Theo báo cáo thị trường công bố mới đây của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC), nền kinh tế cho thấy sự giảm sút rõ rệt trong tháng 11, nhất là lĩnh vực sản xuất.
Các yếu tố như vốn FDI đăng ký, xuất nhập khẩu, IIP, PMI đều cho thấy sự chậm lại và suy giảm của các ngành sản xuất, nguyên nhân chung là do tỷ giá USD tăng cao gây khó khăn cho nhập khẩu nguyên vật liệu cũng như chi phí vận chuyển quốc tế và lãi suất tăng làm giảm nhu cầu tiêu dùng ở cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Số liệu PMI cho thấy số đơn đặt hàng mới ở cả hai thị trường đều sụt giảm lần đầu tiên trong tháng 11. Gần đây, nhiều công ty, nhà máy cũng cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng mới.
Các nhà phân tích cho rằng một nguyên nhân khác là do Tết Nguyên đán năm nay gần Tết Dương lịch hơn mọi năm, kết hợp bối cảnh vĩ mô khó khăn, tạo nên hiệu ứng các công ty giảm hoạt động sớm để chốt số cuối năm cũng như chờ sang năm 2023. Theo đó, nhóm phân tích cho rằng lĩnh vực sản xuất sẽ chưa thể phục hồi sớm trong tháng 12.
Về diễn biến thị trường chứng khoán, VN-Index đóng cửa ở mức 1.048 điểm, tăng 1,99% so với tháng trước, mức thấp nhất của VN-Index trong tháng 11 cũng đã giảm dưới mức 900 điểm. Đồng thời, đồ thị giá của chỉ số chính giảm về gần đường trung bình 100 tháng với khối lượng giao dịch tăng mạnh so với tháng 9 và 10/2022.
Đồ thị giá của chỉ số chính có dấu hiệu hồi phục từ vùng quá bán cho thấy lực cầu đang cải thiện và Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng thị trường có thể sẽ tiếp tục nhịp hồi phục trong tháng 12 với mức kháng cự mạnh là 1.225 điểm.
Với luận điểm thị trường vẫn đang trong "mùa mưa" dài hạn, Yuanta Việt Nam cho rằng xu hướng dài hạn của VN-Index vẫn duy trì ở mức giảm và rủi ro dài hạn vẫn ở mức cao. Do đó, các nhà phân tích khuyến nghị các nhà đầu tư dài hạn chưa nên mua vào giai đoạn này và chỉ nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp, ở mức 30 - 35% danh mục.