Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 4, toàn thị trường có tổng cộng 21 đợt phát hành trái phiếu để huy động hơn 34.000 tỷ đồng. Trong đó, 19 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 30.067 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 4.000 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng lớn trong số lượng trái phiếu phát hành tháng 4 là ngân hàng, với 14 đợt phát hành, trị giá hơn 21.000 tỷ đồng, gồm ACB, PGBank, VietinBank, Techcombank, MSB, ABBank. Lãi suất các kỳ hạn trái phiếu phổ biến từ 5,2%/năm đến 5,8%/năm.

Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trở lại sau 3 tháng gần như "nằm im" (Ảnh: Mạnh Quân).
Phần còn lại trong tháng 4 là khoảng 13.000 tỷ đồng trái phiếu được huy động bởi doanh nghiệp ngành tài chính, tiện ích và bất động sản. Đây là tháng đầu tiên trong năm nay có 3 doanh nghiệp bất động sản phát hành thành công.
Cụ thể, Vingroup phát hành 3 đợt với tổng giá trị 9.000 tỷ đồng, lãi suất mỗi đợt dao động 12%/năm đến 12,5%/năm. Công ty Tư vấn và Kinh doanh bất động sản TCO phát hành một đợt 3.000 tỷ đồng. Công ty TNHH OCECO - NQ ở Nghệ An huy động 490 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, lãi suất 8,5%/năm.
Ngoài ra F88 phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 10,5%/năm còn Công ty TNHH Truyền dẫn nước sạch Xuân Mai - Hà Nội phát hành 317 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 5,75%/năm.
Trong tháng 4, các doanh nghiệp đã mua lại 10.318 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2024. Trong 8 tháng còn lại của năm, VBMA ước tính sẽ có khoảng 163.212 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 86.444 tỷ đồng, tương đương 53%.
Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 2 mã trái phiếu chậm trả lãi 10,3 tỷ đồng trong tháng 4. VAMA không nêu chi tiết 2 mã này.
Trước đó, trong 3 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận 11 đợt phát hành để huy động hơn 20.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu. Các ngân hàng và công ty chứng khoán chiếm toàn bộ giá trị phát hành giai đoạn này.
Trong quý I, có 3 đợt chậm trả lãi trái phiếu mới từ 3 tổ chức phát hành lần đầu ghi nhận chậm trả, theo số liệu từ VIS Rating. Các trái phiếu chậm trả từ Công ty Xi măng Long Thành và Tập đoàn R&H, phản ánh tình hình tài chính khó khăn khi cả 2 công ty liên tục báo lỗ trong giai đoạn năm 2022-2023 bởi những thách thức trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi - xi măng và bất động sản nghỉ dưỡng.
Trái phiếu chậm trả còn lại, được phát hành bởi Công ty Xây dựng Tracodi, nằm trong số 5 trái phiếu bị đình chỉ giao dịch liên quan đến hệ sinh thái Bamboo Capital.