Doanh nghiệp

TNG báo lãi tháng 1 gấp gần 3 lần cùng kỳ

Theo báo cáo tài chính riêng vừa công bố, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) ghi nhận gần 524 tỷ đồng doanh thu thuần trong tháng 1/2024, tăng 32% so với cùng kỳ. Trừ các chi phí, công ty báo lãi sau thuế gần 15 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp trong kỳ đạt 12,6%, cùng kỳ đạt 13%.

Ngay từ đầu năm 2024, TNG cho biết công ty đã ký các đơn hàng may xuất khẩu với nhiều đối tác như: Decathlon, Columbia, The Children's Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas… 

Kết quả của TNG khả quan đặt trong bối cảnh tháng đầu tiên của năm, chỉ số sản xuất của ngành dệt may tích cực, trong đó dệt tăng hơn 46%; sản xuất trang phục tăng gần 21%; sản phẩm vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57%; quần áo mặc thường tăng 25,8%... 

Dệt may cũng đứng vào top 4 ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng gần 29% so với cùng kỳ năm 2023. Thành quả này được nhận định là nhờ sự phục hồi của các doanh nghiệp từ cuối năm 2023, khi đơn hàng dần tăng trở lại nhờ nhu cầu may mặc vào dịp lễ, Tết. 

Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, có những chỉ dấu sáng cho ngành dệt may hồi phục trở lại, nhất là tại những thị trường xuất khẩu truyền thống và lớn của ngành. Trong đó, Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75% là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại.

Còn theo SSI Research, biên lợi nhuận gộp của các công ty may mặc sẽ dần cải thiện lên mức 14 - 15% trong năm 2024 so với mức 11 - 14% của năm ngoái do nhu cầu phục hồi chậm xuyên suốt cả năm. 

Tuy nhiên, sự kiện căng thẳng Biển Đỏ có thể gây hiệu ứng gợn sóng đến hoạt động kinh doanh quý I của các doanh nghiệp xuất khẩu. 

Chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ/châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023. Hơn nữa, khi căng thẳng leo thang, thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm tăng lên.

Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng điều kiện FOB, theo đó, người mua phải chịu chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do nhu cầu thấp và mức tồn kho cao nên người mua có thể đàm phán lại với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I có thể phải chịu chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi tình hình Biển Đỏ hạ nhiệt. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm