Chứng khoán

Chủ tịch Bùi Thành Nhơn: "Novaland sẽ tái sinh"

Tóm tắt:
  • Ông Nhơn khẳng định Novaland tái cấu trúc để phát triển mạnh mẽ, không chỉ để tồn tại.
  • Trong năm 2025, Novaland đặt mục tiêu chuyển mình và cải thiện hiệu quả kinh doanh.
  • Doanh nghiệp đang đối mặt với khoản lỗ 4.351 tỷ đồng vào năm 2024 và tài sản giảm 1,4%.
  • Novaland có khoản nợ phải trả lớn, lên đến 190.473 tỷ đồng, gây áp lực tài chính nặng nề.
  • Các dự án bị vướng mắc pháp lý là thách thức lớn, nhưng dự kiến sẽ tháo gỡ từ quý II/2025.
Chủ tịch Bùi Thành Nhơn:

Tại Báo cáo thường niên năm 2025, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), ông Bùi Thành Nhơn đã chia sẻ về chiến lược phát triển của Novaland trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh việc đặt danh dự, trách nhiệm và uy tín doanh nghiệp lên hàng đầu, đồng thời thừa nhận rằng vẫn còn một số yêu cầu của khách hàng và đối tác chưa được giải quyết do pháp lý dự án chưa được tháo gỡ triệt để. Năm 2025 được xem là năm bản lề, đánh dấu sự trở lại của Novaland với chiến lược vận hành tinh gọn và hiệu quả cao. Ông Nhơn khẳng định Novaland không tái cấu trúc chỉ để tồn tại mà để bứt phá, bước vào giai đoạn phát triển hoà nhập với sự tăng trưởng hai con số của quốc gia. Ngoài TP HCM, tập đoàn đã và đang phát triển nhiều dự án quy mô hàng nghìn héc-ta.

Bước vào năm 2025, ông Bùi Thành Nhơn và toàn thể Novaland xem đây là một năm phục hồi và bứt phá. Ông khẳng định: "Novaland sẽ không chỉ vượt qua thử thách mà còn trở thành một biểu tượng mới của sự phát triển bền vững, của sự tái sinh mạnh mẽ và của một thế hệ doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế."

Novaland đã trải qua những năm khó khăn nhất trong lịch sử 32 năm hoạt động của mình. Năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ sau thuế 4.351 tỷ đồng, trong khi một năm trước đó vẫn lãi 486 tỷ đồng. Tổng tài sản của Novaland tính đến ngày 31/12/2024 đạt 238.181 tỷ đồng, giảm 1,4% so với thời điểm đầu năm, trong đó chiếm phần lớn là 146.611 tỷ đồng hàng tồn kho với các dự án bất động sản đang xây dựng.

Novaland đang phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ, tạo áp lực tài chính đáng kể cho tập đoàn. Tính đến cuối năm 2024, tổng nợ phải trả của Novaland đạt 190.473 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính lên đến 61.532 tỷ đồng, bao gồm 36.946 tỷ đồng vay ngắn hạn và 24.586 tỷ đồng vay dài hạn. Đặc biệt, vay ngắn hạn đã tăng 19,4% so với đầu năm, tạo áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn.

Báo cáo tài chính cho thấy Novaland đang đối mặt với tình trạng tiền mặt cạn kiệt khi chỉ còn gần 300 triệu đồng, trong khi lượng tiền gửi ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng lại đang được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay và bảo lãnh. Ngoài ra, 1.360 tỷ đồng tiền đang bị quản lý bởi ngân hàng cho vay theo mục đích sử dụng cho từng dự án, hạn chế khả năng linh hoạt trong việc sử dụng nguồn tiền. Tình trạng này khiến Novaland gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn và đầu tư phát triển dự án.

Một trong những thách thức lớn nhất mà Novaland đang đối mặt là các vướng mắc pháp lý tại nhiều dự án trọng điểm. Dự án Aqua City tại Đồng Nai - một trong những dự án trọng điểm của Novaland - đã bị vướng mắc pháp lý hơn 2 năm qua. Từ quý II/2025, một số dự án trọng điểm của Novaland được kỳ vọng được tháo gỡ về pháp lý. Aqua City dự kiến hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 và cấp giấy phép bán hàng cho các phân khu phù hợp quy hoạch mới

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2025, Novaland dự kiến lỗ thấp nhất 12 tỷ, cao nhất 688 tỷ đồng, tùy vào tiến độ gỡ vướng mắc pháp lý. Dù vậy, đây vẫn là sự cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 4.395 tỷ đồng của năm 2024.

Tuấn Hào

Các tin khác

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Thủ tướng: Đề án phát triển kinh tế tư nhân phải mang tầm chiến lược

Nêu định hướng xây dựng đề án phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, cách thể hiện phải ngắn gọn, giản dị nhưng mang tầm chiến lược, bảo đảm: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền; dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai, dễ giám sát, dễ đánh giá.