Thời sự

VKSND TP HCM nói gì khi cựu CEO Alibaba nhất quyết không nhận tội

Quá trình luận tội các bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền tại Công ty Alibaba tại phiên xét xử ngày 19-12, VKSND TP HCM đã chỉ ra thủ đoạn tinh vi nhất của bị cáo Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba).

Từ đó, đại diện VKS cáo buộc Nguyễn Thái Luyện phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với vai trò chủ mưu.

Nguyễn Thái Luyện thừa nhận mình là người chỉ đạo cao nhất, xuyên suốt toàn bộ Công ty Alibaba và 22 công ty con, đã giao nhiệm vụ nhân viên dưới quyền đi mua đất. Khung giá đất do bị cáo chỉ định, vị trí đất do bị cáo định hướng...

Tuy nhiên, Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo cho rằng cơ quan điều tra gây oan sai cho mình, VKS truy tố không có cơ sở pháp luật.

VKSND TP HCM nói gì khi cựu CEO Alibaba nhất quyết không nhận tội - Ảnh 1.

HĐXX tại phiên toà.

Đại diện VKS cho rằng bị cáo Luyện là có kiến thức về pháp luật hơn so với các bị cáo khác trong vụ án. Theo đại diện VKS, trả lời HĐXX trước đó, bị cáo cũng khẳng định bị cáo có đủ kinh nghiệm trong kinh doanh bất động sản từ năm 2010. Trong suốt thời gian điều tra, bị cáo nhiều lần phân tích, dẫn chứng các quy định về đất đai để biện minh cho hành vi vi phạm của mình.

Do đó, kiểm sát viên nhận định đủ cơ sở để xác định bị cáo hiểu, biết, buộc phải biết quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản với vai trò của người đúng đầu. Lời khai của bị cáo về việc chỉ đạo nhân viên dưới quyền thực hiện đúng quy định của pháp luật là không có cơ sở chấp nhận.

Theo người thực hành quyền công tố, Công ty Alibaba thành lập năm 2016, tính đến ngày khởi tố vụ án là hơn 3 năm (ngày 13-9-2018), Công ty Alibaba bán 58 dự án nhưng chưa có dự án nào công ty này xin cấp phép, dù chỉ là xin thủ tục.

"Điều này minh chứng các bị cáo không có ý định xin cấp phép đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Tính đến ngày vụ án bị khởi tố, chưa có pháp nhân nào thực hiện các nghĩa vụ tài chính... Cơ quan chức năng còn xác định nhiều dự án sau khi tự vẽ bán không được hoặc còn tồn đọng thì Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo đổi tên, yêu cầu sáp nhận để biến thành dự án mới với tên gọi khác" - đại diện VKS nêu.

Người thực hành quyền công tố cũng nhấn mạnh rất chia sẻ với các bị hại đã gom góp tiền bạc để mua đất làm nhà, mục đích an cư như lời quảng cáo của Công ty Alibaba. Tại phần xét hỏi, các bị hại này đề đạt nguyện vọng được nhận lại đất như hợp đồng.

"Nhưng phải xác định rõ các dự án, các nền đất mà khách hàng đã được Công ty Alibaba cam kết giao sẽ không bao giờ có vì không thoả mãn yêu cầu quy định của pháp luật" - kiểm sát viên nói.

Đại diện VKS cho rằng mặc dù Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng kết quả điều tra cũng như kết quả thẩm vấn tại toà xác định hành vi sử dụng các công ty để lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, quảng cáo dự án có tính pháp lý đầy đủ để kêu gọi ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư là thủ đoạn tinh vi nhất của bị cáo Nguyễn Thái Luyện. Bị cáo thực hiện việc huy động vốn trái pháp luật dựa trên bình phong là kinh doanh bất động sản, mục đích huy động lượng lớn tiền từ hàng nghìn khách hàng.

Thực tế chứng minh không một hợp đồng nào thực hiện vì không có dự án nào hình thành như lời quảng cáo. Các bất động sản này thực chất không phải là dự án, không phải là đất ở mà đều là đất nông nghiệp. Nghiêm trọng hơn, một số thửa đất dù là đất nông nghiệp nhưng các bị cáo cũng không có quyền sử dụng.

Từ những phân tích nêu trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Luyện án chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 5-30 năm tù giam.

Mặt khác, vợ chồng Luyện phải liên đới bồi thường 2.462 tỉ đồng cho khách hàng, buộc nộp lại 13 tỉ đồng cho cơ quan chức năng.


Lý giải vì sao nhân viên Công ty Alibaba lừa đảo người thân

Trước đó, người thực hành quyền công tố đã có lý giải về việc vì sao các bị cáo khác trong vụ án lại lừa chính người thân của mình tham gia đầu tư các dự án không có thật của Công ty Alibaba.

Kiểm sát viên cho rằng nhiều bị cáo là giám đốc các công ty con, để bảo đảm được vị trí lãnh đạo các công ty buộc phải đạt được doanh thu bán hàng. Muốn đạt doanh thu, mỗi bị cáo phải trở thành "nhà đầu tư" tại chính công ty. Đây cũng là cách thức đào tạo tại Công ty Alibaba và phù hợp với lời khai của Nguyễn Thái Luyện trước đó.

Khi chào bán dự án (không có thật) cho khách hàng, các bị cáo sẽ dùng "văn mẫu": "Tôi là dân đầu tư, tôi đã mua đất ở dự án này, dự án kia", để dụ dỗ khách hàng.

photo-1

Các bị cáo tại phiên xét xử

Thậm chí, để đạt được doanh thu mà Luyện yêu cầu, các bị cáo phải kêu gọi cả họ hàng, bạn bè, gia đình tham gia nộp tiền.

"Nghiên cứu toàn diện vụ án, đại diện VKS còn nhận thấy thủ đoạn của bị cáo Nguyễn Thái Luyện rất tinh vi. Bị cáo tận dụng triệt để nhiệt huyết của các bị cáo có tuổi đời rất trẻ, thiếu chín chắn, thiếu kinh nghiệm sống để phục vụ cho mục đích của cá nhân bị cáo. Cụ thể, trong vụ án này, trừ bị cáo Nguyễn Thái Luyện, có đến 14/23 bị cáo sinh vào những năm 1990, tuổi đời còn rất trẻ" - người thực hành quyền công tố nêu.

VKS cũng xác định trong vụ án này, các đối tượng khách hàng mà Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm nhắm đến để chiếm đoạt tiền đa số là khách hàng có điều kiện trung bình hoặc khó khăn.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người sử dụng đất, bị cáo Luyện chỉ đạo đưa ra các thông tin rất cuốn hút như "hạ tầng đầy đủ, gần trường học, giao thông thuận lợi, giá rẻ chỉ vài trăm triệu/nền, thậm chí cho trả góp từ 2-3 triệu đồng/tháng, phụ lục hợp đồng cam kết trả lãi lên tới 28-35%. Tên dự án nghe rất hấp dẫn như Alibaba Phú Mỹ City… để dụ dỗ, lôi kéo khách hàng nhẹ dạ nộp tiền cho bị cáo.

Sau khi phân tích vụ án, đại diện VKSND đề nghị HĐXX xem xét, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) 30 năm tù (20 năm tù tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 12-14 năm tù về tội "Rửa tiền"); bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) 30 năm tù (20 năm tù tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 12-14 năm tù về tội "Rửa tiền"); bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án 5-20 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, buộc các bị cáo Luyện và Mai liên đới bồi thường 2.462 tỉ đồng cho khách hàng, buộc nộp lại 13 tỉ đồng cho cơ quan chức năng.

Sau khi VKSND TP HCM đề nghị mức án đối với các bị cáo, các luật sư tham gia bào chữa nêu quan điểm tranh luận.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm