Thời sự

Thúc tiến độ dự án Trạm biến áp 500kV Lào Cai và các đường dây 220kV đấu nối

Dự án Trạm biến áp 500 kV Lào Cai và các đường dây 220 kV đấu nối có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giải tỏa công suất nguồn thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc lên hệ thống điện quốc gia, nhằm đảm bảo điện cho miền Bắc từ mùa nắng nóng năm nay. Toàn công trường hiện đang nỗ lực và quyết tâm hoàn thành giai đoạn 1 trong tháng 3.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Dự án Trạm biến áp 500 kV Lào Cai và đường dây 220 kV đấu nối được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư xây dựng nhằm giải tỏa công suất nguồn thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc và các tỉnh lân cận (Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái), hỗ trợ nhập khẩu điện khi cần thiết, đồng thời giảm tải cho các đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa, Sơn La – Nho Quan hiện hữu. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.564 tỷ đồng. Trong đó, 80% vốn vay từ các ngân hàng thương mại trong nước và 20% vối đối ứng của EVN.

Trong giai đoạn 1 của dự án, sẽ xây dựng sân phân phối 220 kV và các đường dây 220 kV đấu nối. Giai đoạn 2 xây dựng sân phân phối 500 kV và hoàn thiện toàn bộ dự án, dự kiến đóng điện quý IV/2024, đồng bộ với dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên.

Ông Đỗ Quang Khải, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện 1 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) – đơn vị được giao quản lý điều hành dự án cho biết, tính đến nay, phạm vi trạm biến áp 500 kV Lào Cai đã hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng cho nhà thầu thi công. Đối với đường dây 220 kV đấu nối đã bàn giao được 47/51 vị trí móng cột cho nhà thầu thi công.

Về tiến độ thi công, đã hoàn thành và bàn giao 100% diện tích mặt bằng trạm và hoàn thành lắp đặt thiết bị nhất thứ, đang thực hiện lắp đặt thiết bị nhị thứ và kéo rải, đấu nối cáp. Đối với phần đường dây 220 kV đấu nối đã hoàn thành lắp dựng 38/51 vị trí cột, đang lắp dựng 9 vị trí và bắt đầu triển khai kéo dây.

Ông Đỗ Quang Khải cho biết, mặc dù dự án hiện nay đang bám sát tiến độ đề ra, tuy nhiên, dự án vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt bồi thường giải phóng mặt bằng 4 vị trí móng và phần hành lang tuyến. Nhiều hộ dân không đồng tình với đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản, cây trồng và có tâm lý e ngại khi đường dây điện 220 kV đi qua thửa đất, nhà ở của mình.

Bên cạnh đó, khu vực, thời tiết khu vực trời mù, có mưa cũng là những nguyên nhân cản trở tiến độ thi công dựng cột, kéo dây dự án.

Giải pháp nào để hoàn thành?

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, bù đắp những phần khối lượng đã bị chậm tiến độ, ông Đỗ Quang Khải – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện 1 cho biết, đơn vị tổ chức các buổi kiểm tra hiện trường và họp kiểm điểm tiến độ với liên danh nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời đôn đốc nhà thầu tiếp tục huy động thêm nhân lực (lái xe, lái máy và cán bộ kỹ thuật), thiết bị lên hiện trường cho tất cả các mũi thi công để đáp ứng tiến độ thi công theo tình hình thực tế, đặc biệt là mũi thi công tiếp địa, san nền trạm biến áp, tường rào, gia cố mái và mương thoát nước, đường trong trạm biến áp, cấp thoát nước, đường vào trạm biến áp.

Đồng thời yêu cầu nhà thầu thay thế các tổ đội thi công không đủ năng lực; triển khai đồng thời, đan xen các công việc của gói thầu như: Thỏa thuận giải phóng mặt bằng đường tạm lên vị trí móng và mặt bằng tạm, san gạt mặt bằng và đào hố móng, thi công bê tông móng, lấp đất hố móng, lắp đặt tiếp địa, lắp dựng cột thép, ưu tiên thi công khép các khoảng néo để sớm tiến hành rải kéo dây dẫn, dây cáp quang và dây chống sét. 

Ban Quản lý dự án Điện 1 cũng yêu cầu nhà thầu phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp huyện, xã và thôn để vận động thuyết phục người dân cho mượn đường thi công với mức giá hỗ trợ phù hợp; yêu cầu nhà thầu chủ động, tích cực làm việc với các cơ quan liên quan để được cấp phép thi công rải kéo dây qua đường bộ, đường sông và giao chéo với đường điện 35 kV, 220 kV.

Ông Nguyễn Danh Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Vân Hội (đơn vị liên danh với Công ty CP Tập đoàn PC1 thi công trạm biến áp) cho biết, đến nay, việc thi công lắp đặt thiết bị nhất thứ đã hoàn thành. Liên danh nhà thầu huy động đầy đủ nhân lực, phương tiện, máy móc để gấp rút thi công, hoàn thành những công việc còn lại để công trình đóng điện trước ngày 31/3/2023, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Đại diện Công ty CP Xây lắp điện 2 đơn vị thi công đường dây đấu nối cho biết, hiện đơn vị đang huy động tối đa lực lượng, chia thành nhiều tổ đội để đẩy nhanh tiến độ dựng cột, kéo dây và cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 3/2023.

Ngày hôm nay 24/2, Ban Quản lý xây dựng (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã kiểm tra công trường. Tại buổi kiểm tra công trường, ông Khương Thế Anh, Phó Trưởng ban Quản lý xây dựng EVN cho biết, mặc dù dự án được triển khai thi công từ tháng 4/2022 và trong quá trình thi công gặp những khó khăn vướng mắc về thời tiết do mưa nhiều, giá cả vật tư thiết bị, xăng dầu tăng cao, tuy nhiên Ban Quản lý dự án Điện 1 và các đơn vị thi công đã rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án. Đến nay, dự án đã hoàn thành khối lượng công việc lớn đề ra, tuy nhiên một số hạng mục thi công còn chậm.

Ông Khương Thế Anh đề nghị Ban Quản lý dự án Điện 1 tiếp tục đôn đốc quyết liệt nhà thầu khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan, tăng cường nhân lực và thiết bị để triển khai thi công đồng thời trên các vị trí móng cột điện, đảm bảo tiến độ thi công chung của dự án. Đối với những khó khăn vướng mắc mặt bằng, Ban Quản lý dự án Điện 1 cần tiếp tục bám sát chính quyền địa phương để sớm tháo gỡ, nếu có vướng mắc cần báo cáo tập đoàn để sớm xử lý.

Ông Khương Thế Anh cũng đề nghị toàn công trường trong giai đoạn thi công nước rút này không vì tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn cho người và thiết bị, đồng thời chú trọng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm