Xã hội

Báo động ‘trẻ vị thành niên sinh con’ - Kỳ 1: Thực trạng đau lòng

Tóm tắt:
  • Tình trạng trẻ vị thành niên sinh con đang gia tăng nghiêm trọng tại TP.HCM, với hàng trăm trường hợp mỗi năm.
  • Mô hình Bồ Công Anh hỗ trợ nhiều em mang thai, cho thấy hoàn cảnh khó khăn và thiếu hỗ trợ về mặt pháp lý của gia đình.
  • Đáng chú ý, ca mang thai nhỏ nhất chỉ mới 11 tuổi, với phần lớn trường hợp ở những khu vực đông dân cư.
  • Thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản là nguyên nhân chính dẫn đến mang thai không an toàn ở trẻ vị thành niên.
  • Con số phá thai trong độ tuổi 15-19 tại Việt Nam cao, đòi hỏi sự can thiệp từ cộng đồng và cơ quan chức năng.

Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại (còn gọi là mô hình Bồ Công Anh) từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ vị thành niên sinh con.

Nhân viên xã hội của mô hình Bồ Công Anh đã ghi nhận một trường hợp bé gái 14 tuổi, mang thai hơn 37 tuần và sinh thường. Em từng học hết lớp 6, ba mẹ làm nghề tự do. Em có bạn trai 21 tuổi và cho biết cả hai quan hệ tình dục một cách tự nguyện.

Mô hình Bồ Công Anh cũng từng tiếp nhận một bé gái 16 tuổi đã sinh con. Qua tiếp xúc, nhân viên xã hội biết được rằng ba em mất sớm, em sống cùng mẹ. Sau khi học hết lớp 6, em nghỉ học và đi làm phục vụ ở một quán nước. Em có bạn trai và chia sẻ rằng cả hai quan hệ tự nguyện. Tuy nhiên, gia đình em từ chối hỗ trợ về mặt pháp lý.

Báo động ‘trẻ vị thành niên sinh con’: Thực trạng đau lòng  - Ảnh 1.

Nhân viên xã hội của mô hình Bồ Công Anh đến thăm hỏi, hỗ trợ một trường hợp "trẻ em sinh trẻ em"

ẢNH: T.N

Một trường hợp khác là bé gái 14 tuổi, đang mang thai ở tuần thứ 28. Em mồ côi cha mẹ, hiện sống cùng bà nội và anh trai. Bà nội đã lớn tuổi, mất sức lao động; cả gia đình phụ thuộc vào thu nhập của người anh. Khi tiếp xúc, nhân viên xã hội ghi nhận em có nhu cầu được tạm lánh trong quá trình mang thai cho đến khi sinh con xong.

Từ đó, mô hình Bồ Công Anh đã kết nối với Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thai kỳ và hỗ trợ nơi ở tạm thời cho em. Sau khi em sinh con và đủ điều kiện xuất viện, các bên sẽ phối hợp thực hiện thủ tục xuất viện và đưa em trở về nhà. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục theo dõi và hỗ trợ em trong giai đoạn sau sinh.

Ca mang thai nhỏ nhất chỉ mới 11 tuổi

Những trường hợp trẻ vị thành niên mang thai và sinh con được mô hình Bồ Công Anh tiếp nhận chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi trên thực tế, Bệnh viện Hùng Vương chỉ là một trong những bệnh viện phụ sản lớn tại TP.HCM và cũng đã tiếp nhận hàng trăm trường hợp tương tự.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ tháng 3.2023 đến tháng 9.2024, Bệnh viện Hùng Vương đã ghi nhận 687 trường hợp trẻ vị thành niên sinh con, trong đó có đến 184 em lựa chọn bỏ thai.

Điều đáng lưu ý là TP.HCM còn có nhiều bệnh viện phụ sản lớn khác, tiếp nhận bệnh nhân từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, chứ không chỉ phục vụ người dân sinh sống tại thành phố. Vì vậy, con số thực tế về trẻ vị thành niên mang thai có thể còn cao hơn nhiều so với những gì được ghi nhận tại một vài cơ sở.

Mô hình Bồ Công Anh đã phân tích chi tiết các trường hợp mà họ hỗ trợ, bao gồm thông tin về độ tuổi nạn nhân, khu vực xảy ra vụ việc, số lượng ca, hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn, dịch vụ được cung cấp và nhận thức của cả nạn nhân lẫn người thân trong gia đình.

Tính từ tháng 3.2023 đến ngày 12.3.2025, mô hình Bồ Công Anh đã hỗ trợ tổng cộng 224 trường hợp nghi bị bạo lực hoặc xâm hại tình dục. Trong số đó, có 194 trường hợp là trẻ vị thành niên sinh con (có 74 trường hợp dưới 16 tuổi và 120 trường hợp ở độ tuổi từ 16 đến 17). Đáng chú ý, ca mang thai nhỏ tuổi nhất chỉ mới 11 tuổi.

Phần lớn các vụ việc xảy ra ở các khu vực có mật độ dân cư cao như H.Bình Chánh, Q.Bình Tân, Q.8, H.Hóc Môn, Q.Tân Phú, Q.12.

Về trình độ học vấn, phần lớn nạn nhân đều đã nghỉ học sớm với tỷ lệ chiếm gần 78% trong tổng số.

Báo động ‘trẻ vị thành niên sinh con’: Thực trạng đau lòng  - Ảnh 2.
Báo động ‘trẻ vị thành niên sinh con’: Thực trạng đau lòng  - Ảnh 3.

Nơi đón tiếp của mô hình Bồ Công Anh ở Bệnh viện Hùng Vương

ẢNH: T.N

Báo cáo cũng ghi nhận rằng đa số trẻ em bị bạo lực, xâm hại đến từ những gia đình không đầy đủ cha mẹ.

Các em thường sống trong hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, mồ côi cha hoặc mẹ, bị bỏ rơi, cha mẹ và con cái sống ở các địa phương khác nhau hoặc thậm chí sống cùng bạn trai.

Ngoài ra, hoàn cảnh kinh tế của gia đình các em cũng rất khó khăn. Cha mẹ thường làm công nhân, lao động tự do, làm thợ, làm rẫy hoặc buôn bán nhỏ lẻ.

Một vấn đề khác cũng đáng quan tâm là phản ứng của gia đình trước các vụ việc xâm hại tình dục. Trong 182 trường hợp, gia đình chấp nhận việc con em bị xâm hại, không phản đối mà còn để các em sống chung với người gây ra sự việc, chờ đủ tuổi để đăng ký kết hôn hoặc đã tổ chức đám cưới. Có 19 trường hợp gia đình chọn cách im lặng, không trình báo công an. Chỉ có 18 trường hợp là gia đình chủ động báo công an, tố giác hoặc có hành động pháp lý.

Trẻ vị thành niên sinh con: Vấn đề mang tính toàn cầu

Theo ông Trần Công Bình, chuyên gia bảo vệ trẻ em, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM, tình trạng trẻ vị thành niên mang thai là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đáng lo ngại này.

Số liệu từ Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) cho thấy, mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 trẻ gái dưới 15 tuổi sinh con, chủ yếu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Ngoài ra, tại các nước đang phát triển, mỗi năm có ít nhất 10 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở nhóm tuổi 15 - 19 và 3,9 triệu trường hợp phá thai không an toàn trong nhóm tuổi này.

Tại Việt Nam, tình hình cũng đáng báo động. Theo báo cáo điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản và tình dục, chỉ 17,4% trẻ vị thành niên hiểu đúng về thời điểm phụ nữ có thể mang thai và chỉ 25,9% biết cách sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Điều này phản ánh sự thiếu hụt kiến thức cơ bản về sức khỏe tình dục trong giới trẻ.

Ông Bình nhận định rằng, thực trạng thiếu hiểu biết này dẫn đến những hậu quả nặng nề. Thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm cả nước có từ 300.000 đến 400.000 ca phá thai trong độ tuổi từ 15 đến 19.

Riêng tại TP.HCM, trong giai đoạn 2019 - 2021, tỷ lệ mang thai ở thanh thiếu niên tăng gần 18% so với những năm trước. Đáng lo hơn, riêng trong năm 2020, TP.HCM ghi nhận hơn 20.000 ca phá thai ở phụ nữ dưới 19 tuổi và đây là một con số đáng lo ngại.

“Những con số và nghiên cứu này cho thấy tình trạng mang thai sớm, phá thai và sinh con ở trẻ em và thanh thiếu niên tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung là một vấn đề nghiêm trọng. Để giải quyết hiệu quả, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ cơ quan chức năng, cộng đồng và chính gia đình”, ông Bình nhấn mạnh. (còn tiếp)

Các tin khác

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.