Tài chính

Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu vừa hứng chịu thêm một cú đánh mạnh và lần này, nó bắt nguồn từ Hàn Quốc

Các tài xế xe tải giận dữ ở Hàn Quốc đang tiếp tục gia tăng việc đình công trên diện rộng, đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp bán dẫn và các sản phẩm lọc, hóa dầu cùng nhiều ngành công nghiệp khác.

Bước sang ngày thứ 4, cuộc đình công - bắt nguồn từ những tác động của chi phí nhiên liệu tăng cao - đã làm giảm một nửa sản lượng tại khu phức hợp nhà máy lớn nhất của Huyndai Motor. Nó cũng đã làm gián đoạn các chuyến hàng của một loạt các công ty, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất thép khổng lồ POSCO.

Lượng container lưu thông ở các cảng cũng chậm lại. Tại cảng Busan, nơi chiếm 80% hoạt động vận tải container của Hàn Quốc, giao thông đã giảm xuống mức 1/3 so với bình thường vào ngày 10/6. Tại cảng Incheon, lưu lượng vận tải giảm 20% so với bình thường trong khi ở cảng Ulsan, trung tâm công nghiệp nơi xảy ra nhiều vụ đình công, giao vận container đã bị đình trệ hoàn toàn kể từ hôm 7/6.

Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc cho biết khoảng 7.500 thành viên, tức 35% lái xe của công đoàn Xe tải chở hàng, dự định đình công vào ngày 10/6. Chính phủ ước tính khoảng 6% trong số 420.000 tài xế xe tải của Hàn Quốc thuộc công đoàn này.

Trong khi đó, công đoàn cho rằng số tài xế đình công cao hơn nhiều so với ước tính của chính phủ và nhiều tài xế xe tải không thuộc công đoàn cũng từ chối làm việc.

Những gì xảy ra ở Hàn Quốc đã ngay lập tức giáng một đòn mạnh vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu khi quốc gia này là nhà cung cấp chip quan trọng của thế giới. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng là nơi sản xuất điện thoại thông minh, ô tô, pin và nhiều hàng điện tử khác. Những gì đang xảy ra càng làm tăng sự không chắc chắn với chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã bị gián đoạn vì Covid-19 cũng như xung đột Nga – Ukraine.

Đối mặt với thách thức kinh tế lớn đầu tiên của mình, tân Tổng thống Yoon Suk-yeol đã thực hiện điều mà ông gọi là lập trường trung lập, khẳng định Chính phủ không nên can dự quá nhiều. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng lập trường này có thể cản trở khả năng của Chính phủ Hàn Quốc trong việc đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề.

"Chính phủ cần xem xét lại các yêu cầu của công đoàn. Họ không cần phải chấp nhận tất cả nhưng tôi nghĩ họ có thể làm dịu tình hình hơn một chút nếu có thể xem xét các khoản trợ cấp để các lái xe tải có thể đối phó với giá nhiên liệu tăng cao", Giáo sư kinh tế Shin Se-don tại Đại học Sookmyung Women cho biết.

Công đoàn cho biết cuộc họp của họ với Chính phủ đã kết thúc vào ngày 10/6 mà không có bất cứ thỏa thuận nào. Họ sẽ tiếp tục họp trong ngày 11/6.

Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn hầu như không bị ảnh hưởng bởi đợt đình công khi các nhà đầu tư đồng quan điểm rằng họ có đủ hàng tồn kho để giải quyết trong thời điểm hiện tại. Trong khi đó, Kim Gyeong-dong, một quan chức công đoàn xe tải, cho biết công đoàn đã hết tiền để tài trợ cho cuộc đình công hôm 9/6 và không chắc hoạt động này có thể kéo dài thêm 10 ngày nữa hay không.

Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm phương án dự phòng. Lãnh đạo một công ty sản xuất xe điện lớn của Hàn Quốc nói rằng nếu các cuộc đình công vẫn tiếp diễn, họ sẽ phải đánh giá lại quá trình xử lý các lô hàng của mình.

Trong khi đó, Hyundai cho biết cuộc đình công có tạo ra gián đoạn với hoạt động sản xuất của họ đồng thời bày tỏ mong muốn việc sản xuất sẽ bình thường trở lại càng sớm càng tốt. Theo đó, Hyundai sản xuất khoảng 6.000 xe mỗi ngày tại các nhà máy của mình ở Ulsan, bao gồm cả dòng xe Genesis SUV và Ioniq 5 EV.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm