Cung không đáp ứng cầu
Từ quý 4/2024 đến nay, người dân và doanh nghiệp xây dựng tại Thanh Hóa liên tục kêu than khi giá cát, đá, đất san lấp trên địa bàn tỉnh tăng đột biến, và khan hiếm. Theo khảo sát của PV Thanh Niên, giá cát xây dựng, đá, đất san lấp trên địa bàn tỉnh hiện nay đều tăng cao so với thời điểm đầu năm 2024, đồng thời giá vật liệu cao thấp khác nhau giữa các huyện.

Giá cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng đột biến và khan hiếm
ẢNH: MINH HẢI
Tại TX.Nghi Sơn, người dân và doanh nghiệp đang phải mua cát xây công trình (cát trát) dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/m3. Giá mặt hàng này tại H.Quảng Xương khoảng 370.000 đồng/m3; ở H.Hoằng Hóa khoảng 350.000 đồng/m3.
Đặc biệt, giá cát bê tông cao kỷ lục, hầu hết trên địa bàn các huyện đều có giá hơn 500.000 đồng/m3.
Ông Nguyễn Thanh Quân, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng Minh Tuấn (địa chỉ tại TP.Thanh Hóa) - doanh nghiệp đang thi công nhiều công trình trên địa bàn tỉnh, cho biết giá vật liệu tăng quá cao và khan hiếm. Ngày 3.5 vừa qua, doanh nghiệp của ông Quân đã phải mua cát xây dựng với giá 400.000 đồng/m3, cao hơn gần 200.000 đồng so với giá thời điểm đầu năm 2024.
Ông Nguyễn Duy Nở, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Tuấn - một doanh nghiệp lớn về xây dựng công trình, ngán ngẩm: "Nguồn cung vật liệu thời gian qua không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, khiến công ty tôi hoạt động hết sức khó khăn khi đang có nhiều công trình thi công. Bây giờ, nếu dừng thi công thì dự án chậm tiến độ, nếu tiếp tục thì không có vật liệu, hoặc có mua được cũng không đầy đủ hóa đơn, chứng từ do nhiều mỏ khoáng sản không xuất đầy đủ, như thế sẽ dẫn tới sai phạm".
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các ngành chức năng khảo sát giá vật liệu, nguyên nhân tăng giá và trữ lượng khoáng sản phục vụ cho dự án. Kết quả khảo sát cho thấy, từ quý 4/2024, đặc biệt là từ đầu năm 2025 đến nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng vọt lên khoảng 30% so với năm 2024.
Nguyên nhân, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án lớn được triển khai xây dựng, nhất là đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, đã sử dụng nhiều vật liệu để thi công. Cạnh đó, việc quy hoạch mỏ khoáng sản chồng lấn lên đất di tích, văn hóa, quốc phòng, an ninh dẫn tới không thể khai thác; địa phương (UBND cấp huyện) không đưa mỏ vào quy hoạch khai thác do lo ngại không quản lý được mỏ; dự báo nhu cầu vật liệu không chính xác; thời gian đưa mỏ vào khai thác quá dài từ quy hoạch đến khảo sát, đánh giá…
Có tiền… cũng không mua được
Vật liệu xây dựng thiếu trầm trọng khiến các công trình, dự án quy mô quốc gia (qua địa phận tỉnh Thanh Hóa) và các dự án trên địa bàn tỉnh này trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 có nguy cơ bị chậm tiến độ. Khảo sát của UBND tỉnh cho thấy, dự tính năm 2025 Thanh Hóa thiếu 3,09 triệu khối cát; 3,19 triệu khối đá; 13,17 triệu khối đất san lấp.
Giai đoạn 2026 - 2030 thiếu 16,18 triệu khối cát; 22,47 triệu khối đá; 128,54 triệu khối đất san lấp.
Để khắc phục tình trạng này, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã phải mua đất, đá, cát ở tỉnh khác hoặc ở địa bàn cách xa dự án, khiến chi phí vận chuyển lớn, dẫn đến giá vật liệu tại chân công trình tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ dự án cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Mai Xuân Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn xây dựng miền Trung - doanh nghiệp xây dựng lớn ở Thanh Hóa, cho biết nguồn cát, đất san lấp rất khan hiếm, buộc công ty của ông phải tìm mua cát ở tỉnh Nghệ An, Phú Thọ.
"Đất san lấp hiếm đến mức khi thi công dự án đường ven biển tỉnh Thanh Hóa, dù có tiền, đem tiền đến các mỏ đặt mua cũng không mua được. Đá thì dự án đường ven biển được quy hoạch lấy ở H.Hà Trung và H.Cẩm Thủy, nhưng hiện tại cũng không có để mua, phải mua đá tận trong TX.Nghi Sơn (cách dự án khoảng 60 - 70 km), nên doanh nghiệp rất khó khăn cho việc đảm bảo tiến độ dự án", ông Thông cho hay.
Thiếu vật liệu không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, cho các công trình, dự án lớn mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới người dân khi xây dựng nhà cửa, công trình mất chi phí mua vật liệu nhiều hơn. Tại cuộc gặp lãnh đạo của 246 doanh nghiệp khai thác khoáng sản và doanh nghiệp xây dựng hôm 5.5, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa bày tỏ lo lắng việc thiếu nguồn vật liệu sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát khi vật liệu tăng giá khiến phí xây dựng tăng lên, vượt quá sức dân.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết để tăng nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án trên địa bàn, UBND tỉnh sẽ yêu cầu các chủ doanh nghiệp khai thác khoáng sản không bán cát, đất, đá ra ngoài tỉnh khi trong tỉnh đang thiếu.
Theo ông Giang, giải pháp trước mắt để đảm bảo nguồn cung vật liệu là nâng công suất các mỏ khoáng sản; khẩn trương đưa ra đấu giá các mỏ trong quy hoạch; tiếp tục quy hoạch các mỏ mới.
"Nếu các giải pháp đề ra được thực hiện nghiêm túc, triệt để thì sẽ đảm bảo được nguồn cung vật liệu cho xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng như các dự án của tỉnh này thực hiện trong thời gian tới", ông Giang nhận định.
Theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này có 557 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, và khoáng sản thuộc khu vực phân tán nhỏ lẻ. Trong số này, có 187 mỏ đá trữ lượng 652 triệu m3; 233 mỏ đất trữ lượng 235 triệu m3; 124 mỏ cát trữ lượng 18 triệu m3; 13 mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phân cấp cho tỉnh quản lý có trữ lượng gần 650.000 tấn.
Trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều dự án trọng điểm quốc gia, như: cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2; đường sắt tốc độ cao. Ngoài ra, còn có nhiều dự án lớn chuẩn bị xây dựng, như: đường nối từ cao tốc Bắc - Nam qua QL1A đến cảng Nghi Sơn; đường nối đường Hồ Chí Minh (địa phận H.Ngọc Lặc) với QL6 (tỉnh Hòa Bình); tuyến đường ven biển qua địa bàn các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn; khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và Hoằng Long (TP.Thanh Hóa); khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng; nâng cấp cảng hàng không Thọ Xuân…