Thời sự

VDSC: Động lực tăng trưởng kinh tế đang suy yếu

Trong báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chuyên gia phân tích nhận định một số động lực tăng trưởng kinh tế đang có tín hiệu suy yếu.

Bức tranh sản xuất suy yếu

Trong tháng 11, tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 5,3% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng đã điều chỉnh là 5,5% trong tháng 10/2022, đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất từ tháng 10/2021.

Tuy vậy, trong năm trước,chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bắt đầu phục hồi từ tháng 11, do đó chuyên gia của VDSC cho rằng tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 11 vẫn có phần tốt hơn tháng 10.

Chỉ số sản xuất của lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đi ngang trong tháng 11, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Xét về sản lượng, những ngành có tăng trưởng âm so với cùng kỳ gồm: trang phục, sắt thép, điện thoại và ti vi. Một số ngành duy trì được tăng trưởng là dầu khí, xăng dầu, giày dép, linh kiện điện thoại và xe máy.

 

Chỉ số quản trị mua hàng của Việt Nam trong tháng 11 thu hẹp, đạt 47,7 điểm, chấm dứt chuỗi mở rộng 13 tháng liên tục.

Một số điểm nổi bật trong báo cáo PMI là sản lượng, đơn hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đều giảm. Trong khi đó tiền đồng mất giá mạnh trong tháng 11 khiến chi phí đầu vào tăng nhanh hơn tháng trước, trong khi đó, giá đầu ra giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020.

Mức suy giảm của chỉ số PMI khá tương đồng với giai đoạn 2012 - 2013 và sụt giảm ít hơn giai đoạn bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Xu hướng tăng giá chưa dừng lại

Báo cáo của VDSC cũng chỉ ra bức tranh của lĩnh vực dịch vụ vẫn đang tốt hơn lĩnh vực sản xuất. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 2,6% so với tháng trước và 17,5% so với cùng kỳ.

Theo nhóm hàng, doanh thu bán lẻ thực phẩm 10 tháng tăng trưởng 10% so với cùng kỳ. Đà tăng của lĩnh vực dịch vụ ăn uống, lưu trú và du lịch chững lại, doanh thu bán lẻ của hai nhóm hàng này trong 11 tháng lần lượt tăng trưởng 51% và 300% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng của 10 tháng đầu năm.

 

Tuy nhiên, xu hướng tăng giá của hàng hoá, dịch vụ trong nền kinh tế vẫn chưa dừng lại. Lạm phát chung và lạm phát lõi đều tăng 0,4% so với tháng trước.

So với cùng kỳ, mức tăng của chỉ số lạm phát là cao nhất kể từ tháng 3/2020, thể hiện qua chỉ số giá giao thông (+2,2% so với tháng trước), chỉ số giá nhà ở và VLXD tăng xấp xỉ 1%, cao hơn mức tăng 0,7% của tháng trước.

Mặc dù chỉ số giá lương thực & thực phẩm giảm nhẹ trong tháng 11 nhưng nhóm lương thực tăng khá cao (0,6% so với tháng trước), chủ yếu là do giá gạo tăng.

Tình hình xuất khẩu yếu đi nhanh hơn

Tình hình xuất khẩu đang yếu đi nhanh hơn, xuất khẩu tháng 11 giảm 8,9% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 4,9% của tháng 10 và 9,9% của tháng 9.

Trong đó, khu vực kinh tế nước ngoài và trong nước tăng trưởng âm lần lượt là 7,1% và 13,1% so với cùng kỳ. Theo mặt hàng, xuất khẩu hàng điện tử sụt giảm mạnh (-13,2% so với cùng kỳ) chỉ đứng sau mức giảm của mặt hàng kim loại (-44,2% so với cùng kỳ). Xuất khẩu máy móc và đồ gỗ giảm khoảng 7% so với cùng kỳ, hàng nông sản giảm 3,6%, còn dệt may chỉ tăng 1%.

 

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu tháng 11 giảm 7,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 6,7% trong tháng trước.

Tương tự như xuất khẩu, nhập khẩu nguyên vật liệu hàng điện tử giảm rất mạnh (-24,9% so với cùng kỳ), mức giảm yếu hơn được ghi nhận ở nhóm nguyên vật liệu dệt may và máy móc thiết bị (giảm lần lượt 7,5% và 4% so với cùng kỳ). Nếu loại trừ đi ảnh hưởng của giá trị nhập khẩu xăng dầu tăng thì nhập khẩu của nền kinh tế giảm lên đến 10,7%.

So với tháng trước, xuất khẩu giảm khá mạnh (-4,4%) trong khi đó nhập khẩu tăng nhẹ (+1,3%). Mức tăng trung bình động 3 tháng gần nhất thì kim ngạch thương mại tăng không đáng kể, xuất khẩu tăng 2,0% so với cùng kỳ và nhập khẩu tăng 1,3% so với cùng kỳ.

 

Các chuyên gia của VDSC đánh giá xu hướng này có thể tiếp diễn trong các tháng tiếp theo.

Thặng dư thương mại tháng 11 là 742 triệu USD, thấp hơn so với tháng trước và cùng kỳ. Luỹ kế 11 tháng, xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 13,4% và 10,1% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại luỹ kế 11 tháng đạt 9,8 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư 897 triệu USD của cùng kỳ năm trước.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm