Tài chính

USD lao dốc, Bitcoin, vàng và các đồng tiền lớn khác tăng vọt trước khả năng Fed xoay trục chính sách

Đồng tiền chung châu Âu phiên vừa qua có lúc tăng tới 1,0048 USD, cao nhất kể từ ngày 20 tháng 9, và lúc kết thúc ngày 26/10 theo giờ Việt Nam vẫn tăng 0,5% so với đóng cửa phiên liền trước, đạt 1,0019 USD.

Đồng bảng Anh cũng tăng 0,79% lên 1,1563 USD, cao nhất kể từ ngày 14 tháng 9, kéo dài mức tăng 1,6% của ngày hôm trước, khi thị trường phấn khích với việc ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng của Vương quốc Anh. Đồng USD cũng giảm so với yen Nhật, xuống 146,715 JPY, thấp hơn 0,83% so với phiên trước.

Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt - lúc kết thúc ngày 26/10 theo giờ Việt Nam giảm 0,595% xuống 110,28.

Sự giảm giá của đồng đô la diễn ra khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm từ mức cao nhất trong nhiều năm của tuần trước là 4,338%, phiên vừa qua giảm 4 điểm cơ bản xuống 4,069%.

Theo một thông tin từ nguồn Wall Street Journal, các quan chức Fed đã bắt đầu bày tỏ mong muốn sớm giảm tốc độ tăng lãi suất, khiến cho thị trường phải đánh giá lại nhận định của mình.

Derek Holt, người phụ trách bộ phận thị trường vốn của Scotia Economics, cho biết: "Sự suy yếu của đồng đô la trên diện rộng và sự sụt giảm nhẹ nhẹ của lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ so với ngày hôm qua dường như phản ánh những suy nghĩ mơ hồ về sự xoay trục của Fed vào tuần tới".

Tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của Fed trong năm nay, nhằm mục đích kiềm chế lạm phát cao, đã khiến đồng đô la tăng giá mạnh trong thời gian qua.

Các thương nhân và nhà kinh tế dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản lần thứ tư liên tiếp thêm 75 điểm vào thứ Tư tới (2/11), nhưng ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 0,5 điểm trong kỳ họp tháng 12.

Quan điểm rằng Fed có thể bắt đầu xoay trục chính sách vào tháng 12 được củng cố bởi dữ liệu hôm thứ Ba cho thấy giá nhà ở Mỹ đã giảm trong tháng 8 do lãi suất thế chấp tăng cao đã làm giảm nhu cầu.

Dữ liệu hôm thứ Tư tiếp tục cho thấy doanh số bán nhà mới dành cho một gia đình ở Mỹ đã giảm trong tháng 9 và dữ liệu của tháng trước đó đã được điều chỉnh giảm xuống, hỗ trợ quan điểm rằng việc tăng lãi suất của Fed bắt đầu tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương Canada đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tuần này, thấp hơn mức dự kiến, và cho biết mức tăng trong tương lai sẽ tùy thuộc vào đánh giá về tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ - đang thực hiện vì mục tiêu làm chậm nhu cầu và giảm lạm phát.

Đồng đô la Canada đã giảm xuống còn 1,36505 CAD/USD sau quyết định của Ngân hàng Trung ương Canada. Đây là lần thứ hai liên tiếp ngân hàng này giảm quy mô tăng lãi suất, sau khi tăng 100 điểm cơ bản vào tháng 7 và 75 điểm cơ bản vào tháng trước 9. Trong phiên vừa qua, có lúc CAD đạt mức cao nhất 3 tuần, là 1.35105 CAD/USD.

Đồng USD cũng giảm hơn 1,3% so với đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế, trong khi nhân dân tệ kết thúc phiên giao dịch 26/10 trên thị trường trong nước ở mức 7,1825 CNY/USD, mức đóng cửa mạnh nhất kể từ ngày 12 tháng 10 khi các thương nhân và khách hàng doanh nghiệp đua nhau thanh lý các vị thế USD dài hạn của họ. Tuy nhiên, các nhà giao dịch cho biết những người tham gia thị trường đang giữ thái độ thận trọng khi giao dịch đồng nhân dân tệ.

Đồng USD gần đây liên tục giảm so với USD do chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed và do những lo lắng về nền kinh tế Trung Quốc suy yếu. Tăng trưởng kinh tế quý III của Trung Quốc nhanh hơn dự kiến ​​nhờ một loạt các biện pháp hỗ trợ của chính phủ. Nhưng lập trường Zero COVID nghiêm ngặt cùng cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và nhu cầu tiêu dùng yếu đang làm mờ đi triển vọng tăng trưởng kinh tế sắp tới.

Đối với tiền đồng, ngày 26/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.698 VND/USD, giảm 5 đồng so với ngày hôm trước và là lần điều chỉnh giảm đầu tiên sau chuỗi tăng 13 phiên liên tiếp của tỷ giá trung tâm với tổng mức tăng 286 đồng. Với biên độ 5% đang được áp dụng, giá USD mà các ngân hàng được phép giao dịch năm trong khoảng 22.513 – 24.883 VND/USD. Bên cạnh đó, Nhà điều hành vẫn giữ giá bán USD tại Sở Giao dịch ở mức 24.870 VND và không niêm yết giá mua vào.

Tại các ngân hàng, chiều 26/10, Vietcombank giảm giá mua và giá bán đồng loạt ở mức 6 đồng, xuống mua – bán ở mức 24.572 – 24.882 VND/USD. VietinBank giảm 5 đồng ở giá bán, nhưng vẫn neo ở mức trần 24.883 VND/USD. Trong khi BIDV giảm 6 đồng ở cả hai chiều giao dịch.

Trên thị trường tiền điện tử, các loại tiền đồng loạt tăng mạnh so với phiên trước, với Bitcoin tăng 4,45% lên 20,981 USD.

USD lao dốc, Bitcoin, vàng và các đồng tiền lớn khác tăng vọt trước khả năng Fed xoay trục chính sách - Ảnh 1.

Giá bitcoin ngày 26/10.

Giá vàng cũng tăng vọt lên mức cao nhất 2 tuần do USD và lợi suất trái phiếu Mỹ cùng giảm bởi kỳ vọng từ tháng 12 tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại.

Giá vàng giao ngay kết thúc ngày 26/10 theo giờ Việt Nam tăng 1% lên 1.669,22 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 13/10; giá vàng kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 1% lên 1.673,80 USD.

David Meger, giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures cho biết: "Trong vài phiên gần đây, chúng tôi đã chứng kiến ​​lợi suất trái phiếu đi xuống, đồng đô la giảm và kết quả là chúng tôi đã chứng kiến ​​một đợt chào giá mới trên thị trường vàng" .

Dữ liệu hôm thứ Ba cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm dần trong tháng 10, giá nhà giảm mạnh trong tháng 8 và có những dấu hiệu cho thấy lập trường tích cực của Fed đang bắt đầu hạ nhiệt thị trường lao động.

"Chúng tôi có thể thấy nền kinh tế đang chậm lại, nhưng lạm phát có thể không giảm nhiều như Fed mong muốn và họ sẽ không còn khả năng hoặc sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa và đó là một môi trường rất tích cực cho vàng", ông Meger nói .

Trọng tâm chú ý của thị trường hiện chuyển sang dữ liệu GDP của Mỹ, sẽ công bố vào thứ Năm (27/10), tiếp theo là số liệu lạm phát cơ bản của Mỹ vào thứ Sáu (28/10) có thể cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn về quỹ đạo tăng lãi suất của Fed.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Cùng chuyên mục

Đọc thêm