Mới đây, trên đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội), một tài xế điều khiển xe máy mặc áo xe ôm công nghệ chở theo một chiếc xe máy nhãn hiệu Honda Dream. Đáng nói, trên chiếc xe máy được chở phía sau là một người phụ nữ đang ngồi vắt vẻo trên yên xe, rất nguy hiểm.
Đội CSGT số 7 – Phòng CSGT (Công an TP.Hà Nội) cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin sự việc và gửi giấy mời yêu cầu chủ xe lên trụ sở làm việc.
Tài xế xe máy “công kênh cả người lẫn xe” đi vun vún giữa phố Hà Nội
Từ vụ việc này, nhiều bạn đọc thắc mắc, chiếc xe máy trên tham gia giao thông chở hàng hóa kèm người rất cồng kềnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cho những người đang lưu thông khác thì có bị xử lý không? Mức xử phạt hành vi trên được quy định như thế nào?
Trao đổi với PV về thắc mắc của độc giả, luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, việc chở hàng hóa kèm người trên xe như tài xế trên là vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Kiên, pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ về giới hạn xếp hàng hóa trên xe. Cụ thể, theo khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về giới hạn sắp xếp hàng hóa trên mô tô, xe gắn máy như sau:
Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét.
Trong đó, giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất trên xe mô tô, xe gắn máy được hiểu là một loại baga chở hàng, được tính từ mép hai bên hông và mép sau của baga.
Như vậy, nếu xe mô tô, xe gắn máy chở hàng vượt quá quy định nêu trên thì bị coi là chở hàng cồng kềnh và sẽ bị xử phạt lỗi xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.
Về mức xử phạt, luật sư Kiên cho hay, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP) sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác; người được chở trên xe đứng trên yên… sẽ bị xử phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Với lỗi vi phạm trên, nếu gây tai nạn giao thông, ngoài phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.