Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 0,71 điểm (0,05%) lên 1.510,25 điểm, HNX-Index tăng 0,97 điểm (0,39%) đạt 248,82 điểm, UPCoM-Index tăng 0,61 điểm (0,59%) lên 104,63 điểm.
Tiếp nối xu hướng tăng mạnh của phiên trước, VN-Index mở cửa tăng hơn 8 điểm trong phiên sáng nay. Xu hướng tăng đồng thuận có thời điểm đẩy chỉ số tăng hơn 13 điểm lên trên ngưỡng 1.523 điểm, chỉ cách vùng đỉnh lịch sử thiết lập ngày 6/1/2022 khoảng 5 điểm.
Song, áp lực bán tại vùng giá cao cùng sự đảo chiều của cổ phiếu "họ Vin" khiến VN-Index hạ độ cao, dừng phiên sáng chỉ còn tăng gần 1 điểm.
Rổ VN30 phân hóa trở lại với 14 mã tăng/13 mã giảm, 3 cổ phiếu giữ giá không đổi là BVH, SHB, SSB. Bên chiều tăng điểm, VJC tăng trần phiên thứ 2 liên tục, HDB tăng 3,3% lên 26.300 đồng/cp, theo sau là VPB (+2%), VIB (+1,4%), SAB (+1,2%), GVR (+1,1%), BCM (+1%)...
Ở phía đối diện, ba cổ phiếu trong hệ sinh thái Vingroup gây áp lực chính lên thị trường, trong đó VHM giảm 2,4% xuống 93.200 đồng/cp, VIC và VRE giảm lần lượt 1,8% và 1,6%. Chỉ ba mã này đã lấy đi hơn 4 điểm của VN-Index. Bên cạnh đó, nhiều bluechip nhóm ngân hàng cũng dừng phiên sáng trong sắc đỏ như STB, TCB, LPB, CTG, BID...

VIC, VHM gây áp lực chính lên thị trường phiên sáng ngày 23/7. (Nguồn: VNDirect).
Bên cạnh cổ phiếu "họ Vin", nhiều mã bất động sản cũng giao dịch kém sắc trong phiên sáng nay. Trong đó, LDG giảm sàn phiên thứ 3 liên tục, HPX, CEO giảm lần lượt 2,9% và 1,3%, CII, DXG, SCR, VPH, NVL, PDR, L14, DXS lùi dưới tham chiếu.
Trong khi đó, cổ phiếu của các công ty chứng khoán giữ nhịp thị trường với WSS và VDS tăng hết biên độ. Nhiều mã tuy hạ nhiệt những vẫn ghi nhận mức tăng mạnh như CTS (+6,5%), ABW (+5,6%), HAC (+4,8%), VIX (+3,6%), EVS (+2,8%), VND (+2,4%), SHS (+2,3%)...
Thanh khoản thị trường được đẩy lên cao với tổng khổi lượng giao dịch đạt trên 1 tỷ cổ phiếu, tương đương gần 24.300 tỷ đồng. Trên HOSE, giá trị giao dịch tăng 20% lên 21.857 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về phe mua với 439 mã tăng, trong khi chỉ có 254 mã giảm và 189 mã đứng giá tham chiếu.
Liên quan đến giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài, họ duy trì vị thế bán ròng trên HOSE với quy mô hơn 630 tỷ đồng, tâm điểm rút vốn là VIX (232 tỷ đồng), VSC (74 tỷ đồng), GEX (70 tỷ đồng)... Ở phía đối diện, VPB được gom ròng nhiều nhất với hơn 110 tỷ đồng, theo sau là HSG (89 tỷ đồng), HDB (38 tỷ đồng)...