Thời sự

TS. Cấn Văn Lực: "Dư địa chính sách tài khóa vẫn còn để tung ra các gói hỗ trợ mới hỗ trợ tăng trưởng kinh tế"

Tọa đàm Kinh tế Việt Nam và thế giới "Nhận diện kinh tế quý 1/2024: Mở lối cho kinh tế cả năm”. (Nguồn: Vneconomy).

Dự báo tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam và thế giới với chủ đề: "Nhận diện kinh tế quý I: Mở lối cho kinh tế cả năm” diễn ra sáng ngày 22/4, các chuyên gia đều cho rằng nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, con số tăng trưởng GDP quý I tuy cao nhưng thiếu bền vững.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng GDP quý I tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020 - 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp trong quý I tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,02 điểm % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của từng tháng trong quý I lại không ổn định (tháng 1 tăng 18,3%, tháng 2 giảm 6,8%, tháng 3 tăng 4,1%). Đồng thời, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong tháng 3 dưới ngưỡng 50 điểm.

Chuyên gia đánh giá: “Sự phục hồi của nền kinh tế trong quý I thiếu bền vững”.

Ngoài ra, tỷ lệ giữa doanh nghiệp gia nhập thị trường và doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong quý I cũng ghi nhận nhiều biến động đáng chú ý. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, trung bình cứ bốn doanh nghiệp gia nhập thị trường thì chỉ có một doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay, tỷ lệ này thay đổi rõ rệt khi cứ mỗi doanh nghiệp gia nhập thị trường thì sẽ có hai doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

“Sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở hầu hết các lĩnh vực là một biểu hiện rõ ràng cho thấy doanh nghiệp và nền kinh tế đang gặp phải những khó khăn đáng kể và tình trạng này đặt ra nhiều vấn đề về sự ổn định và động lực phát triển của các doanh nghiệp, cũng như cả nền kinh tế trong tương lai”, ông cũng nêu rõ.

Đáng lưu ý, dù là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, song kể từ sau quý III/2022, các chỉ số liên quan đến lĩnh vực dịch vụ như tăng trưởng dịch vụ, tăng trưởng dịch vụ theo giá hiện hành và tăng trưởng dịch vụ đã loại trừ yếu tố giảm giá liên tục đã trải qua những biến động không lường trước. Điều này thể hiện một thách thức mới đối với sự ổn định và sự phát triển bền vững của ngành dịch vụ trong nền kinh tế Việt Nam.

“Những con số của lĩnh vực dịch vụ thấp hơn nhiều so với trước đại dịch và đang có xu hướng đi xuống vì lạm phát có thể gia tăng trong khi thu nhập của người dân lại không tăng. Khi một động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng bị xói mòn thì nền kinh tế khó có thể phục hồi mạnh mẽ”, ông Nguyễn Đình Cung quan ngại.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. (Nguồn: Vneconomy).

Một vấn đề đáng lo ngại tiếp theo là tăng trưởng của đầu tư theo các thành phần kinh tế trong quý I vẫn chưa thể phục hồi. Cụ thể, mức tăng trưởng của đầu tư công được coi là “hụt hơi” khi giảm từ 21,2% trong quý IV/2023 xuống chỉ còn 3,7% trong quý I; tăng trưởng của đầu tư xã hội giảm từ 6,2% xuống còn 5,2%; đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực khác giảm từ 5,4% xuống còn 4,2%; đầu tư của lĩnh vực tư nhân tăng từ 2,7% lên 4,2%; đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng từ 6,2% lên 8,9%.

“Những kết quả này đã phản ánh sự không ổn định trong đầu tư và khó khăn của việc tăng trưởng đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế”, ông Cung nêu rõ.

Tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6 - 6,5%

Dù khẳng định kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, song TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt ở mức 6 – 6,5% nhưng cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tung ra các gói tài khoá làm trợ lực cho tăng trưởng.

Ông cho biết đầu tư công dự báo vẫn là trợ lực chính cho tăng trưởng kinh tế khi cả nước dự kiến đẩy mạnh giải ngân gần 700.000 tỷ đồng, tăng 12% so với 2023. Trong khi đó, số liệu về vốn FDI cũng khá tích cực với vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 6,17 tỷ USD (tăng 13,4%), vốn giải ngân đạt 4,63 tỷ USD (tăng 7,1%).

Về chính sách tiền tệ, thị trường có thể yên tâm khi lãi suất dự báo duy trì ở mức thấp trong cả năm, có thể tăng nhưng chỉ là cục bộ vài ngân hàng chứ không phải toàn thị trường do thanh khoản hệ thống dồi dào và các tổ chức tín dụng cũng mong kích cầu tín dụng.

Ngoài ra, ông Lực cũng nhắc đến một số trợ lực khác cũng được như việc hoàn thiện thể chế được thúc đẩy như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi… Dự kiến khi các luật, chính sách bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm tới, thông thường thị trường sẽ đón trước các tín hiệu.

Về chính sách tài khóa, dự báo lạm phát của Việt Nam 2024 khoảng 3,5 - 4%, dù cao hơn mức 3,25% của năm 2023 nhưng vẫn dưới mục tiêu (4 - 4,5%), là mức chấp nhận được. Cùng đó, nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ so với thu NSNN trong ngưỡng Quốc hội cho phép nên chuyên gia từ BIDV nhận định rủi ro tài khóa chỉ ở mức trung bình và Việt Nam còn dư địa chính sách tài khóa cho những gói hỗ trợ mới.

“Chính phủ có thể cân nhắc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024, cùng với cho phép giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước như hồi dịch COVID-19”, ông Lực nêu rõ.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh chụp màn hình).

Ngoài ra, ông Lực cho rằng, chính sách tiền tệ sẽ là nhóm “bổ trợ” thông qua việc điều hành chủ động, linh hoạt, cho phép cơ cấu lại nợ (cho phép gia hạn đến hết năm 2024). Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá…

Cùng đó cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, kịp thời ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận vốn phát triển nhà ở xã hội...

Ngoài ra cũng cần kết hợp thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, liên kết vùng, cải cách thể chế kinh tế, năng suất lao động, tăng đóng góp TFP vào tăng trưởng.

“Nếu phát huy, khai thác tốt 7 động lực tăng trưởng mới này, GDP có thể tăng thêm từ 0,9 - 1,4 điểm % trước mắt trong bối cảnh toàn cầu đang suy giảm cũng như lâu dài”, TS. Cấn Văn Lực tính toán.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm