Thị trường chứng khoán vừa khép lại một tuần đầy biến động với dấu ấn đậm nét của các Bluechips trong đó nổi bật phải kể đến bộ đôi FPT và MWG. Cả 2 cổ phiếu đều có cú bứt tốc ngoạn mục làm nức lòng nhà đầu tư đang nắm giữ đồng thời đẩy vốn hóa lên trên 100.000 tỷ đồng.
MWG có khởi đầu tháng 4 đầy rực rỡ khi tăng hết biên độ, lập đỉnh mới 156.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong 2 tuần giao dịch, cổ phiếu này đã tăng gần 20%, vốn hóa thị trường tương ứng hơn 114.000 tỷ đồng, cao hơn 74% so với thời điểm cách đây một năm. Lần gần nhất MWG tăng trần đã cách đây 6 tháng vào ngày 9/9/2021, thời điểm đó vốn hóa của doanh nghiệp bán lẻ này còn chưa đến 90.000 tỷ đồng.
Cổ đông FPT thậm chí còn phải đợi lâu hơn để thấy lại màu tím khi sau tròn 14 tháng kể từ ngày 29/1/2021 cổ phiếu này mới tăng trần một lần nữa. Cổ phiếu này sau đó vẫn không ngừng leo dốc và lập đỉnh mới 111.000 đồng/cổ phiếu ngay phiên đầu tháng 4/2022. Vốn hóa thị trường vừa kịp vượt ngưỡng 100.000 tỷ đồng để tiếp tục bám đuổi MWG.
Cuộc đua vốn hóa giữa FPT và MWG ngày càng hấp dẫn
Thực tế, MWG xuất phát sau rất nhiều khi mới niêm yết từ tháng 7/2014 trong khi FPT là cái tên "gạo cội" đã lên sàn trước đó gần 8 năm vào tháng 12/2006. Thời điểm MWG mới "chân ướt chân ráo" lên sàn, FPT đã nằm trong top những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường với giá trị hơn 13.000 tỷ đồng. Dù là một "tân binh" thời điểm đó nhưng MWG cũng không phải dạng vừa khi bùng nổ ngay phiên chào sàn HoSE (+20%) qua đó đưa vốn hóa lên hơn 6.500 tỷ đồng.
Khởi điểm với vốn hóa chỉ bằng một nửa FPT nhưng MWG đã nhanh chóng tăng tốc và chạy đua sòng phẳng với "đàn anh". Thậm chí, từ giữa năm 2016, MWG đã bắt đầu vượt qua và dần bỏ xa FPT về vốn hóa dù tốc độ tăng trưởng của cổ phiếu đầu ngành công nghệ cũng rất ấn tượng.
Sau hơn 3 năm, vốn hóa của MWG đã gấp 1,5 lần so với FPT vào thời điểm cuối năm 2019 và tưởng chừng khoảng cách sẽ khó thể san lấp khi ngành bán lẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 bùng phát gần như đã xóa tan mọi khoảng cách và đưa 2 Bluechips này trở về vạch xuất phát với vốn hóa chưa đến 30.000 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2020.
Từ đây, cuộc đua trở nên hấp dẫn hơn nhiều khi cả FPT và MWG đều phục hồi nhanh chóng và bứt phá mạnh mẽ sau đó. FPT cũng không còn quá lép về trước MWG và nhiều thời điểm còn vượt lên trên. Dù cổ phiếu nào dẫn trước thì khoảng cách giữa 2 "siêu cường" này cũng rất sát sao và bất kỳ lúc nào cũng có thể bắt kịp, thậm chí vượt qua.
"Thỏi nam châm" hút vốn ngoại
Bên cạnh cuộc đua vốn hóa đắt giá, FPT và MWG còn nổi tiếng hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí không quá nếu nói rằng "khối ngoại sẵn sàng mua 100% ngay trong đêm, nếu được cho phép". Bộ đôi này thường xuyên "kín room" ngoại khiến các nhà đầu tư đến sau gặp khó nếu muốn sở hữu.
Để nắm giữ những cổ phiếu "hot" này, nhà đầu tư ngoại thậm chí phải chấp nhận mua lại với mức giá chênh (premium) hàng chục phần trăm so với thị trường thông qua giao dịch tại Trung tâm lưu ký (VSD).
Dragon Capital, Pyn Elite Fund, những quỹ ngoại lớn nhất TTCK Việt Nam từng cho biết mức premium với MWG rất cao, thường vào khoảng 40% đến 50% so với thị trường. Trong khi đó, FPT có mức premium thấp hơn đôi chút, cũng từ 15% đến 20%. Với REE vào khoảng 7% đến 10%.
Trước năm 2021, VSD thường phát ra thông báo về hoạt động giao dịch của nhà đầu tư ngoại tại các cổ phiếu "kín room" như FPT, MWG…Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây các thông báo này khá hiếm xuất hiện trên VSD. Thay vào đó, các cổ phiếu này thường xuất hiện giao dịch thỏa thuận trực tiếp trên sàn (biên độ tối đa 7%).
Điều này cho thấy khối ngoại đã không còn phải chi ra mức chênh lớn như trước để sở hữu những cổ phiếu "kín room". Thay vào đó, nhà đầu tư nước ngoài có một lựa chọn khác để gián tiếp sở hữu FPT, MWG thông qua chứng chỉ quỹ quỹ ETF Diamond khi 2 cổ phiếu này có tỷ trọng lớn nhất trong rổ đều ở mức 15%.
Năm 2020, Pyn Elite Fund đã thoái toàn bộ vốn khỏi MWG cho các quỹ ngoại khác và phần lớn được thực hiện thông qua VSD với mức giá chênh lệch hàng chục phần trăm. Sau thương vụ này, Pyn Elite Fund đã lãi lớn nhờ có được thặng dư (Premium) nhờ việc bán MWG cho các quỹ ngoại khác (chênh hàng chục phần trăm so với thị trường), trong khi vẫn gián tiếp sở hữu MWG và các cổ phiếu kín room khác thông qua VFM VNDiamond ETF.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các cổ phiếu "kín room" đã hết hấp dẫn. Minh chứng rõ ràng nhất là những phiên khối ngoại chớp thời cơ mua ròng rất nhanh khi các cổ phiếu FPT, MWG "hở room" do ESOP.
Bệ phóng từ nền tảng cơ bản vững chắc
Một trong những yếu tố quan trọng giúp 2 cổ phiếu FPT và MWG luôn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đến từ nền tảng kinh doanh tăng trưởng cao duy trì trong nhiều năm và được dự báo vẫn chưa dừng lại.
Với FPT, tập đoàn tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số năm 2022 với kế hoạch doanh thu đạt 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (LNTT) 7.618 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 20,2% so với thực hiện năm 2021. 2 tháng đầu năm, doanh thu của FPT ước tính đạt 6.102 tỷ đồng, tăng 27% và LNTT đạt 1.102 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Việc các thị trường nước ngoài phục hồi với nhu cầu chuyển đổi số tăng cao, Chứng khoán Agriseco kỳ vọng FPT sẽ tiếp tục ghi nhận các hợp đồng ký mới với tốc độ tăng trưởng hơn 30%, đóng góp đà tăng trưởng lợi nhuận 20% năm 2022.
Lạc quan hơn, SSI Research đánh giá LNTT năm 2022 của FPT có thể tăng trưởng 24,6% so với cùng kỳ trong đó dẫn dắt bởi mảng công nghệ, tăng trưởng 30,2% so với cùng kỳ nhờ cải thiện biên lợi nhuận. LNTT dịch vụ CNTT nước ngoài ước tính tăng 30% trong khi LNTT dịch vụ CNTT trong nước ước tính tăng trưởng 32% so với cùng kỳ.
Không chịu kém cạnh, MWG cũng lên kế hoạch năm 2022 với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) 6.350 tỷ đồng, tương ứng tăng 14% và 30% so với năm trước. 2 tháng đầu năm, doanh thu của MWG đạt 25.383 tỷ đồng, tăng 17% và LNST đạt 1.077 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian tới, MWG có nhiều câu chuyện đáng chờ đợi nổi bật là phương án chào bán vốn cổ phần riêng lẻ của Bách Hóa Xanh (BHX). Tỷ lệ chào bán tối đa là 20% vốn cổ phần của BHX. Thời gian hoàn tất giao dịch dự kiến trong giai đoạn 2022-2023.
Mục đích sử dụng vốn là đầu tư cho trung tâm phân phối, tài sản cố định, công nghệ, đầu tư phát triển mạnh mẽ kênh bán hàng online và mở rộng chuỗi BHX ra toàn quốc. Đối tượng phát hành sẽ là những đối tác, nhà đầu tư trong khu vực hoặc trên thế giới (ngoại trừ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại Việt Nam) chào mua cổ phần của BHX với định giá cao nhất.
Trước đó, MWG đã thể hiện tham vọng "đánh chiếm" thị trường Indonesia khi công bố hợp tác chiến lược với Tập đoàn Erajaya để thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronik (Era Blue). Mục tiêu của liên doanh là phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ điện máy số 1 tại Indonesia và niêm yết công ty này trong 5 năm tới. Cửa hàng Era Blue đầu tiên dự kiến sẽ mở cửa phục vụ người tiêu dùng vào giữa năm 2022 tại Jakarta.
Liên doanh Era Blue đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển ở nước ngoài của MWG và kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực giúp nối dài chuỗi tăng trưởng trong tương lai. Sự cộng hưởng giữa thế mạnh của hai bên được kỳ vọng sẽ giúp Era Blue rút ngắn thời gian hiện thực hóa tầm nhìn trở thành nhà bán lẻ thống lĩnh thị trường Indonesia.
Với nhiều câu chuyện hấp dẫn, khả năng tăng trưởng của bộ đôi FPT và MWG vẫn được giới đầu tư đánh giá cao và điều này sẽ tiếp tục "bơm" nhiên liệu cho cuộc đua vốn hóa chưa thấy đích của 2 Bluechips này.