Thời sự

Vì sao tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết mới sử dụng đã bị ngập?

Trưa 29-7, Ban Quản lý Dự án Thăng Long đã có báo cáo nhanh tình hình ngập trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khiến xe cộ ùn tắc kéo dài vào rạng sáng cùng ngày.

Theo đó, từ ngày 27 đến 29-7, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận liên tục có mưa lớn kéo dài. Đặc biệt, trong đêm 28-7, mưa liên tục với lượng mưa rất lớn.

Vì sao tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết mới sử dụng đã bị ngập? - 1

Ôtô bị nước cuốn trôi trên đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vào sáng 29-7

Đến khoảng 4 giờ 30 phút ngày 29-7, nước đã ngập trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tại khu vực Km 25+419 với phạm vi 100 m, điểm ngập sâu nhất khoảng 70 cm, khiến xe cộ không lưu thông được theo cả hai chiều.

Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân sơ bộ xảy ra tình trạng ngập nước cục bộ tại đây là do lượng mưa lớn, xảy ra liên tục, nước từ hạ lưu không thoát kịp, chảy ngược lại phía thượng lưu rồi tràn ra đường cao tốc.

Khu vực hạ lưu cống Km 25+419 có mương, suối hiện hữu (ngoài phạm vi dự án) thoát nước ra cầu Sông Phan ở Km 24+384. Thời điểm trên, ghi nhận thực tế mực nước dâng đến vị trí đáy xà mũ cầu Sông Phan.

Vì sao tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết mới sử dụng đã bị ngập? - 2

Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết mới hoạt động chưa lâu đã bị ngập

Ngay sau khi nhận được thông tin, đơn vị quản lý tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết phối hợp dùng xe chuyên dụng để ứng cứu các phương tiện bị ngập trong nước; đồng thời bố trí lực lượng túc trực tại chỗ để hướng dẫn, điều hành, đảm bảo giao thông. Đến 6 giờ 30 phút cùng ngày, đoạn đường này đã hết ngập, các phương tiện lưu thông bình thường.

Dù tình trạng ngập tại Km 25+419 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã tạm thời được giải quyết nhưng thời tiết trên địa bàn Bình Thuận vẫn đang tiếp tục có mưa, các tài xế lo ngại tình trạng ngập sẽ tái diễn.

Liên quan vấn đề này, một số chuyên gia về hạ tầng giao thông cho rằng chuyện xảy ra ngập trên đường cao tốc là điều hiếm thấy. Đây là đường chuyên dụng cho các phương tiện ôtô, nền đường được thiết kế cao, nằm xa khu dân cư nên nếu ngập nước, cần phải xem xét lại thiết kế, hệ thống thoát nước và cả việc kiểm tra chất lượng mặt đường sau ngập.

Tạm thời, để khắc phục tình trạng ngập trong thời gian tới, Ban Quản lý Dự án Thăng Long đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế và các bên liên quan có mặt tại hiện trường trong ngày 30-7, cùng kiểm tra, đánh giá và đề xuất giải pháp.

Được đưa vào khai thác cách đây 3 tháng, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có chiều dài 99 km, quy mô 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/giờ, kết nối với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm