Cá tra Việt Nam được khách nước ngoài tìm hiểu tại một hội chợ quốc tế - Ảnh: THẢO THƯƠNG
"Chúng tôi tin rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là một cú hích lớn cho du lịch Việt Nam, vì du khách Trung Quốc chiếm hơn 30% lượng khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2019 (trước dịch COVID-19)", đội ngũ chuyên gia của chứng khoán VNDirect đánh giá.
Từng bước ổn định chuỗi cung ứng
Giữa năm 2022, các lệnh hạn chế do COVID-19 ở Trung Quốc bắt đầu được nới lỏng, giúp giảm bớt tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Du lịch là một trong những nhóm ngành được hưởng lợi từ tín hiệu mở cửa của Trung Quốc sau một thời gian "đóng băng" do nước này thắt chặt chính sách phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, dịch vụ lưu trú ăn uống và hàng không sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của lượng khách du lịch từ Trung Quốc. Việc giao thương qua biên giới hai nước dễ dàng hơn cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chi phí vận chuyển giảm và nhu cầu gia tăng từ thị trường Trung Quốc. Chứng khoán BSC cho biết việc Trung Quốc mở cửa sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng cao sau thời gian dài bị kìm nén, giúp cả ngành cá tra tăng trưởng.
Trong khi đó, giá heo hơi năm 2023 duy trì ở mức cao quanh mức 60.000-70.000 đồng/kg, do nguồn cung dự kiến vẫn bị thắt chặt do áp lực từ chi phí đầu vào, dịch bệnh và độ trễ hoạt động tái đàn của hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khi, các doanh nghiệp đối mặt với những thách thức về vấn đề môi trường và xin cấp phép chăn nuôi mới.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ heo hơi kỳ vọng tăng trưởng ổn định và việc kỳ vọng Trung Quốc tái mở cửa cũng hỗ trợ tích cực giá heo hơi nội địa trong ngắn hạn.
Hàng hóa lưu thông bằng đường hàng không từ Việt Nam - Trung Quốc kỳ vọng tăng trở lại. Trong ảnh tại một kho hàng hóa tại ở sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: CÔNG TRUNG
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng góp phần ổn định chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho các lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may.
Đối với ngành ô tô, trong quý cuối năm 2022 và năm 2023, BSC kỳ vọng doanh số sẽ tiếp tục tăng trưởng khi Trung Quốc nới lỏng chính sách "zero COVID", vì vấn đề thiếu hụt linh kiện bớt căng thẳng, thúc đẩy các nhà sản xuất tăng cường sản xuất, đảm bảo nguồn cung để đáp ứng nhu cầu cũng như giảm thời gian chờ đợi của khách hàng.
Nếu loại bỏ đi yếu tố nền thấp trong năm 2021, BSC ước tính sản lượng container ba quý đầu năm 2022 chỉ tăng 2-3% so với năm trước. Sang năm 2023, sản lượng container vẫn tăng trưởng chậm do kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Tuy nhiên, BSC kỳ vọng trong trường hợp Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại trong năm 2023, thì tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể được cải thiện, giúp phục hồi sản lượng.
Lên kế hoạch nối lại đường bay Trung Quốc
Ngành hàng không cũng sẽ được hưởng lợi do các đường bay quốc tế phục hồi. Các hãng hàng không Việt Nam cho biết đang lên kế hoạch nối lại đường bay thương mại đến Trung Quốc trong tháng 12-2022 khi nước này từng bước nới lỏng phòng chống dịch.
Vietnam Airlines sẽ khai thác lại đường bay Hà Nội - Thượng Hải, TP.HCM - Thượng Hải, Quảng Châu từ ngày 9-12. Tần suất ban đầu 1-2 chuyến/tuần. Bamboo Airways thì cho biết ngày 6-12 hãng đã có hai chuyến bay đầu tiên từ Hà Nội đến Thiên Tân của Trung Quốc, vận chuyển gần 400 khách.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online tại Vietjet cũng cho biết hãng đang lên kế hoạch khai thác từng bước thị trường Trung Quốc, thị trường chiếm tới 20% tổng doanh thu mạng bay quốc tế của hãng.
Theo các hãng hàng không, việc mở bay lại thương mại với tần suất dù vẫn còn khiêm tốn là tiền đề khôi phục lại mạng bay đến thị trường tỉ dân. Các liên hệ online trước đây nay đã được "khơi thông" khi các chuyến bay thương mại được khởi động giữa hai nước sẽ thêm thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu hợp tác thương mại.
Có ngành được hưởng lợi từ việc nới lỏng nhưng cũng có nhóm ngành có rủi ro. Theo VNDirect, rủi ro tiềm ẩn ở ngành điện, khi giá than sẽ duy trì ở mức cao, đặc biệt khi Trung Quốc mở cửa trở lại, gây áp lực lên nguồn cung than.
Các nhà sản xuất thép và xi măng Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như nhu cầu xây dựng toàn cầu giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và dư thừa nguồn cung đáng kể kể từ quý 3-2022. Triển vọng trong năm 2023 cũng bị đè nặng bởi sự ảm đảm của thị trường bất động sản dân cư.
Dù vậy, có thể xuất hiện sự cải thiện của ngành vào cuối năm 2023 khi giá nguyên liệu đầu vào giảm (than cốc, than nhiệt, thép phế) và việc Trung Quốc mở cửa trở lại và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu thép và xi măng toàn cầu phục hồi.