đề án đều sớm "chết yểu".
Tuy nhiên, kết quả chương trình "Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, XGM đang lưu hành trên địa bàn TP" do TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 15.5 - 2.9.2020 đã cho thấy một bức tranh rất khác. TP.HCM tổ chức 8 điểm kiểm định khí thải xe máy miễn phí, dự kiến tổ chức phục vụ cho 5.000 phương tiện; nhưng đến khi kết thúc chương trình, đã có hơn 13.000 xe máy tới kiểm định khí thải. Sau đó, khi TP.HCM khảo sát ý kiến người dân cho đề án kiểm soát mô tô, XGM để giảm ô nhiễm môi trường, có tới hơn 76% người dân ủng hộ.






Việt Nam đang sở hữu đầy đủ mạng lưới phương tiện giao thông điện từ xe máy, taxi, xe chở hàng, xe buýt tới đường sắt đô thị
Các đề án lập vùng phát thải thấp hay chương trình triển khai mô hình “door-to-door”, kết nối toàn diện các phương tiện công cộng thuần điện, bao gồm tuyến đường sắt đô thị, taxi điện, xe máy điện và xe buýt điện mà TP Hà Nội liên tiếp triển khai thời gian qua cũng đều nhận được phản hồi tích cực và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.
"Điều này cho thấy đã có sự thay đổi rất lớn về nhận thức của người dân. Họ ngày càng hiểu rõ những tác hại mà ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường từ khói bụi của xe cộ gây ra. Không chỉ ủng hộ chính sách, bản thân họ cũng đang chuyển đổi phương tiện cá nhân của mình từ xe xăng sang xe điện. Sự ủng hộ của người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp công cuộc chuyển đổi xanh của Việt Nam diễn ra thuận lợi và thành công" - TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhận định.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, nhà nước cũng đang nhận được sự góp sức rất lớn từ các doanh nghiệp mà điển hình là Vingroup. VinFast là doanh nghiệp đi đầu - vừa sản xuất, vừa phân phối từ ô tô điện cá nhân tới xe máy điện, hình thành hệ thống Xanh SM… Khi TP.HCM, Hà Nội muốn "đổi màu" xe buýt, VinFast tiên phong sản xuất xe buýt điện, đủ chủng loại từ lớn đến mini để phù hợp với đặc điểm đô thị. Sau đó, họ tiếp tục ra mắt các dòng xe nhỏ chuyên để tài xế chở khách dịch vụ và mới nhất là xe tải nhỏ để chuyên chở hàng hóa trong đô thị.
"Có thể nói, các đô thị có nhu cầu chuyển đổi phương tiện gì, thay thế phương tiện gì, Vingroup đều nhanh chóng đáp ứng mọi nhu cầu. Đây là điều kiện rất thuận lợi để nhà nước triển khai được các giải pháp siết chặt khí thải từ phương tiện giao thông. Cùng với sự quyết liệt của địa phương hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị, có lộ trình phù hợp thực hiện giải pháp tổng thể, đã đến lúc hội tụ mọi yếu tố để Hà Nội và TP.HCM tăng tốc công cuộc chuyển đổi giao thông xanh, càng sớm càng tốt" - vị chuyên gia này khẳng định.