Tài chính

VND có giữ mức mất giá thấp hơn các đồng tiền trong khu vực?

Các động thái Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục thực hiện là: Hút ròng tiền qua kênh tín phiếu lên tới gần hàng trăm nghìn tỷ đồng; “bơm” thanh khoản cho các ngân hàng vẫn phải vay mượn lãi cao qua kênh OMO để điều tiết tiền trong hệ thống; Bán bớt dự trữ ngoại tệ, cung USD ra thị trường...

VND có giữ mức mất giá thấp hơn các đồng tiền trong khu vực? - Ảnh 1.

Ngân hàng đang hút ròng tiền hàng trăm nghìn tỷ ra khỏi hệ thống. Ảnh: Quốc Tuấn

Nhưng NHNN cũng không thể ghim giữ áp lực tỷ giá với mức giảm giá VND thấp khi sức mạnh đồng bạc xanh tăng lên. Đầu tuần trước, NHNN đã điều chỉnh chính sách bán ngoại tệ từ bán kỳ hạn không hủy ngang 3 tháng sang bán giao ngay và nâng giá mua tại sàn NHNN lên 23.400 đồng. Như vậy tỷ giá USD/VND tăng 2,5% so với cuối năm 2021. Cá biệt có phiên, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá tăng thêm tới 27 đồng, một mức điều chỉnh nâng giá mua tại sàn rất cao cho thấy động thái linh hoạt "rộng tay" của NHNN qua tỷ giá trung tâm và "áp sát" biến động 2 chiều lên xuống của tỷ giá trên thị trường.

Trước đó, đến gần cuối tháng 5/2022, tỷ giá USD/VND chỉ tăng 1,6% so với cuối năm 2021. Áp lực điều chỉnh tỷ giá rõ ràng ngày càng tăng và khác với trước đây lúc VND chỉ đi ngang khi các đồng tiền trong khu vực vẫn giảm.

Trong cả tuần qua (4-8/7), trên thị trường mở, cơ quan quản lý thị trường đã sử dụng kênh tín phiếu kỳ hạn ngắn hút ròng lên đến 99.750 tỷ đồng. Tính chung 14 phiên liên tiếp, NHNN đã hút ròng tiền đồng khỏi thị trường tổng khối lượng tiền xấp xỉ 277.000 tỷ đồng.

Còn tính đến 30/6, theo báo cáo của SSI Research, đồng VND đã giảm -2,0% so với cuối năm 2021, và giao dịch quanh mức VND 23.280/USD.

"Việc giảm giá có thể đến một phần từ áp lực vĩ mô trong nước (lạm phát tăng, lãi suất được NHNN cam kết giữ ổn định), và một phần chịu ảnh hưởng của đồng USD và triển vọng tăng lãi suất tại Mỹ. Nguồn cung ngoại hối cũng có một số dấu hiệu áp lực, khi cán cân thương mại 6 tháng đầu năm thu hẹp xuống còn 710 triệu USD. Tuy nhiên, nếu so với các đồng tiền khác, VND vẫn nằm trong biên độ giảm thấp hơn nhiều như EUR (-7,8% YTD), JPY (-17,9%), CNY (-5,4%), TWD (-6,0%), INR (-6,2%) và THB (-6,3%)", báo cáo của SSI ghi nhận.

Chuyên gia của SSI Research cũng nhận xét, động thái điều chỉnh sách bán ngoại tệ và nâng giá mua của NHNN, hướng đến việc giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất, và có thể quản lý được dòng vốn ngoại tệ trong hệ thống khi các NHTM phải chủ động về nguồn ngoại tệ giao ngay.

"Về cuối năm, chúng tôi kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất – nhập khẩu, và kiều hối. Do vậy, chúng tôi cho rằng trong năm 2022 sức ép lên tỷ giá vẫn còn, và có thời điểm VND có thể mất 2,5-3% so với USD, nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể đi vào giai đoạn cuối, và rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn", các chuyên gia SSI đánh giá.

Còn theo Báo cáo HSBC Việt Nam, định chế này ghi nhận trong quý 2/2022, thâm hụt thương mại của Việt Nam là 0,6 tỷ USD, từ mức thặng dư 1,5 tỷ USD trong quý 1/2022. Điều này có thể khiến tài khoản vãng lai của Việt Nam bị thâm hụt trầm trọng hơn. Kể từ quý 2/2021, lợi thế tài khoản vãng lai của Việt Nam đã dần bị xói mòn, khi mức thặng dư ngày càng giảm không thể bù lại thâm hụt trong dịch vụ và thu nhập chính. "Sau khi chứng kiến mức thâm hụt 1% GDP trong năm 2021, chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ bị thâm hụt năm thứ hai liên tiếp, dù mức thâm hụt sẽ ít hơn năm ngoái, có thể chỉ khoảng 0,3% GDP. Điều này sẽ có thể gây áp lực hơn nữa lên tiền Đồng", HSBC Việt Nam phân tích.

VND có giữ mức mất giá thấp hơn các đồng tiền trong khu vực? - Ảnh 3.

Nhập khẩu ròng năng lượng đã kéo theo tổng giá trị "hóa đơn" nhập khẩu của Việt Nam, khiến thâm hụt thương mại gia tăng. Tuy nhiên với diễn biến giá dầu có tín hiệu hạ nhiệt, Việt Nam kỳ vọng sẽ giảm nhập khẩu hàng hóa trong các quý tới và tăng xuất siêu. Ảnh: Quốc Tuấn

Tuy nhiên bên cạnh đó, một điểm sáng giúp Việt Nam có thể tự vệ trước những rủi ro bên ngoài chính là dựa vào nguồn FDI ổn định, tạo điểm tựa cho cán cân cơ bản. Theo HSBC Việt Nam, trên đà động lực, nguồn vốn FDI mạnh có thể bù lại thâm hụt tài khoản vãng lai trong những quý trước. Cụ thể, FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng, phản ánh sự quan tâm và niềm tin vững chắc của nhà đầu tư vào những điều kiện cơ bản bền vững của Việt Nam.

Điều này (FDI), cộng hưởng cùng kiều hối của Việt Nam được dự báo tiếp tục giữ nguyên dòng chảy về trong nước như đã đạt được trong 2021, kỳ vọng giúp giảm bớt áp lực cung -cầu ngoại tệ, qua đó giảm bớt áp lực mất giá của VND.

Tuy vậy, theo UOB Việt Nam, về tỷ giá, VND không đứng ngoài xu thế giảm giá của các đồng tiền châu Á từ động thái tăng lãi suất quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và lo ngại về sự suy thoái sâu hơn của Trung Quốc.

"Chúng tôi đánh giá các đồng tiền mới nổi ở châu Á bao gồm VND sẽ đối mặt với áp lực giảm giá thêm nữa khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ có nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng thêm lãi suất trong nửa cuối năm 2022. Do đó, chúng tôi cập nhật dự báo tỷ giá USD/VND để phản ánh xu hướng này trong những tháng tới. Dự báo cập nhật của chúng tôi là tỷ giá USD/VND sẽ đạt mốc 23.400 trong quý 3/2022 (mốc mà chúng ta đã từng chứng kiến cú điều chỉnh rộng tay với tỷ giá trung tâm của NHNN ngay trong tuần mới đây -PV), 23.500 trong quý 4/2022, 23.550 trong quý 1/2023 và 23.600 trong quý 2/2023", UOB dự báo.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm