Chứng khoán

Tổ chức trong nước bán ròng hơn 1.360 tỷ đồng trong tháng 6, tập trung xả cổ phiếu BĐS

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm có biến động giằng co với xu hướng hồi phục là chủ đạo. Diễn biến giảm của mặt bằng lãi suất, với 4 lần hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, là yếu tố chính hỗ trợ đà hồi phục của thị trường từ mức nền thấp được thiếp lập vào cuối năm 2022.

Mặc dù vậy, sự suy yếu của nền tảng vĩ mô, cũng như sự sụt giảm lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết là yếu tố kiềm hãm đà hồi phục của thị trường. Tính đến ngày 30/6, VN-Index tăng 108,8 điểm, tương đương tăng 10,75% từ đầu năm, đi kèm giá trị giao dịch tăng 3,86%.

Tính riêng trong tháng 6, VN-Index tăng 45,01 điểm tương đương 4,19%, kết thúc tháng ở mức 1.120,18 điểm. Thanh khoản trung bình mỗi phiên đạt 17.001 tỷ đồng, tăng 38,5% so với tháng trước.

Thống kê giao dịch của các nhóm nhà đầu tư trong tháng 6, tổ chức trong nước là một trong hai phía bán ròng cùng với khối ngoại. Về giá trị, họ xả ròng 1.364 tỷ đồng, tuy nhiên nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì quy mô rút ròng chỉ là 77 tỷ đồng.

Tổ chức nội chuyển hướng bán ròng mạnh nhất cổ phiếu BĐS

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều bán ròng của các tổ chức trong nước chiếm ưu thế khi diễn ra ở 10/18 nhóm ngành.

Ở phía mua ròng, nhóm tài nguyên cơ bản được dòng tiền của các tổ chức nội hướng sự chú ý trong tháng 6 với giá trị 896 tỷ đồng. Cổ phiếu tài nguyên cơ bản là á quân tăng điểm với tỷ lệ 36,5%.

Bên cạnh đó, tổ chức trong nước cũng duy trì mua ròng 834 tỷ đồng ở nhóm dịch vụ tài chính và 365 tỷ đồng cổ phiếu ngành ngân hàng. Tính từ đầu năm 2023, dịch vụ tài chính là nhóm tăng giá mạnh nhất do việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ cải thiện triển vọng ngành thông qua (1) giảm chi phí vốn và (2) thúc đẩy hoạt động giao dịch trên thị trường, giúp cải thiện thu nhập từ phí.

Trở lại với giao dịch của nhóm NĐT tổ chức, nhóm hóa chất, bán lẻ, dầu khí, … cũng thu hút sự chú ý của dòng tiền với giá trị thấp hơn.

Ở phía đối diện, cổ phiếu bất động sản là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tháng với 650 tỷ đồng, chỉ số giá ngành tăng nhẹ 6,14%. Tương tự, cổ phiếu điện, nước & xăng dầu khí đốt, hàng & dịch vụ công nghiệp, xây dựng & vật liệu, thực phẩm & đồ uống cũng lọt Top bán ròng với giá trị lần lượt là 339 tỷ đồng, 319 tỷ đồng và 316 tỷ đồng.

Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là thực phẩm & đồ uống (229 tỷ đồng), bảo hiểm (200 tỷ đồng), công nghệ thông tin (116 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (115 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Cổ phiếu nào được mua/bán ròng nhiều nhất?

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước trong tháng 6 nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu HPG. Mã này dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất với 660 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất được các tổ chức trong nước rót ròng trên 500 tỷ đồng.

Danh mục rót vốn còn có sự góp mặt của bộ đôi ông lớn ngành chứng khoán SSI và VND, với giá trị vào ròng lần lượt là 500 tỷ và 263 tỷ đồng.

Đứng vị trí thứ 3 trong top mua ròng là cổ phiếu KBC với 298 tỷ đồng. Trong báo cáo cập nhật mới đây Agriseco Research dự báo kết quả kinh doanh quý II của KBC sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan với doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng, gấp từ 4 - 5 lần so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế khoảng 900 tỷ đồng so với mức âm trong năm 2022.

Bên cạnh đó, áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn trong quý II của KBC đã giảm đi đáng kể nhờ dòng thu lớn từ hoạt động cho thuê bất động sản khu công nghiệp.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Trở lại với giao dịch của NĐT tổ chức nội, trong top 5 mua ròng còn có sự xuất hiện của một cổ phiếu bất động sản khác là VHM (236 tỷ đồng).

Trong khi đó, cổ phiếu NVL của Novaland bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 694 tỷ đồng. Trong ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Novaland, một số cổ đông của Tập đoàn chất vấn ban lãnh đạo về việc giá cổ phiếu giảm mạnh từ năm ngoái đến nay và vì sao các cổ đông lớn liên tục bán ra.

Theo bà, Đỗ Thị Phương Lan, thành viên Hội đồng Cố vấn điều hành của Novaland, việc NovaGroup, cổ đông lớn nhất của Novaland đăng ký bán số lượng lớn cổ phiếu là để phục vụ việc tái cơ cấu các khoản nợ của công ty. Trong đó có một lượng lớn cổ phiếu NovaGroup nắm giữ bị bán giải chấp để giữ đúng cam kết với trái chủ trong một số lô trái phiếu.

Tương tự, hai đại diện đến từ ngành này là CII và KDH cũng bị bán ròng lần lượt 560 tỷ đồng và 245 tỷ đồng. Hai cái tên cuối cùng trong danh mục rút vốn của tổ chức trong nước là REE (349 tỷ đồng) và VNM (230 tỷ đồng).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm