Theo Tổng cục Hải quan, tháng 10, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 69,24 tỷ USD, tăng 5,2%, tương ứng tăng 3,4 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 35,64 tỷ USD, tăng 4,6%, tương ứng tăng 1,56 tỷ USD và trị giá nhập khẩu là 33,60 tỷ USD, tăng 5,8%, tương ứng tăng 1,84 tỷ USD so với tháng trước.
Lũy kế 10 tháng, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 647,91 tỷ USD, tăng 15,8%, tương ứng tăng 88,61 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, FDI đạt 438,83 tỷ USD, tăng 14,2% (tương ứng tăng 54,55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, còn khối doanh nghiệp trong nước tăng 19,5% so với cùng kỳ, với trị giá là 209,08 tỷ USD (tương ứng tăng 34,07 tỷ USD).
Cụ thể, trong 10 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 335,63 tỷ USD, tăng 14,9%, tương ứng tăng 43,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị xuất khẩu tăng mạnh ở các nhóm hàng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 12,13 tỷ USD; máy móc, thiết bị và phụ tùng tăng 7,63 tỷ USD; hàng dệt may tăng 2,9 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 2,31 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,18 tỷ USD; giày dép các loại tăng 2,12 tỷ USD; hàng rau quả tăng 1,34 tỷ USD và cà phê tăng 1,29 tỷ USD; sản phẩm từ chất dẻo tăng 1,28 tỷ USD và máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 1,07 USD…
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu là 312,28 tỷ USD, tăng 16,8%, tương ứng tăng 45,03 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng mạnh nhất là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 16,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, trong tháng 10, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 2,03 tỷ USD. Tính chung 10 tháng, con số này là 23,35 tỷ USD, thấp hơn 1,45 tỷ USD so với con số thặng dư 24,8 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam 10 tháng là kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực, duy trì mức tăng cao, trong đó khu vực kinh tế trong nước đã có sự nỗ lực vượt bậc khi có tốc độ tăng của kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
"Động lực chủ yếu là sự phục hồi nhu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất các mặt hàng chủ lực", Tổng cục Thống kê nêu rõ.
Để thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu đạt được kết quả như kỳ vọng, trong hai tháng cuối năm, Tổng cục Thống kê đề xuất cần triển khai nhiều giải pháp như: Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA; tiếp tục đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng của Việt Nam. Đồng thời, tập trung nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác phòng vệ thương mại trước xu hướng gia tăng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Cũng như, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm; tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường và đa dạng hóa thị trường nhập khẩu.
Đặc biệt, cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường mà Việt Nam nhập siêu.