Theo BS. Bùi Thanh Phong - Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, người cao tuổi chiếm 50-70% số ca nhập viện do cúm và 90% số ca tử vong liên quan đến cúm. Bệnh đã có vắc xin phòng ngừa, nhưng nhiều người còn chủ quan phòng bệnh. Bác sĩ khuyến cáo, cúm không phải bệnh vặt, người cao tuổi và có bệnh lý nền dễ gặp các biến chứng nguy hiểm.

Gánh nặng sức khỏe cho người cao tuổi
BS. Phong cho biết virus cúm gồm hai nhóm gây bệnh phổ biến là A và B, có khả năng lây lan mạnh trong cộng đồng. Bệnh chủ yếu lây từ người sang người qua đường hô hấp. Triệu chứng của cúm gồm sốt, ho, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và có thể phục hồi sau 2-7 ngày.
Đây là lý do nhiều người còn chủ quan, cho rằng cúm chỉ là bệnh vặt “thoáng qua”. Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh có thể gây tử vong khi virus xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết.
Ở người cao tuổi, hệ miễn dịch và hô hấp suy yếu, khả năng chống chọi và đào thải virus kém khiến mầm bệnh dễ dàng nhân lên và tấn công đa cơ quan. Bên cạnh đó, cúm gây tổn thương niêm mạc và đường hô hấp nên dễ bội nhiễm thêm các mầm bệnh khác như phế cầu khuẩn, tụ cầu vàng, gây ra tình trạng nặng nề hơn.

Người cao tuổi cũng thường mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... Khi nhiễm cúm, việc kiểm soát các bệnh nền trở nên phức tạp hơn. Người cao tuổi có bệnh nền khi nhiễm cúm tăng nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, rối loạn đường huyết, nhồi máu cơ tim... có thể dẫn đến tử vong.
Theo Hiệp hội Hô hấp Châu Âu, cúm làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 8 lần, nguy cơ đau tim và nhồi máu cơ tim gấp 10 lần, nguy cơ viêm phổi gấp 8 lần. Trong vòng 2 tuần đầu nhiễm bệnh đối với những người trên 65 tuổi, cúm làm tăng nguy cơ đau tim lên 3-5 lần và đột quỵ lên 2-3 lần.
Theo các nghiên cứu, ở người trên 60 tuổi mắc bệnh tim mạch, khi nhiễm cúm, nguy cơ tử vong có thể tăng gấp 5 lần. Đối với người mắc bệnh phổi mạn tính, nguy cơ tử vong do cúm có thể tăng lên đến 12 lần.
Hiểu đúng khi phòng cúm ở người cao tuổi
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm vắc xin cúm mùa và tiêm nhắc đều đặn hằng năm làm giảm đến 60% các bệnh liên quan đến cúm, khoảng 70-80% tỷ lệ tử vong do cúm, đặc biệt là các nhóm có hệ miễn dịch kém, mắc nhiều bệnh lý nền…
Các nghiên cứu cho thấy những người đã tiêm vắc xin cúm có nguy cơ phải vào viện chăm sóc đặc biệt (ICU) thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong do cúm thấp hơn 31% so với người chưa tiêm, giảm 78% tỷ lệ cơn hen cấp phải cấp cứu hoặc nhập viện. Vắc xin cũng giúp giảm 41% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân trên bệnh nhân bị COPD.

BS. Phong cho biết, vắc xin cúm chứa virus đã bị phá hủy khả năng gây bệnh, giúp kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống mầm bệnh. Do đó, người cao tuổi có thể yên tâm tiêm chủng mà không lo ngại bệnh nền trở nặng hay ảnh hưởng sức khỏe. Hiện nay có các loại vắc xin giúp phòng 4 chủng virus cúm phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Trong đó, vắc xin tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt virus với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm…

Bên cạnh đó, theo BS. Phong, vắc xin cúm cần 2-3 tuần để tạo kháng thể, không thể ngay lập tức phát huy hiệu quả. Người dân lưu ý tiêm phòng sớm, không để dịch bệnh xảy ra mới tiêm vắc xin.
Theo khuyến cáo của WHO, vắc xin cúm cần tiêm nhắc một mũi hằng năm. Virus cúm biến đổi liên tục, thay đổi cấu trúc kháng nguyên, vì thế vắc xin cúm cũng được cập nhật mỗi năm. Hơn nữa, hiệu quả vắc xin giảm dần theo thời gian, thường sau 6 tháng.
Ngoài ra, do bệnh lây qua đường hô hấp, BS. Phong khuyến cáo gia đình thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các dung dịch sát khuẩn để súc miệng, họng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc người bệnh. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh, nên đến ngay cơ sở y tế để khám, chữa bệnh, không tự ý dùng thuốc hay kháng sinh để bệnh trở nặng.
Ngọc Minh