Thời sự

Thi công cao tốc, tự ý ủi luôn rừng: Chủ đầu tư nói "bất ngờ" với vi phạm của nhà thầu

Mới khảo sát đã phá luôn rừng

Để tiếp cận vị trí thi công hầm số 2 và 3 dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2), nhà thầu là Tập đoàn Đèo Cả đã tự thoả thuận với người dân thuê đất và san gạt một phần diện tích rừng tự nhiên làm đường. Phần rừng tự nhiên bị phá thuộc tiểu khu 334, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), đây là nơi mới được khôi phục theo Dự án Phục hồi và quản lý rừng bền vững (KfW6) do Đức tài trợ vốn.

Trước vi phạm trên của nhà thầu, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 (đại diện chủ đầu tư cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) kiểm tra, xử lý và báo cáo vụ việc trên. Chủ đầu tư cũng được yêu cầu chỉ đạo các nhà thầu thi công cao tốc nghiêm túc thực hiện các quy định liên quan về bảo vệ rừng.

Thi công cao tốc, tự ý ủi luôn rừng: Chủ đầu tư nói 'bất ngờ' với vi phạm của nhà thầu - Ảnh 1.

Đường công vụ thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn do nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả san gạt một phần diện tích đất rừng tự nhiên

Cuối tuần qua, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Cao Việt Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho biết, đường công vụ phục vụ thi công cao tốc đều được định hướng trong hồ sơ thiết kế dự án. Khi triển khai thi công, nhà thầu phải khảo sát thực tế, thiết kế, thống nhất với địa phương và báo cáo chủ đầu tư chấp thuận trước khi thực hiện. Vụ việc phá rừng tự nhiên làm đường công vụ thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, theo ông Hùng, dù mới khảo sát đã cho thấy nhà thầu tự ý thực hiện san ủi tuyến đường, tổng chiều dài khoảng 3,5km, qua đoạn rừng tự nhiên và rừng sản xuất.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau khi nhận được phản ánh nhà thầu cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn phá rừng tự nhiên làm đường công vụ, đơn vị đã đề nghị Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi báo cáo vụ việc.

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ (Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi), lượng gỗ tự nhiên bị phá 9,2m3. Hiện Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ đã xác lập hồ sơ vi phạm, làm việc với các cá nhân, tổ chức có liên quan thu thập chứng cứ, hoàn chỉnh hồ sơ xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. DƯƠNG HƯNG

“Sau khi xảy ra vụ việc, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã làm việc với nhà thầu, các bên liên quan. Ban tiếp tục phối hợp với địa phương để xử lý dứt điểm vụ việc, đảm bảo đúng quy định, không ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Nhà thầu cũng xác định không né tránh, nhận trách nhiệm, cam kết thực hiện nghiêm quyết định xử lý của địa phương và khắc phục vi phạm”, ông Hùng nói. Ban Quản lý dự án 2 đang chờ báo cáo chính thức của nhà thầu Đèo Cả, tư vấn giám sát thi công, làm việc với địa phương để báo cáo Bộ GTVT.

Theo ông Hùng, khi triển khai thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, chủ đầu tư và nhà thầu chưa lường hết tính phức tạp của phần diện tích rừng làm đường công vụ. Ngoài xen lẫn giữa đất rừng tự nhiên và sản xuất, diện tích rừng bị san gạt còn liên quan dự án phục hồi rừng sử dụng vốn ODA của Đức, các cam kết bảo vệ rừng với bên tài trợ vốn.

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi ngày 5/6, lãnh đạo UBND thị xã Đức Phổ cho biết, phần diện tích rừng tự nhiên bị phá làm đường thi công cao tốc thuộc Dự án KfW6, được phát hiện ngày 30/3/2023. Tổng diện tích bị phá hơn 7.500m2, tại thời điểm kiểm tra không phát hiện đối tượng vi phạm. Toàn bộ số gỗ bị chặt hạ được tịch thu và chuyển về Hạt Kiểm lâm Thị xã Phổ Cường bảo quản, tạm giữ chờ điều tra . Sau đó, UBND xã Phổ Cường phát thông báo tìm đối tượng phá rừng trái pháp luật, giao công an thị xã phối hợp cơ quan liên quan xác minh đối tượng phá rừng, củng cố hồ sơ để xử lý.

Phục hồi rừng bền vững nhưng liên tục bị phá

Dự án KfW6 tại Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư hơn 53 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của Đức hơn 33 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh hơn 20 tỷ đồng. Tổng diện tích rừng thuộc dự án hơn 3.800ha, tại các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Đức Phổ. Thời gian thực hiện giai đoạn 2005 - 2014. Tại Đức Phổ, Dự án KfW6 đã hỗ trợ khôi phục hơn 1.377ha rừng tự nhiên. Khi tham gia dự án, người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để trồng, bảo vệ và khai thác lợi tức từ rừng mang lại với các cam kết đi kèm.

Thực tế, thời gian qua, diện tích rừng phục hồi thuộc Dự án KfW6 liên tục bị chặt phá. UBND thị xã Đức Phổ thừa nhận, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hết thời gian thực hiện Dự án KfW6, một số hộ dân đã chuyển nhượng, mua bán đất, dẫn tới tình trạng phá rừng thuộc diện tích do Dự án KfW6 hỗ trợ bảo vệ.

Tính tới cuối năm 2022, đã có hơn 312ha rừng tham gia Dự án KfW6 trên địa bàn sụt giảm, trong đó có 144ha rừng bị phá. Trước thực tế trên, UBND thị xã Đức Phổ đã phải yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ diện tích rừng tham gia dự án; nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng phá rừng sẽ xem xét xử lý trách nhiệm lãnh đạo xã và đơn vị liên quan. Trường hợp phát hiện vi phạm phải xác lập hồ sơ xử lý hành chính, hình sự, thu hồi chứng nhận quyền sử dụng đất…

Trong khi diện tích rừng được khôi phục theo Dự án KfW6 đang bị chặt phá và thu hẹp, UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai dự án mới khôi phục rừng (Dự án KfW9), cũng sử dụng vốn ODA Đức tài trợ. Tổng vốn triển khai Dự án KfW9 giai đoạn 2023-2029 trên 114 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm