Doanh nhân

Tiến sĩ 55 tuổi mất hơn 300 tỷ đồng ngày chứng khoán giảm mạnh phiên thứ 4 liên tiếp

Chuỗi ngày giảm điểm của thị trường chứng khoán vẫn chưa dừng lại khi phiên giao dịch ngày 19/10, chỉ số VN-Index tiếp tục ghi nhận giảm hơn 15,5 điểm về còn 1.087,85 điểm. Đây là phiên giảm mạnh thứ 4 liên tiếp. Thị trường đang dưới mốc hỗ trợ quan trọng 1.100 điểm và đã trở lại vùng giá thấp nhất kể từ ngày 1/6. Thanh khoản giảm mạnh theo chỉ số, ghi nhận hơn 13.700 tỷ đồng trên sàn HoSE, chỉ bằng hai phần ba so với phiên liền trước.

Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng ghi nhận mức giảm 3,67 điểm để đóng cửa ở mức 223,45 điểm. Chỉ số Upcom-Index ghi nhận mức giảm 0,94 điểm để đóng cửa ở mức 85.00 điểm.

Trong ngày chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận phiên giảm mạnh thứ 4 liên tiếp để trở về vùng giá thấp nhất từ 1/6, mã cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng do đại gia Ngô Chí Dũng giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị ghi nhận mức giảm 1.050đ/cổ phiếu, tương đương mức giảm 4,67%, đây cũng là mã cổ phiếu ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong rổ chỉ số VN30. Phiên giảm thứ 2 này cũng đã xóa sạch nỗ lực tăng giá của VPB kể từ  phiên giao dịch ngày 9/10 vừa qua.

Tiến sĩ 55 tuổi mất hơn 300 tỷ đồng ngày chứng khoán giảm mạnh phiên thứ 4 liên tiếp - 1

Nhiều mã cổ phiếu giảm mạnh trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam đã có chuỗi 4 phiên giảm mạnh liên tiếp - Ảnh chụp màn hình

Đà giảm của cổ phiếu VPB khiến khối tài sản của Chủ tịch Ngô Chí Dũng ghi nhận mức giảm hơn 345 tỷ đồng khi tiến sĩ 55 tuổi đang trực tiếp nắm giữ hơn 328,5 triệu cổ phiếu của nhà băng này. Tính theo giá thị trường, khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Dũng có giá trị hơn 7.047 tỷ đồng. Ngoài ra, khối tài sản của những người thân của ông Dũng như bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Dũng) cũng ghi nhận mức giảm hơn 343 tỷ đồng khi bà đang nắm giữ hơn 326,75 triệu cổ phiếu VPB. Cùng với đó, khối tài sản của bà Vũ Thị Quyên (mẹ ông Dũng) cũng ghi nhận mức giảm hơn 342 tỷ đồng khi bà Quyên đang trực tiếp nắm giữ hơn 325,88 triệu cổ phiếu nhà băng này,…

Trước khi bị điều chỉnh mạnh trong phiên giao dịch ngày 19/10, VPB đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm. Theo đó, thu nhập lãi thuần hợp nhất trong quý 3 của nhà băng này đạt 8.837 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 3.117 tỷ đồng và 2.427 tỷ đồng, giảm 31%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, VPBank đạt 27.133 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế cùng giảm 58%, xuống 8.279 tỷ đồng và 6.530 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý 3/2023, tổng tài sản VPBank đạt 780.213 tỷ đồng, tăng 23,6% so với đầu năm (tăng gần 150 nghìn tỷ đồng). Cho vay khách hàng đạt 521.566 tỷ đồng và tiền gửi của khách hàng là 421.472 tỷ đồng, tăng 19% và 39%.

Sau chuỗi 4 phiên giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 20/10, chuyên gia của chứng khoán Vietcap dự báo VN-Index có thể có quán tính giảm đầu ngày để chạm vào vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.080 điểm. Dù đây không phải là một hỗ trợ mạnh, tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng trạng thái bán quá mức của thị trường sẽ thúc đẩy một nhịp hồi phục cho VN-Index để kiểm định lại khu vực kháng cự của đường MA200 tại 1.114 điểm. Tuy nhiên, nếu lực bán vẫn chiếm ưu thế, VN-Index có thể giảm qua vùng 1.080 để xuống các hỗ trợ ngắn hạn tiếp theo tại 1.060 hay 1.020 điểm ở những phiên sau đó.

Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) áp lực bán sẽ tăng dần trong những phiên tiếp theo khi lượng cầu bắt đáy những ngày qua đã bắt đầu lỗ. Dự báo thị trường sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên 20/10, trước khi tìm được điểm cân bằng mới quanh vùng hỗ trợ 1.050 – 1.080 điểm. Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro, tránh tham gia bắt đáy quá sớm, và chờ đợi tín hiệu phục hồi rõ ràng hơn.

Tương tự, chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng khả năng hồi phục của thị trường khá khiêm tốn, do dòng tiền nhìn chung vẫn còn thận trọng. Sau nỗ lực hồi phục bất thành, thị trường tiếp tục suy yếu trở lại. Với trạng thái hiện tại, có khả năng thị trường vẫn còn rủi ro giảm điểm trong phiên giao dịch 20/10 để tìm điểm và tín hiệu hỗ trợ mới. Nhà đầu tư tạm thời vẫn cần thận trọng và chờ tín hiệu gia tăng của dòng tiền. Hiện tại vẫn cần cân nhắc giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý để phòng ngừa rủi ro.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm