Chứng khoán

Thói quen “xả hàng” sau Tết của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có một phiên điều chỉnh dưới áp lực bán mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài. Tính riêng trên HoSE, khối ngoại đã bán ròng gần 940 tỷ đồng trong phiên 22/2, mạnh nhất kể từ đầu năm 2024. Giá trị bán ròng luỹ kế từ đầu tháng 2 lên đến gần 2.000 tỷ đồng. Trước đó, khối ngoại đã mua ròng nhẹ gần 180 tỷ đồng trong tháng đầu năm.

Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài đã có 4 năm liên tiếp bán ròng trong tháng 2 và nhiều khả năng sẽ còn tiếp nối trong năm nay khi động thái xả hàng của khối ngoại đang có dấu hiệu gia tăng gần đây. Nhìn chung, trong 5 năm từ 2020, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng mạnh tay giai đoạn sau Tết Nguyên đán (tháng 2-3 dương lịch).

photo-1708601117950

Động thái xả hàng sau Tết của khối ngoại một phần nào đó mang tính chốt lời khi thị trường thường khởi sắc với hiệu ứng tháng Giêng. Thực tế, VN-Index cũng đã tăng gần 10% từ đầu năm 2024. Vì thế, áp lực chốt lời của khối ngoại cũng là điều dễ hiểu sau khi đã mua ròng giai đoạn trước Tết thường rơi vào tháng 1 dương lịch.

Đà bán ròng của khối ngoại đầu năm nay có sự "góp sức" của dòng vốn rút ra khỏi các quỹ ETFs. Riêng trong tháng đầu năm, các ETFs đã rút ròng khoảng 1.100 tỷ đồng với tâm điểm là 2 quỹ nội DCVFM VNDiamond ETF và SSIAM VNFinLead ETF. Xu hướng này vẫn tiếp diễn trong tháng 2 nhưng áp lực đã vơi đi đáng kể. Thay vào đó, các quỹ chủ động lại đẩy mạnh bán ròng.

Nhìn lại dữ liệu quá khứ, sau giai đoạn bán ròng tháng 2-3, khối ngoại thường có thói quen mua ròng khá mạnh trong quý 2 (ngoại trừ năm ngoái với chuỗi 9 tháng bán ròng liên tiếp). Tuy nhiên, giai đoạn "dễ thở" cũng không kéo dài lâu khi nửa cuối năm thường chứng kiến động thái xả hàng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây.

Năm 2024, giới phân tích đang kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ đảo chiều hoặc ít nhất là giảm áp lực bán ròng so với năm trước. Trong báo cáo chiến lược mới công bố, SSI Research cho rằng xu hướng của dòng vốn ngoại sẽ đảo chiều trong năm 2024 theo sau động thái hạ dần lãi suất của Fed và cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng trong 2024-2025. Mặc dù dòng vốn ngoại có thể chưa hồi phục ngay lập tức nhưng ít nhất áp lực bán ròng có thể sẽ không còn mạnh mẽ như năm trước.

Trong khi đó, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc Chứng khoán HSC cho rằng dòng vốn nước ngoài dự báo vẫn bán ròng trên thị trường niêm yết vì câu chuyện chênh lệch lãi suất. Năm 2024, chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND vẫn tiếp tục diễn ra và NHNN sẽ tiếp tục giữ vững lãi suất thấp hiện nay.

"Cũng có thể lãi suất đồng USD vẫn cao, và không loại trừ khả năng "sẽ lên cao nữa thay vì giảm như mọi người nghĩ" do lạm phát vẫn đang là vấn đề lớn – còn quá sớm để nói việc giảm được lạm phát" – CEO Chứng khoán HSC chia sẻ. Tuy nhiên, ông Giang cũng đánh giá lòng tin vào thị trường chứng khoán đã tốt hơn và động thái bán ròng nếu có cũng sẽ nhẹ hơn.

Về dài hạn, câu chuyện nâng hạng thị trường lên mới nổi được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng góp phần thu hút dòng vốn ngoại đến với chứng khoán Việt Nam. Với mức vốn hóa free float của thị trường Việt Nam vào khoảng 35 tý USD, ước tính tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số FTSE EM vào khoảng 0,7-1% và FTSE Global là 0,1%. Điều này có thể giúp chứng khoán Việt Nam ngay lập tức thu hút được khoảng 1,7-2,5 tỷ USD khi quyết định nâng hạng của FTSE Russel có hiệu lực.

photo-1708601132992

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm